Hơn 240 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do

Trong hai ngày 29 và 30.11, bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh chủ trì hội nghị thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, lao động việc làm, giáo dục, y tế, phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 do UBND tỉnh trình kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh kết luận các nội dung tại cuộc họp. Ảnh: Phương Thúy

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh kết luận các nội dung tại cuộc họp. Ảnh: Phương Thúy

Các khoản thu trong nhà trường: Tránh lạm thu

Tại hội nghị, Ban VH-XH và lãnh đạo các sở, ngành thống nhất nội dung dự thảo nghị quyết quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoạt động cơ sở thể thao, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, do lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình bày.

Báo cáo thẩm tra của Ban VH-XH cơ bản thống nhất nội dung dự thảo nghị quyết quy định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh của Sở Giáo dục và Đào tạo.

Các khoản thu và mức thu được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, các khoản thu thỏa thuận đã và đang thực hiện tại các cơ sở giáo dục, đồng thời có so sánh với một số địa phương trong khu vực, nhìn chung tương đối phù hợp tình hình thực tế.

Ban VH-XH đề nghị cơ quan tham mưu soạn thảo điều chỉnh bổ sung tại điều 2: “Các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục” chỉ nêu tên các khoản thu, việc thực hiện chi do UBND tỉnh điều hành, không nêu chi tiết vào nghị quyết.

Tại điều 3, đề nghị bổ sung điểm a, khoản 1 thành “Khoản thu dịch vụ phục vụ giáo dục, hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục” và điểm b, khoản 1 thành “khoản thu vệ sinh trường lớp” vì khoản thu tại điểm b, khoản 1 này chỉ nhằm phục vụ cho công tác vệ sinh trường, lớp học còn “hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục” chuyển lên điểm a, khoản 1 sẽ phù hợp hơn.

Đối với mức thu tại điểm b, c khoản 1 đề nghị chỉ phân 2 khu vực thành thị và nông thôn cho thống nhất với nghị quyết mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập cũng trình tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này.

Đối với khoản 2 điều 3, “khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục không quy định mức trần” đề nghị liệt kê đầy đủ tên các khoản thu trong nhà trường để tránh trường hợp lạm thu. Ban VH-XH đề nghị UBND tỉnh khi triển khai thực hiện nghị quyết cần làm tốt công tác tuyên truyền để phụ huynh học sinh hiểu và đồng thuận với các khoản thu, mức thu; chỉ đạo các cơ sở giáo dục công lập thực hiện thu, chi theo đúng quy định, công khai, minh bạch và thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai sót.

Đối với dự thảo nghị quyết quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh, Ban VH-XH HĐND tỉnh thống nhất với đề nghị mức thu học phí trong dự thảo, vì đây là mức thu thấp nhất theo khung học phí được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Thẩm quyền ban hành mức học phí cụ thể hằng năm do HĐND tỉnh quyết định, do đó, Ban VH-XH đề nghị chỉ trình HĐND tỉnh quyết định mức thu học phí của năm học 2022-2023; hằng năm, UBND tỉnh trình HĐND quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không vượt mức trần quy định của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Ban VH-XH cũng đề nghị cần quy định cụ thể hơn mức thu học phí học trực tuyến.

Chi hơn 240 tỷ đồng hỗ trợ lao động tự do

Sau khi nghe các cơ quan quản lý nhà nước báo cáo nội dung, lĩnh vực thuộc ngành quản lý, trong đó có chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bà Kim Thị Hạnh, thành viên Ban VH-XH, Phó tổng Biên tập Báo Tây Ninh đề nghị Sở LĐ-TB&XH xem xét, đánh giá lại một số thông tin, vì có những con số chưa thật sự sát thực tế.

Tương tự như vậy, cần rà soát việc hỗ trợ những nhóm đối tượng gặp khó khăn do đại dịch. Ông Nguyễn Việt Cường- Phó Ban VH-XH đề nghị Sở cho biết, việc ủy quyền cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ có hiệu quả hơn hay không? Đại diện Sở Tài chính cũng đề nghị lãnh đạo Sở thông tin cụ thể về tiến độ hỗ trợ chính sách sau khi ủy quyền cho địa phương thực hiện. Bà Trần Ngọc Mai- Phó Ban VH-XH đề cập việc hỗ trợ mai táng phí đối với người không may qua đời do Covid-19 cũng như việc hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Bà Trương Thị Phương Thảo- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, số liệu của ngành cập nhật liên tục, gần như hằng ngày, nên trong báo cáo có những con số khác thực tế. Hiện tại, nhóm lao động tự do trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ trên 240 tỷ đồng.

Về hỗ trợ mai táng phí, bà Thảo cho hay, việc này còn liên quan Sở Tài nguyên và Môi trường, sẽ được giải quyết xong trong tháng 12 năm nay. Chính sách đối với những người thuộc F1, F0 phải cách ly, ngoài việc được ăn uống miễn phí còn được hỗ trợ 1 triệu đồng, con số này hiện chưa thể thống kê một cách chính xác, vì số liệu liên tục được cập nhật.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương- Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH của HĐND tỉnh đề nghị Sở rà soát lại một số thông tin, số liệu trước khi trình kỳ họp.

Ngành Y tế: Khó khăn trăm bề

Trong lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất của một số cơ sở điều trị Covid-19 xuống cấp nghiêm trọng, chưa đáp ứng yêu cầu, gây khó khăn cho đơn vị trong thực hiện cách ly, điều trị nhưng chưa được ngành Y tế tổng hợp kịp thời để có kế hoạch giải quyết.

Tình trạng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc thiếu cục bộ (do chờ đấu thầu mua sắm), phương tiện phòng hộ cấp không đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch và việc bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Việc bổ sung kinh phí cho các cơ sở y tế khi chuyển công năng để thực hiện công tác thu dung, điều trị Covid-19 chưa kịp thời. Tình trạng quá tải ở tuyến cơ sở và tại các cơ sở thu dung, điều trị khi F0, F1 tăng nhanh, ngành Y tế phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, áp lực cho đội ngũ nhân viên y tế tăng lên rất nhiều, nhưng việc giải quyết các chế độ, chính sách chưa được bảo đảm.

Chế độ cho F0, F1 cách ly, điều trị tại cơ sở y tế còn khó khăn: thiếu tiền trả nhà cung cấp suất ăn cho bệnh nhân, người phải cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị tập trung; việc chi hỗ trợ 1 triệu đồng cho trẻ em còn vướng mắc giữa cơ sở y tế và ngành LĐ-TB&XH.

Các địa phương thực hiện tốt chỉ đạo về việc thành lập trạm y tế lưu động, nhiều nơi đã có quyết định thành lập trạm nhưng thiếu nhân lực, thiết bị, vật tư y tế, chưa có hướng dẫn về kinh phí hoạt động và chế độ cho nhân viên trạm, nên nhìn chung, việc triển khai mô hình này hiệu quả chưa cao.

Bà Kim Thị Hạnh đề nghị ngành Y tế tổng hợp thật đầy đủ thực trạng của ngành, vì hiện nay có nhiều vấn đề ngành đang gặp khó khăn. Cụ thể, nhiều bệnh viện được giao tự chủ một phần tài chính nhưng việc điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 sẽ phải tính toán như thế nào cho hợp tình, hợp lý?

Bà Huỳnh Vương Hiếu, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị lãnh đạo Sở Y tế xem xét điều chỉnh để công tác phòng, chống dịch hiệu quả hơn, vì hiện nay, số ca nhiễm đang tăng. Ông Nguyễn Việt Cường- Phó Ban VH-XH nêu, số lượng F0, F1 đang có chiều hướng gia tăng trong khi nhân lực y tế ở cơ sở mỏng, vậy ngành có cách nào để khắc phục những khó khăn nêu trên? Theo lãnh đạo Sở Tài chính, tình hình người nhiễm Covid-19 đang tăng, nhiều địa phương cho biết, cán bộ y tế xã, phường đang làm việc căng thẳng vì suốt ngày phải nghe điện thoại hoặc gọi điện xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Có ý kiến đề xuất hỗ trợ tiền xăng xe, điện thoại cho cán bộ, nhân viên y tế cơ sở.

Giải trình một số nội dung, bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế phân tích, những khó khăn của ngành là do dịch bệnh bùng phát, số người nhiễm bệnh nhiều. Việc mua thuốc, trang thiết bị của ngành, dù trong điều kiện dịch bệnh nhưng vẫn phải tuân thủ quy định, kể cả chỉ định thầu.

Theo bác sĩ Sơn, ngành đang kêu gọi tình nguyện viên tham gia chống dịch, trong đó, nhiều người là nhân viên y tế đã nghỉ hưu. Thời gian qua, ngành Y tế nhận được nhiều sự hỗ trợ về trang thiết bị kỹ thuật một cách khá nhanh chóng, chủ yếu do ngành đề nghị nhà tài trợ thay vì tặng tiền mặt, hãy mua trang thiết bị…

Cũng trong buổi làm việc, Ban VH-XH còn xem xét, cho ý kiến các nội dung liên quan như Chương trình giảm nghèo bền vững, mức thu học phí theo quy định mới (Nghị định 81), việc kinh doanh trong lĩnh vực thể dục thể thao… Những nội dung trên sẽ được xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 2 của HĐND tỉnh.

Phương Thúy - Việt Đông

Các địa phương thực hiện tốt chỉ đạo về việc thành lập trạm y tế lưu động, nhiều nơi đã có quyết định thành lập trạm nhưng thiếu nhân lực, thiết bị, vật tư y tế, chưa có hướng dẫn về kinh phí hoạt động và chế độ cho nhân viên trạm, nên nhìn chung, việc triển khai mô hình này hiệu quả chưa cao.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hon-240-ty-dong-ho-tro-lao-dong-tu-do-a139649.html