Hơn 8.000 người chung tay viết nên câu chuyện sống
Tại TP.HCM, mỗi năm chùa Giác Ngộ (Q.10) đều phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức lễ đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học. Trải qua 11 năm từ 2014 đến tháng 1-2025, có hơn 8.000 người đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học, ở độ tuổi thanh niên và trung niên.
Nói về nhân duyên này, Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ, Phó Chủ tịch Hội Vận động hiến mô tạng và cơ thể người Việt Nam chia sẻ:
- Năm 1990, tôi nghe Trưởng lão Hòa thượng Thích Từ Thông, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Phật học TP.HCM và cũng là thầy dạy học của tôi nói rằng ngài đã đăng ký hiến xác, lúc đó chưa có hiến mô tạng. Đó là tu sĩ Phật giáo Việt Nam đầu tiên làm công việc này. Tôi cũng có nguyện vọng nhưng lúc đó không biết đăng ký ở đâu. Cho đến năm 2010, tôi gặp Hiệu trưởng Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch, nơi có tổ chức đăng ký hiến xác, tôi mới đăng ký chính thức. Đến năm 2014 được tiếp xúc với Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, tôi nghĩ rằng thay vì chỉ có một mình mình làm thì tốt hơn là vận động nhiều người cùng làm và chương trình vận động bắt đầu từ đó.
Trải qua 11 năm, tôi vận động số lượng mới hơn 8.000 người, trong đó số lượng Tăng Ni không đáng kể (chưa được 100 vị), nhóm người đăng ký nhiều nhất hiện nay là tuổi trung niên và thanh niên.
* Để có số lượng hơn 8.000 người, đặc biệt là người trẻ đăng ký hiến mô, tạng và hiến xác cho y học, Thượng tọa đã thực hiện công tác tuyên truyền như thế nào?
- Tuyên truyền chính yếu vẫn là trên mạng xã hội, sau đó người ta biết và đến. Tại chùa Giác Ngộ, mỗi năm tôi đều tổ chức lễ đăng ký hiến mô tạng. Để hỗ trợ cho công tác này, từ những năm đầu tiên tôi có những buổi chia sẻ, nhằm giúp cho những người còn do dự hoặc là còn những nỗi lo lắng, sợ hãi, không biết có nên hay không. Nội dung những buổi chia sẻ trong 4, 5 năm đầu được biên tập lại thành quyển sách giải thích những gì cần biết về việc hiến mô, tạng, và thi thể cho y học. Quyển sách này có tựa đề Chết không phải là hết, hãy hiến mô tạng cứu người.
Từ khi quyển sách xuất bản thì số lượng người đăng ký hiến tạng nhiều hơn. Thay vì giải thích đơn lẻ từng người có nhu cầu tìm hiểu thì mình tặng họ quyển sách đó để xem, xem xong họ tự khai thông được nhiều thứ và tự động đăng ký hiến mô tạng.
* Trong quá trình thực hiện chương trình này, khi tư vấn cho người tìm hiểu về hiến tạng, theo Thượng tọa, đâu là thông tin mọi người quan tâm nhất?
- Phần lớn những người đến chùa đăng ký hiến mô tạng và hiến xác cho y học, câu hỏi xoay quanh 3 vấn đề chính. Thứ nhất, “khi hiến mô tạng, đến lúc có sự cố xảy ra dẫn đến cái chết, việc đụng vào thi thể trong vòng 8 tiếng thì có ảnh hưởng gì đến việc tái sinh hay không?”. Thứ hai, “sau khi chết thi thể không còn lành lặn thì có thể dẫn đến việc tái sanh không kiếp sau họ bị què quặt, tàn tật hay là dị tật bẩm sinh?”. Hai câu hỏi này tôi đều dựa trên khoa học và giáo lý Phật giáo trả lời là “không ảnh hưởng” và sau đó, nhiều người được thông suốt, đăng ký.
Riêng câu hỏi nhiều thứ ba “trong trường hợp họ phát tâm đăng ký hiến mô tạng thì ước nguyện của họ có được thành tựu khi có người thân không tán đồng hay không?”. Theo luật hiến mô tạng Việt Nam thì khi người thân không tán đồng, dù các cơ quan y tế có mặt ở tại nhà của người mất đang nằm cũng phải tôn trọng quay trở về. Vì vậy, tôi có khuyên người đăng ký hiến mô, tạng cần phải làm công tác tư tưởng với người thân, để không làm mất cơ hội cứu sống những người đang trong danh sách được cấy ghép mô tạng.
* 11 năm thực hiện công tác vận động hiến mô tạng cứu người, điều gì đã và đang làm Thượng tọa trăn trở nhất với hoạt động nhân đạo, nhân văn này?
- Hiện nay chỉ số hiến mô tạng trong gia đoạn chết não chỉ chiếm 0,15% trên 1 triệu người, đưa người Việt Nam có tỷ lệ hiến mô tạng thấp nhất trên toàn cầu dù kỹ thuật của chúng ta đã nâng cao. Mỗi năm ghép gần 1.000 ca, có năm hơn 1.000 ca thành công cho thấy trình độ ghép tạng của Việt Nam rất đáng được trân trọng. Nhưng rất tiếc, nguồn tiềm năng về mô tạng do các giới hạn của luật hiến mô tạng tại Việt Nam, do những can thiệp không cần thiết của người thân sau khi người đăng ký hiến mô tạng qua đời.
Tôi cũng kiến nghị cho phép trẻ em dưới 18 tuổi được làm công việc thiêng liêng này. Tình trạng chết não ở trẻ em có xu hướng gia tăng, có năm còn cao hơn ở người lớn. Với trường hợp của các tử tù, rất nhiều người ăn năn hối hận bởi hành động phạm pháp của họ gây ra, thức tỉnh trong thời gian thi hành án và nhiều người cũng muốn có cơ hội chuộc lỗi của mình bằng cách trao tặng sự sống cho người khác.
* Như Thượng tọa thông tin, việc Tăng Ni đăng ký hiến tạng rất ít so với số lượng đã có, theo thầy, vấn đề nằm ở đâu và làm sao để con số này tăng lên?
- Trong mấy năm qua tôi có đề xuất lên Giáo hội, trong những phiên họp có lãnh đạo Phật giáo ở 63 tỉnh thành nên tạo cơ hội cho Hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam được trình bày và sau đó phối hợp ký kết vận động hiến mô tạng trong cộng đồng Tăng Ni. Khi Tăng Ni có cơ hội lắng nghe thì chắc chắn họ sẽ đăng ký nhưng hiện nay cơ hội lắng nghe không nhiều. Nếu 56.000 Tăng Ni hiện nay đều làm công việc đăng ký hiến mô tạng thì tôi nghĩ sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực trong cộng đồng Phật tử.
Về bản chất thì Tăng Ni sẽ thuận lợi hơn các Phật tử ở chỗ thứ nhất họ hiểu được học thuyết vô thường, không ai mang được thi thể đi sau cái chết. Thứ hai, họ hiểu được học thuyết vô ngã rằng cơ thể còn sống đến khi qua đời không phải sở hữu của tôi. Thứ ba người đi tu đã dâng hiến mình cho Phật pháp rồi và đây là hoạt động cứu người, ứng dụng của tâm từ bi thì không có lý do gì mình sợ hãi, do dự, dè dặt về cơ hội hiến mô tạng.
Thông qua bài viết này tôi hy vọng quý Tăng Ni, cộng đồng Phật tử quan tâm hơn đến công tác hiến mô tạng, cứu người.
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/hon-8000-nguoi-chung-tay-viet-nen-cau-chuyen-song-post74574.html