Hơn 49.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được huy động trong tháng 8/2024

Trong tháng 8, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận 57 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt hơn 49.000 tỷ đồng; nâng tổng giá trị huy động thông qua TPDN tính từ đầu năm đạt hơn 225.000 tỷ đồng (+76% so với cùng kỳ)

Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) vừa công bố báo cáo chi tiết về thị trường tài chính trong tháng 8/2024. Báo cáo nhấn mạnh sự ổn định của tỷ giá USD/VND sau giai đoạn giảm mạnh, cùng với các biện pháp điều chỉnh lãi suất liên ngân hàng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.

Tỷ giá USD/VND ổn định sau giai đoạn giảm

Theo ghi nhận từ Vietcombank, tỷ giá niêm yết bán USD vào ngày 30/8 đạt 25.030 đồng, đánh dấu sự giảm giá đáng kể kể từ đầu năm, hạ nhiệt xuống còn 2,5%. Đặc biệt, tỷ giá qua các kênh giao dịch Bloomberg đã giảm xuống dưới mức 25.000 đồng vào ngày 19/8/2024, lần đầu tiên kể từ tháng 4/2024.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh trong tháng qua. Từ ngày 1/7 đến 4/9/2024, NHNN rút gần 99.000 tỷ đồng thông qua các hoạt động thị trường mở (OMO) và bơm lại hơn 203.000 tỷ đồng thông qua hợp đồng mua lại đảo ngược (RRP). Đồng thời, NHNN đã ngừng phát hành tín phiếu qua kênh OMO từ ngày 23/8.

Mặc dù chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn âm, NHNN đã sớm phản ứng trước tín hiệu cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến vào tháng 9/2024, giúp mở ra dư địa để hạ nhiệt lãi suất huy động. Lãi suất phát hành RRP vẫn duy trì ở mức 4,25%, trong khi lãi suất OMO giảm 5 điểm cơ bản, xuống 4,15%.

Ở một diễn biến khác, NHNN đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN (Thông tư 01) về việc cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức và mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước. Trong đó, Kho bạc Nhà nước có thể mua ngoạị tệ trực tiếp từ nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN thay vì phải mua trực tiếp từ thị trường, qua đó giảm tải áp lực đối với tỷ giá trong nước.

Trái phiếu Chính phủ: Lợi suất giảm trên thị trường thứ cấp

Kho bạc Nhà nước đã huy động thành công gần 46.300 tỷ đồng thông qua các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ trong tháng 8/2024, đạt tỷ lệ đấu thầu bình quân 1,27x. Lợi suất trúng thầu ở các kỳ hạn từ 5 đến 30 năm duy trì ổn định, lần lượt đạt 1,95% (5 năm), 2,71% (10 năm), và 3,1% (30 năm).

Trên thị trường thứ cấp, lợi suất trái phiếu có xu hướng giảm nhẹ ở các kỳ hạn từ 1 đến 30 năm, với lợi suất 10 năm giảm xuống còn 2,716% vào cuối tháng 8. Thị trường trái phiếu tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là khi các điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước đang có dấu hiệu tích cực.

Trái phiếu doanh nghiệp: Tăng trưởng mạnh mẽ

Trong tháng 8, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ghi nhận 57 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động đạt hơn 49.000 tỷ đồng; nâng tổng giá trị huy động thông qua TPDN tính từ đầu năm đạt hơn 225.000 tỷ đồng (+76% so với cùng kỳ (YoY).

Phần lớn giá trị huy động đến từ các ngân hàng thương mại như: HDBank (6.900 tỷ đồng), OCB (6.600 tỷ đồng), BIDV (4.035 tỷ đồng), MB (4.000 tỷ đồng), VPBank (4.000 tỷ đồng), VIB (3.000 tỷ đồng), TPB (2.448 tỷ đồng), ACB (2.170 tỷ đồng), VietinBank (1.945 tỷ đồng), Nam Á (1.500 tỷ đồng), SHB (1.000 tỷ đồng), MSB (1.000 tỷ đồng), BVB (800 tỷ đồng), LPB (400 tỷ đồng).

Theo sau là hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản như: Xây dựng Thái Sơn / Vinhomes (1.890 tỷ đồng), Vạn Hương Investoco / Geleximco (1.396 tỷ đồng), IPA (1.000 tỷ đồng), Becamex BCM (1.000 tỷ đồng), KBC (1.000 tỷ đồng), Nam Long (950 tỷ đồng), Bất động sản Hà An / Đất Xanh (235 tỷ đồng).

Theo thông tin đến từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đã có 86 giao dịch mua lại trái phiếu trước hạn được công bố kể từ ngày 01/08 đến ngày 04/09 với tổng giá trị mua lại trước hạn ghi nhận gần 23.800 tỷ đồng.

Nổi bật nhất là động thái mua lại trước hạn đến từ các ngân hàng thương mại như Techcombank (6.000 tỷ đồng), BIDV (4.971 tỷ đồng), MSB (2.000 tỷ đồng), An Bình (2.000 tỷ đồng), OCB (2.000 tỷ đồng), VPBank (1.000 tỷ đồng), VIB (1.000 tỷ đồng), VietinBank (820 tỷ đồng), Bắc Á (800 tỷ đồng) và Bảo Việt (800 tỷ đồng).

Tính từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp phát hành đã mua lại tổng lượng trái phiếu trước hạn lên đến hơn 115 nghìn tỷ đồng (-32% YoY).

Trong đó, các tổ chức tín dụng tiêu biểu là các ngân hàng thương mại là nhóm nhân tố chính trong hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị của toàn ngành ghi nhận hơn 85.000 tỷ đồng và chiếm gần 74% tổng giá trị mua lại toàn thị trường. Phần còn lại thuộc về nhóm Bất động sản (12,3%) và Sản xuất (6,7%).

Nhị Hà

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/tai-chinh/hon-49000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-duoc-huy-dong-trong-thang-82024-126609.html