Hơn 34 triệu tấn than đá được nhập khẩu trong 8 tháng
Xuất khẩu than đá có xu hướng giảm thời gian song, nhập khẩu than đá lại tăng trưởng khá mạnh.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu than trong tháng 7 đạt 55.732 tấn, tương đương 15 triệu USD, giảm 63% về lượng và giảm 72% so với tháng 6. So với tháng 7/2022, xuất khẩu than tháng này giảm 60% về lượng và giảm 13% về giá trị.
Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu than đạt 262.984 tấn, tương đương hơn 93 triệu USD, giảm 65,3% về lượng và giảm 62,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 5/2023, giá than xuất khẩu đã lập đỉnh trong giai đoạn 2020 đến nay với 419 USD/tấn. Tuy nhiên giá mặt hàng này lại lao dốc hai tháng liên tiếp, xuống còn 276 USD/tấn vào tháng 7. Bình quân 7 tháng đầu năm 2023, giá than xuất khẩu ở mức 356 USD/tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu từ Bloomberg, gần 70% lượng than đá nhập khẩu để sản xuất điện của Liên minh châu Âu là đến từ Nga. Chính vì vậy lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU đã gây ảnh hưởng nặng nề cho 27 quốc gia thành viên, do đó phải tăng cường nhập khẩu than đá từ các nguồn cung khác dẫn đến nhập khẩu từ Việt Nam cũng tăng theo.
Ở chiều ngược lại, số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 8/2023 Việt Nam chi 664 triệu USD để nhập khẩu 5 triệu tấn than đá, tăng 68,7% so với cùng kỳ năm trước về lượng và tăng 21,9% về trị giá.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 8/2023, Việt Nam nhập khẩu 34,56 triệu tấn than với kim ngạch 5 tỷ USD, tăng tới 54,8% về lượng nhưng lại giảm 8,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Dù lượng tăng nhưng kim ngạch nhập khẩu than đá vẫn giảm, nguyên nhân chủ yếu do giá giảm so với cùng kỳ năm trước. 7 tháng đầu năm, giá than nhập khẩu bình quân đạt 147 USD/tấn, trong khi đó 7 tháng đầu năm 2022 giá nhập khẩu ở mức 255 USD/tấn.
Australia, Indonesia và Nga là ba thị trường cung cấp than đá nhập khẩu lớn nhất cho Việt Nam. Trong đó, than đá nhập khẩu từ Australia 7 tháng đầu năm 2023 đạt 12,53 triệu tấn với 2,12 tỷ USD; đứng sau là Indonesia với 11,39 triệu tấn với 1,3 tỷ USD; Nga với 2,16 triệu tấn, đạt 448 triệu USD.
Tình hình hơn nửa đầu năm nay cho thấy giá than nhập khẩu sụt giảm mạnh so với 2 năm trước đó (gồm năm 2021 và 2022), khi giá mặt hàng này tăng chóng mặt khiến Việt Nam phải chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu phục vụ nhiều ngành sản xuất nội địa.
Cụ thể năm 2021, tổng khối lượng than nhập khẩu đạt 36,29 triệu tấn, kim ngạch gần 4,46 tỷ đô la.
Năm 2022, số liệu thống kê năm ngoái của cơ quan hải quan cho thấy, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt 31,9 triệu tấn và trị giá đạt 7,16 tỉ đô la, giảm 12% về lượng, song tăng mạnh 60% về trị giá so với năm 2021.
Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu than đá tăng dần để phục vụ cho sản xuất điện và sản xuất công nghiệp trong nước trong thời gian tới, cụ thể là từ hơn 36 triệu tấn trong năm 2021 và dự báo khoảng 46,5 triệu tấn than trong năm 2025.
Theo báo cáo nghiên cứu năng lượng Statistical Review of World Energy năm 2022 của Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách Kinh tế Năng lượng (Anh), tổng trữ lượng than trên thế giới tính đến cuối năm 2021 là 1.074 tỷ tấn. Trong đó, tập trung chủ yếu ở khu vực châu Á (459,75 tỷ tấn), Bắc Mỹ (256,73 tỷ tấn), cộng đồng các quốc gia độc lập CIS (190,65 tỷ tấn) và châu Âu (137,24 tỷ tấn).
5 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trên thế giới bao gồm Mỹ (248,94 tỷ tấn), Nga (162,17 tỷ tấn), Úc (150,23 tỷ tấn), Trung Quốc (143,15 tỷ tấn) và Ấn Độ (111,05 tỷ tấn). Các nước này chiếm 75,94% tổng trữ lượng than toàn thế giới. Cùng với đó, 3 quốc gia có trữ lượng than có thể khai thác lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á gồm Indonesia (34,87 tỷ tấn), Việt Nam (3,36 tỷ tấn) và Thái Lan (1,06 tỷ tấn).
Hương Anh (t/h)