Hơn 432 nghìn tỷ chuyển nguồn cho cải cách tiền lương

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong chuyển nguồn của ngân sách năm 2022 sang năm 2023, kinh phí thực hiện cải cách tiền lương là 432.350 tỷ, chiếm 37,7%.

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2022.

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH/

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: QH/

Giải trình về việc chuyển nguồn sang năm sau lớn, có xu hướng tăng qua các năm, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chuyển nguồn của ngân sách năm 2022 sang năm 2023 là 1,1 triệu tỷ đồng.

Trong đó, kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương là 432.350 tỷ, chiếm 37,7%.

Chi đầu tư phát triển là 313.165 tỷ đồng, chiếm 27,3%. Số chi chuyển nguồn, chi tăng thu tiết kiệm chi là 287.374 tỷ đồng chiếm 25% và các khoản chi dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30/9 là 20.397 tỷ, chiếm 1,8%.

Kinh phí giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan nhà nước là 9.986 tỷ đồng, chiếm 0,87%; kinh phí nghiên cứu khoa học là 4.160 tỷ đồng và các kinh phí mua sắm thiết bị...

"Như vậy, có thể nói chi chuyển nguồn cao chủ yếu là do các nguồn lực được chuyển theo quy định của pháp luật, đặc biệt là nguồn tích lũy qua các năm để thực hiện cải cách tiền lương là rất cao", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết

Một nguyên nhân nữa, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc là những nhiệm vụ đã ký hợp đồng và được thực hiện trong năm, tuy nhiên chưa được thanh toán thì được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định pháp luật.

"Chúng tôi sẽ cố gắng, các bộ, ngành và các địa phương cũng phải cố gắng để thanh toán ngay trong năm để số chuyển nguồn ngày một giảm đi", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói.

Giải trình về vấn đề đại biểu nêu “dự toán không sát”, Bộ trưởng cho hay, năm 2022 là năm dịch bệnh, những tháng đầu năm tăng trưởng thấp, nhưng nhảy vọt lên bắt đầu từ quý 3/2022 là 13,67% và đến cuối năm tăng trưởng đạt 8,02%. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn trong thúc đẩy sản xuất kinh doanh để tăng trưởng GDP, từ đó thu ngân sách cũng tăng lên.

Về chi ngân sách cho các địa phương, như tu bổ, sửa chữa các tuyến đường quốc lộ đi qua. Theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, ngân sách trung ương chỉ đảm nhiệm nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương.

Các tuyến đường quốc lộ do Bộ GTVT quản lý, vì vậy kinh phí sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng Bộ Tài chính phân bổ cho Bộ GTVT, những tuyến đường nào Bộ GTVT phân cấp về cho tỉnh, kể cả tuyến đường quốc lộ, Bộ sẽ cấp trở lại tiền cho tỉnh để sửa chữa. Còn lại thuộc nhiệm vụ chi của Bộ GTVT thì Bộ Tài chính chuyển nguồn cho Bộ GTVT để thực hiện kiểm soát và chi tiêu.

"Quy định pháp luật hiện nay là như vậy, nếu phân cấp các tuyến đường cho các tỉnh có đường quốc lộ đi qua thì các tỉnh có thể làm việc với Bộ GTVT để có phân cấp về quản lý nguồn và sau đó chuyển thông tin, văn bản cho Bộ Tài chính để chúng tôi sẽ phân bổ ngân sách cho các tỉnh và để chủ động trong vấn đề đảm bảo được chi sữa chữa một cách kịp thời và chi tiêu từ ngân sách địa phương", Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/hon-432-nghin-ty-chuyen-nguon-cho-cai-cach-tien-luong-1998590.html