Hơn 27.000 người dân tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế tăng thu nhập từ dự án cải thiện sinh kế

Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ cho tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã về đích với cả 8/8 chỉ báo chính đều vượt mục tiêu. Trong đó, nổi bật là đã có 11,7 triệu tấn CO2 tương đương được giảm/cố định được/tránh được, 13.387 người được hưởng lợi về sinh kế, 15.321 người được cải thiện thu nhập.

 Hàng chục nghìn người dân miền núi tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã thay đổi nhận thức và tham gia trồng rừng có chứng chỉ (FSC)

Hàng chục nghìn người dân miền núi tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế đã thay đổi nhận thức và tham gia trồng rừng có chứng chỉ (FSC)

Ngày 25/11, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức chương trình tổng kết dự án Trường Sơn Xanh.

Dự án “Trường Sơn Xanh” được khởi xướng và chuẩn bị từ năm 2016 và chính thức được triển khai vào năm 2017 với 3 nhiệm vụ chính gồm tăng cường sử dụng đất phát thải thấp, bảo tồn trữ lượng carbon hiện có thông qua hỗ trợ 2 tỉnh dừng phát thải do tình trạng mất rừng trên quy mô nhỏ, suy thoái rừng và thực hành nông nghiệp không bền vững, tăng cường hấp thụ carbon qua việc khôi phục các cảnh quan bị suy thoái; tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học thông qua giảm nhẹ các mối đe dọa tới hệ sinh thái đa dạng sinh học; và tăng khả năng thích ứng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua việc xây dựng khả năng chống chịu cho các cộng đồng với các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhiều sản phẩm của đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao

Nhiều sản phẩm của đồng bào Cơ Tu (Quảng Nam) đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao

Trong 4 năm triển khai dự án, USAID đã tài trợ 23,9 triệu USD, hỗ trợ 2 tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, hỗ trợ cộng đồng các địa phương và dân tộc thiểu số cũng như cải thiện sinh kế.

Trong đó, USAID đã hỗ trợ tập huấn cho hơn 15.200 người về cảnh quan bền vững và 10 nghìn người về quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học. Hỗ trợ cải thiện hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên đối với 512 nghìn hecta rừng có giá trị đa dạng sinh học cao. Với những nỗ lực của dự án, đã giảm/ cố định/tránh được 11,7 triệu tấn CO2; góp phần giúp 13.387 người được hưởng lợi về cải thiện sinh kế thông qua các hoạt động cảnh quan bền vững và 15.321 người được hưởng các lợi ích kinh tế gia tăng nhờ hoạt động quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học được cải thiện. Bên cạnh đó, đã huy động được 59,8 triệu USD Mỹ đầu tư từ ngân sách Nhà nước, khối tư nhân và cộng đồng cho việc phát triển chuỗi giá trị, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ; cũng như các hoạt động phục hồi rừng.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, cả 8/8 chỉ số chính của dự án đều vượt mục tiêu. “Những chỉ báo, chỉ số mà dự án đạt được là những thành công đóng góp rất lớn cho công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế địa phương và giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hâu tại địa phương”, ông Phương nói và cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường thì các địa phương cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại những bài học kinh nghiệm trong quản lý tài nguyên thiên nhiên để có các chính sách phù hợp trong thời gian tới.

Chị Coor Thị Ích giới thiệu các sản phẩm từ đảng sâm của tổ hợp tác

Chị Coor Thị Ích giới thiệu các sản phẩm từ đảng sâm của tổ hợp tác

Theo ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, dự án Trường Sơn Xanh có tác động đặc biệt lớn đến cải thiện sinh kế có người dân miền núi. Đến thời điểm kết thúc dự án, Quảng Nam có hơn 17.000 người được cải thiện thu nhập hoặc hưởng lợi về sinh kế. Các chuỗi giá trị tiềm năng như trồng rừng gỗ lớn, dược liệu, mây đã được định hình và phát triển, thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân, tạo được mối liên kết bền vững giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất. Dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện điều kiện sản xuất và chế biến để tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm; Phát triển thị trường thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại đã được phối hợp, lồng ghép thúc đẩy phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, theo đó, nhiều hợp đồng tiêu thụ đã được ký kết giữa các doanh nghiệp với các tổ hợp tác. Dự án cũng tạo thêm cơ hội phát triển sinh kế mới cho người dân từ khai thác và chế biến nguyên liệu sẵn có tự nhiên từ lâu chưa được biết đến ở Quảng Nam thông qua hợp đồng thu mua có giá trị lớn.

Giám đốc USAID Việt Nam Yastishock: Thành công của Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ với sự phối hợp chặt chẽ của UBND tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

“Một số sản phẩm dược liệu như đảng sâm, ba kích, chè dây đã được cấp Giấy chứng nhận OCOP 3 hoặc 4 sao. Điều đó đã khẳng định được chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng thúc đẩy phát triển sản xuất và mở rộng thị trường cho các sản phẩm tiềm năng”, ông Thanh nói và cho biết thêm, kết quả thực hiện các chương trình sinh kế của Dự án đã thúc đẩy hợp tác công tư và kết nối các nhà đầu tư tiềm năng, góp phần thực hiện các chính sách ưu tiên của tỉnh đối với miền núi, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch phát triển ngành của địa phương.

Dự án cũng mang lại nhiều lợi ích xã hội như hoạt động trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC (gỗ có nguồn gốc xuất xứ) đã tạo hiệu ứng tốt và sức lan tỏa mạnh, làm thay đổi nhận thức của người dân về trồng rừng. Ngoài ra, dự án còn mang lại những tác động tích cực về môi trường, tính về vững trong quản lý rừng….

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có đóng góp tích cực trong dự án Trường Sơn Xanh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có đóng góp tích cực trong dự án Trường Sơn Xanh

Chị Coor Thị Ích – Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất và chế biến đảng sâm thôn Pứt, xã Ga Ry, huyện Tây Giang (Quảng Nam) cho biết trước đây sinh kế của người dân chủ yếu phụ thuộc vào rừng để săn bắt, hái lượm qua ngày. Nhưng từ khi được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến đảng sâm cuộc sống của người dân thôn Pứt đã thay đổi. Đến nay, đã có 80 chị em tham gia vào 2 tổ hợp tác, với diện tích từ 0,4 - 1ha, trong mùa đầu nhóm sản xuất đã bán được 3 tấn đảng sâm và mới ký thêm hợp đồng 5 tấn với giá cao hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, các thành viên được nâng cao năng lực về thành lập và vận hành tổ hợp tác, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Ngoài bán củ sâm tươi như trước thì một số thành viên chủ chốt nhóm dược liệu đã được tập huấn và trực tiếp tham gia chế biến các sản phẩm từ đảng sâm như: cao đẳng sâm, trà đảng sâm, đẳng sâm tẩm mật ong, mứt đảng sâm.... “Các sản phẩm từ đảng sâm của tổ hợp tác đã được giới thiệu và quảng bá tại các sự kiện triển lãm, hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã tạo cơ hội tiếp cận được với các doanh nghiệp lớn trong nước để phát triển thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, cây dược liệu của người Cơ Tu đang dần dần được nhiều người biết đến. Đến thời điểm hiện tại cây đảng sâm là cây chủ lực để phát triển kinh tế của người dân Ga Ry”, chị Coor Thị Ích chia sẻ.

USAID sẽ tiếp tục hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế trong 5 năm tới đây thông qua các dự án của USAID được trao thầu gần đây là Dự án Bảo tồn Đa dạng sinh học và Dự án Quản lý Rừng Bền vững. Hai dự án mới này cho phép tiếp tục những phương thức tiếp cận rất hiệu quả đã được áp dụng trong khuôn khổ Dự án Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ, từ đó mang lại lợi ích tích cực cho các tỉnh và những cộng đồng khác tại Việt Nam.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hon-27000-nguoi-dan-tinh-quang-nam-va-thua-thien-hue-tang-thu-nhap-tu-du-an-cai-thien-sinh-ke-148131.html