Hơn 90% tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực TT&TT là tiêu chuẩn quốc tế
Hơn 90% tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực TT&TT đều là tiêu chuẩn quốc tế, thể hiện ngành TT&TT hội nhập rất sâu rộng với thế giới.
Thông tin được đưa ra tại buổi làm việc giữa Bộ TT&TT với Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khảo sát phục vụ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, diễn ra sáng ngày 28/2 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ đã báo cáo về tình hình thực hiện công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong ngành TT&TT và đánh giá về tình hình triển khai, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Kỹ thuật trong ngành.
Ông Lịch cũng đưa ra 7 khó khăn, vướng mắc mà ngành TT&TT gặp phải khi áp dụng Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và 8 giải pháp kiến nghị của Bộ TT&TT nhằm sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật để giải quyết các tình huống, yêu cầu, về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý thực tiễn; thúc đẩy áp dụng trực tiếp, viện dẫn trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài; đơn phương thừa nhận kết quả thử nghiệm, chứng nhận của nước ngoài để giải quyết các tình huống đánh giá sự phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi năng lực trong nước còn hạn chế; cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành trong hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật mang tính liên ngành,...
Các đại biểu đều đánh giá cao việc hơn 90% tiêu chuẩn áp dụng trong lĩnh vực TT&TT đều là tiêu chuẩn quốc tế, thể hiện ngành TT&TT hội nhập rất sâu rộng với thế giới.
Đề xuất với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện Cục Viễn thông cho biết, hiện nay có nhiều dịch vụ mới phát sinh trên hạ tầng số như AI. Đây là những dịch vụ không chỉ nằm trong quản lý nhà nước của Bộ TT&TT mà còn của các bộ khác, ví dụ AI ứng dụng trong y tế sẽ liên quan đến Bộ Y tế, thậm chí cả các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia. Những thiết bị mới như tủ lạnh thông minh, đo huyết áp từ xa cũng cho thấy sự tích hợp nhiều ngành nghề trong một sản phẩm. Do đó, cần có quy định về ban soạn thảo Luật liên ngành để xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Thứ trưởng Phan Tâm đã chia sẻ về chiến lược "Make in Vietnam", nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường hoạt động tiêu chuẩn hóa, đo lường và chất lượng, cũng như sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam vào các tổ chức tiêu chuẩn hóa thế giới, để sản phẩm và dịch vụ "Make in Vietnam" có chất lượng cao và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ trưởng nhấn mạnh một số vấn đề cần làm rõ trong dự thảo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu của hoạt động xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật. Điều này cần được làm rõ trong dự thảo Luật để đảm bảo rằng khi nào cần ban hành, mục tiêu nhằm vào điều gì. Trong một số trường hợp, quản lý chất lượng sản phẩm dịch vụ nên dựa vào cạnh tranh thay vì chỉ dựa vào công cụ quy chuẩn. Quy chuẩn Việt Nam chỉ nên ban hành cho những cái thiết yếu.
Thứ trưởng cũng đề cập đến sự cần thiết của sự hợp tác liên ngành trong bối cảnh các sản phẩm dịch vụ đa ngành tích hợp và thiết bị hội tụ nhiều. Việc áp dụng trực tiếp tiêu chuẩn quốc tế là rất cần thiết trong nhiều trường hợp, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ phát triển nhanh. Thứ trưởng cũng đề xuất cần thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau MRA trong khối ASEAN, APEC để tận dụng năng lực đo kiểm của các phòng đo kiểm nước ngoài.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao công tác chuẩn bị của Bộ TT&TT cho buổi làm việc, các nội dung trong báo cáo đầy đủ, sâu sắc và ghi nhận các ý kiến đóng góp của Bộ TT&TT vào dự thảo Luật. Các nội dung trao đổi đều bổ ích, thiết thực, đi vào cụ thể, chi tiết. Ủy ban đã nắm được các quan điểm của Bộ liên quan đến quy chuẩn, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
(Tổng hợp từ mic.gov.vn)