Hơn 60 năm làm theo thư Bác
'Mong rằng đồng bào các xã miền ngược thi đua với Bản Phố trong công việc xóa nạn mù chữ, đồng bào Bản Phố thì nên thi đua học bổ túc văn hóa để nâng cao hơn nữa trình độ hiểu biết của mình…' - đó là một phần nội dung lá thư Bác Hồ khen ngợi thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông (bằng tiếng Mông) ở xã Bản Phố (Bắc Hà), nội dung thư được Bác Hồ ủy quyền cho Báo Nhân Dân thừa lệnh đăng tải trên số 3149, ngày 8/11/1962.
Kể từ đó đến nay, đã hơn 60 năm, những lời căn dặn của Người về sự học luôn được cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân địa phương ghi nhớ, thực hiện.
Trong ký ức của các thế hệ người dân Bản Phố, vào những năm 1960 - 1961, phong trào dạy và học chữ Mông ở Bản Phố rất phát triển. Để học chữ, người dân phải đốt đuốc đi học ban đêm, học viên là những em bé, cụ già râu tóc bạc phơ hoặc phụ nữ vừa đánh vần vừa ngại ngùng cho con bú. Dụng cụ học tập thiếu thốn, người học dùng chõng tre, cánh cửa làm bàn; bảng viết là bức tường, cánh cửa, tấm phản dựng lên; phấn là gạch non, đất sét, than củi; lá chuối khô, mo cau thay giấy; còn mực thì dùng bất cứ hoa, cây có thể làm màu. Ấy vậy mà cuối cùng ai nấy cũng biết chữ. Bản Phố trở thành xã người Mông đầu tiên “diệt được giặc dốt”. Vui mừng trước thành công của xã Bản Phố trong phong trào học tiếng Mông, năm 1962, Bác Hồ viết bài “Một thắng lợi mới” đăng trên báo Nhân Dân. Trong bài viết, Bác ghi nhận, khen ngợi thành tích thực hiện xóa mù chữ cho đồng bào Mông bằng tiếng Mông ở xã Bản Phố.
Bức thư của Bác là lời nhắn nhủ, mong muốn của Bác đối với đồng bào Bản Phố cần tích cực học tập, nâng cao trình độ dân trí. Đây cũng là động lực to lớn để cán bộ, đảng viên và đồng bào xã vùng cao Bản Phố thi đua học tập, rèn luyện, lao động và sản xuất, xứng đáng với mong muốn của Người.
Nhớ lời Bác dặn, phong trào khuyến học, khuyến tài của xã Bản Phố phát triển rất mạnh và ngày càng được nhân rộng. Nhiều gia đình, nhiều dòng họ đã trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng xã hội học tập, trong đó tiêu biểu là dòng họ Lý.
Dòng họ Lý có 156 hộ. 100% con em trong dòng họ Lý đến trường đúng độ tuổi, không có người bỏ học, 2/3 con cháu dòng học Lý hiện là học sinh đạt danh hiệu khá, giỏi. Dòng họ có 38 người là cán bộ, trong đó có nhiều người từng là cán bộ chủ chốt của tỉnh.
Ông Lý Seo Chư, thôn Bản Phố 2, Trưởng dòng họ Lý.
Hằng năm, Chi hội Khuyến học dòng họ Lý vận động các gia đình quyên góp quỹ khuyến học, cán bộ, công chức đóng góp tối thiểu 150 nghìn đồng/năm, hộ nông dân 30 - 50 nghìn đồng/năm. Số tiền đóng góp sẽ được trích ra khen thưởng, động viên con cháu học hành, tu dưỡng đạo đức, cháu nào đỗ đại học sẽ hỗ trợ mua vé tàu, xe đi lại…
Ông Chư cho rằng, việc tham gia dòng họ khuyến học giúp các gia đình có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm dạy bảo con em; tổ chức cho các cháu học nhóm, cháu học giỏi giúp đỡ cháu học yếu. Nhờ đó, con cháu dòng họ Lý ở Bản Phố luôn đạt thành tích cao trong học tập. Nhiều năm liền, dòng họ Lý được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học tỉnh Lào Cai và địa phương vinh danh, khen thưởng. Chính sự chủ động trong việc tìm tới “con chữ” mà kinh tế của các gia đình họ Lý ở Bản Phố cũng khấm khá hơn, 95% hộ trong dòng họ được công nhận gia đình văn hóa.
Ông Lê Tiến Tùng, Chủ tịch UBND xã Bản Phố cho biết: Công tác khuyến học, khuyến tài ở Bản Phố được quan tâm từ các gia đình, các dòng họ đến cộng đồng. Xã hiện có 18 chi hội khuyến học với hơn 850 hội viên, chiếm 21,6% dân số của địa phương. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang, xã có 3 trường học đều đạt chuẩn quốc gia; trẻ trong độ tuổi đều được đến trường và tạo điều kiện thuận lợi để học tập.
Hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường. Từ đó, tỷ lệ huy động học sinh từ 6 tuổi đến 10 tuổi ra lớp luôn đạt 100%, không có học sinh nghỉ học, bỏ học, chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao.
Thầy giáo Đào Duy Công, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Bản Phố.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Bản Phố, mỗi tiết sinh hoạt của Câu lạc bộ Bản sắc văn hóa luôn đầy ắp tiếng cười. Những cô cậu học trò khoác lên mình bộ trang phục truyền thống dân tộc Mông, chia thành các nhóm sở thích. Bên này là lớp thêu thùa, may vá, bên kia là nhảy sạp, múa gậy sinh tiền. “Câu lạc bộ là nơi để chúng em giải tỏa căng thẳng sau những giờ học, cũng là nơi trau dồi được nhiều kiến thức, kỹ năng “mềm” trong cuộc sống” - em Sùng Thị Thu, lớp 4 tâm sự.
Chặng đường hơn 60 năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống người dân khấm khá lên thì sự học của vùng quê được Bác Hồ gửi thư khen vì thành tích học tập cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2000, xã Bản Phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ, năm 2006 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, năm 2007 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Cả 3 cấp mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Cơ sở vật chất trường, lớp từng bước khang trang, kiên cố, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới. Hằng năm, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 100%; số học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT đạt từ 90% trở lên. Chất lượng giáo dục mũi nhọn năm sau cao hơn năm trước…
Những thế hệ hôm nay được sinh ra trong “cái nôi” của sự học sẽ viết tiếp truyền thống của quê hương Bản Phố, thi đua học tập, rèn luyện, xứng đáng với sự tin yêu của Người.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hon-60-nam-lam-theo-thu-bac-post373758.html