'Hòn đảo giàu có nhất thế giới' trước đây, với những chiếc Ferrari bị bỏ hoang xếp hàng dài trên phố

Nauru - từ 'hòn đảo giàu nhất thế giới' với những chiếc siêu xe bị bỏ hoang, đến khủng hoảng y tế với 70% dân số béo phì.

Từng được xếp vào nhóm những quốc gia giàu nhất thế giới theo thu nhập bình quân đầu người, đảo quốc tí hon Nauru ở vùng Micronesia, Thái Bình Dương đã trải qua một thời kỳ hoàng kim nhờ phát hiện trữ lượng phốt phát khổng lồ.

 Hình minh họa nhìn từ xa của hòn đảo. Ảnh: Getty

Hình minh họa nhìn từ xa của hòn đảo. Ảnh: Getty

Nằm giữa lòng Thái Bình Dương với bãi cát trắng mịn, rặng san hô rực rỡ và hàng dừa nghiêng mình trong gió, Nauru từng chịu nhiều biến động dưới sự cai trị của các thế lực nước ngoài. Bước ngoặt xảy ra vào đầu thế kỷ 20 khi một công ty Anh phát hiện các mỏ phốt phát giàu giá trị - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất phân bón. Khai thác bắt đầu vào năm 1907, mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Anh, Australia và New Zealand.

Phải đến khi giành độc lập vào năm 1968, Nauru mới thực sự kiểm soát được nguồn tài nguyên quý giá này. Thời điểm đỉnh cao, theo một bài báo của The New York Times năm 1982, thu nhập bình quân đầu người của Nauru còn vượt qua nhiều quốc gia giàu dầu mỏ ở Trung Đông.

Dù không phải ai cũng giàu có về tài sản cá nhân, nhưng chính phủ khi đó đảm bảo phúc lợi toàn diện: giáo dục, y tế, nha khoa, giao thông công cộng, thậm chí cả báo chí nhà nước đều miễn phí. Những bệnh nhân không thể điều trị tại bệnh viện trong nước sẽ được đưa sang Australia bằng chi phí chính phủ. Ngay cả du học tại các trường đại học Australia cũng được nhà nước tài trợ hoàn toàn.

Cuộc sống xa hoa và những siêu xe bị bỏ hoang

Dấu ấn về một thời kỳ hoàng kim vẫn còn sót lại trên đảo quốc này, từ những món hàng xa xỉ cho đến những siêu xe giờ chỉ còn là đống phế liệu. YouTuber Ruhi Çenet, trong chuyến ghé thăm Nauru năm 2024, đã ghi lại hình ảnh những chiếc Cadillac, Jeep và Land Rover bị bỏ hoang trên đường phố - minh chứng cho thời kỳ tiêu dùng xa xỉ của quốc đảo này.

Một người dân địa phương kể lại câu chuyện về một sĩ quan cảnh sát từng mua Lamborghini nhưng sau đó vứt bỏ chỉ vì không thể chui lọt vào xe. Một người khác nhớ về cảnh bà mình rời ngân hàng với cả một bao gối đầy tiền mặt – biểu tượng của sự giàu có khó tin tại Nauru lúc bấy giờ.

Tụt dốc không phanh khi tài nguyên cạn kiệt

Đến thập niên 1990, sau nhiều thập kỷ khai thác không kiểm soát, trữ lượng phốt phát dần cạn kiệt, đẩy nền kinh tế Nauru vào khủng hoảng. Để vực dậy tài chính, nước này từng thử nhiều giải pháp không chính thống như trở thành thiên đường thuế hay bán hộ chiếu, nhưng sau đó buộc phải từ bỏ.

 Một mỏ phosphate ở Nauru. Ảnh: Getty

Một mỏ phosphate ở Nauru. Ảnh: Getty

Năm 2005, chính phủ Nauru khởi động lại hoạt động khai thác phốt phát với kỳ vọng cứu vãn nền kinh tế. Tuy nhiên, bước ngoặt thực sự đến từ một thỏa thuận với Australia: đổi viện trợ tài chính lấy việc tiếp nhận người xin tị nạn tại Trung tâm Xử lý Khu vực Nauru. Theo DevPolicyBlog, trung tâm này đã trở thành nguồn thu quan trọng của quốc gia. Ngoài ra, ngành đánh bắt cá cũng góp phần cải thiện tình hình kinh tế.

Hiện tại: Khủng hoảng y tế và tương lai bấp bênh

Dù đã có những cải thiện kinh tế, Nauru hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng. Theo Diabetes.co.uk, hơn 70% dân số nước này bị béo phì – hệ quả của suy thoái kinh tế khiến thực phẩm lành mạnh trở nên khan hiếm, theo NPR.

Bên cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc cũng ở mức đáng báo động. Theo MacroTrends, năm 2020, 48,5% dân số Nauru hút thuốc lá, một con số cao so với mặt bằng chung thế giới.

Dù từng là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, Nauru giờ đây đứng trước những thách thức lớn về kinh tế và y tế, khiến tương lai của đảo quốc này trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.

Dũng Phan (Theo Irish Star)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hon-dao-giau-co-nhat-the-gioi-truoc-day-voi-nhung-chiec-ferrari-bi-bo-hoang-xep-hang-dai-tren-pho-post334808.html