Hơn 43% doanh nghiệp Nhật Bản muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam
Có 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ mở rộng nội địa hóa trong tương lai tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình là 28,8% của ASEAN.
Thông tin từ Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản, Văn phòng Thành phố Hồ Chí Minh (JETRO) cho biết, theo khảo sát, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam có nguyện vọng muốn mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chiếm 47,1%.
Tính đến tháng 6/2024, vốn đầu tư của Nhật Bản là 1,225 triệu đô la Mỹ (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ), trở thành quốc gia đứng thứ ba về giá trị đầu tư tại Việt Nam (đứng thư hai nếu tính cả vốn góp mua cổ phần).
Đáng chú ý, tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam năm 2023 được mở rộng là 41,9% (tăng 4,6% so với năm 2022), với tốc độ tăng trưởng 10 năm đứng thứ hai sau Ấn Độ. Tỷ lệ thu mua từ các doanh nghiệp địa phương Việt Nam tăng trưởng dần qua các năm đạt 17,2% (tăng 2,2 % với cùng kỳ).
Về triển vọng nội địa hóa trong tương lai, có 43,2% doanh nghiệp Nhật Bản phản hồi sẽ mở rộng tại Việt Nam, cao hơn nhiều so với mức trung bình là 28,8% của ASEAN.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO phân tích, về cung ứng nội địa, Việt Nam hiện chiếm tỷ lệ 41,9%, so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan hay Indonesia thì tỷ lệ này còn thấp. Trong số 41,9% này không chỉ đến từ doanh nghiệp Việt Nam mà có doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam, hay những doanh nghiệp ở các nước lân cận.
“Tỷ lệ cung ứng nội địa đến từ các doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm 17,2%, khá thấp so với các nước trong khu vực. Mong muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa không chỉ đến từ doanh nghiệp mà Chính phủ Việt Nam cũng nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ”, ông Matsumoto Nobuyuki nhấn mạnh.
Cũng theo JETRO, kinh tế dần hồi phục và doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung vào các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nên khả năng tăng tỷ lệ cung ứng nội địa từ các doanh nghiệp Việt Nam là có thể. Những ngành được doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng cung ứng nội địa cao, đó là thực phẩm, sản xuất thiết bị chính xác, thiết bị y tế, các thiết bị liên quan đến vận tải…
Chia sẻ về chính sách hỗ trợ với ngành công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp, bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh (CSID) cho hay, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương đã ban hành Quyết định số 42 vào tháng 7/2024, để triển khai Nghị quyết 09 về chính sách hỗ trợ đối với ngành công nghiệp hỗ trợ.
“Trong lĩnh vực 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố thì lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sẽ được tham gia vào chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án kích cầu đầu tư vì đây là lĩnh vực được thành phố ưu tiên phát triển nhằm tiếp sức cho doanh nghiệp, tạo thêm động lực để họ mạnh dạn đầu tư đáp ứng các cơ hội thị trường”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh nói.