Hơn 5.500 trẻ được sàng lọc khuyết tật

Sáng ngày 19/12, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau phối hợp với Ban Quản lý dự án Direct, Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết dự án 'Thực thi chính sách và trị liệu cho người khuyết tật' (dự án Direct) trên địa bàn tỉnh Cà Mau năm 2024.

Điều phối viên thuộc Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tại Cà Mau trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự án Direct năm 2024 và kế hoạch thực hiện trong năm 2025.

Điều phối viên thuộc Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam tại Cà Mau trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự án Direct năm 2024 và kế hoạch thực hiện trong năm 2025.

Dự án Direct nhằm phát hiện, can thiệp sớm trẻ khuyết tật, được triển khai trên địa bàn tỉnh từ tháng 5-12/2024, tại địa bàn TP Cà Mau và huyện U Minh.

Thời gian qua, dự án đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, gồm: Xây dựng năng lực phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật cho 80 cán bộ, giáo viên phụ trách trên địa bàn; triển khai chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật, có 5.590 trẻ từ 0-6 tuổi đã được sàng lọc khuyết tật (trong đó có 231 trẻ được xác định có dấu hiệu nghi ngờ khuyết tật; số trẻ nhận can thiệp là 75 trẻ).

Dự án khi triển khai đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và hỗ trợ kịp thời của các sở, ban ngành, địa phương. Các hoạt động can thiệp cho trẻ khuyết tật được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật và các cán bộ, giáo viên có chuyên môn. Ngoài ra, phụ huynh trẻ khuyết tật cũng được huấn luyện để thực hiện can thiệp cho con tại nhà.

Trẻ em được can thiệp sớm tại Phòng âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Trẻ em được can thiệp sớm tại Phòng âm ngữ trị liệu, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp nhiều thách thức khi nhu cầu trẻ cần hỗ trợ, can thiệp trên địa bàn lớn trong khi nhân lực và dịch vụ can thiệp có giới hạn, đặc biệt tại các huyện. Nhận thức của một bộ phận phụ huynh trẻ khuyết tật còn hạn chế, chưa quan tâm phối hợp. Ngoài ra, địa bàn một số huyện rộng, phân tán, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận dịch vụ.

Thời gian tới, dự án sẽ được tiếp tục triển khai sâu rộng nhằm định hướng chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ phụ trách. Năm 2025, dự kiến thực hiện khám, đánh giá bổ sung khoảng 10-5 trẻ khuyết tật/nghi ngờ khuyết tật. Dự án sẽ mở rộng thêm địa bàn can thiệp cho từ 80-90 trẻ, thời gian can thiệp cho 1 trẻ được thực hiện trong khoảng 3-4 tháng./.

Hằng My

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hon-5-500-tre-duoc-sang-loc-khuyet-tat-a36225.html