Hồn quê Việt ở làng di sản
Dù nhiều làng quê đang trở mình đô thị hóa nhưng Trường Lưu vẫn còn lưu giữ được những giá trị truyền thống đậm chất vùng nông thôn Nghệ Tĩnh.

Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Huy Thản tại làng Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).
Mỗi mùa Xuân, ngôi làng cổ này là nơi chốn tìm về của mạch nguồn ký ức và văn hóa truyền thống.
Tìm về dấu vết trăm năm
Ngôi làng khiêm nhường nằm trong lòng xã Kim Song Trường (Can Lộc, Hà Tĩnh). Khách phương xa lần đầu đến không khỏi bần thần trước vẻ cổ kính của ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi.
Theo các ghi chép, làng cổ Trường Lưu, được hình thành từ khoảng thế kỷ thứ 15 bao gồm 4 thôn: Đông Thạc, Phúc Trường, Phượng Sơn và Tân Tiến của xã Kim Song Trường.
Đây cũng là nơi có dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy, sản sinh nhiều danh nhân nổi tiếng như: Công bộ Thượng thư Nguyễn Huy Tựu, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh cùng nhiều hương cống, sinh đồ làm rạng danh dòng tộc.
Đặc biệt, từ tư liệu quý báu của dòng họ Nguyễn Huy lưu giữ bao đời gồm: Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sứ trình đồ, hệ thống Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu đã được công nhận là Di sản Tư liệu Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ở Trường Lưu còn lưu giữ nhiều nhà cổ có tuổi đời từ 100 - 300 năm.
Dạo bước quanh làng, không khó bắt gặp những ngôi nhà cổ tọa lạc trong một khuôn viên tĩnh mịch với nhiều cây cổ thụ xanh mát, lối vào quanh co ôm trọn giếng đá… Điểm chung của các ngôi nhà cổ đều được làm bằng gỗ lim hoặc xây dựng bằng gạch đỏ, vôi vữa làm từ vỏ sò. Hệ thống xà, cột, kèo bằng gỗ được khắc chạm tinh xảo, trong nhà treo rất nhiều bức hoành phi khắc bằng chữ Hán Nôm. Nhiều bức hoành phi, câu đối có giá trị cao.
Nổi bật trong hệ thống nhà cổ tại Trường Lưu là ngôi nhà của nhánh họ ông Nguyễn Huy Thản (thôn Phượng Sơn). Đây là ngôi nhà lâu đời nhất nằm trong khuôn viên vườn hoa cụ Thám (Nguyễn Huy Oánh) - một trong “bát cảnh” Trường Lưu, là nơi từng chứng kiến các cuộc đàm đạo thơ văn, thế sự của các nhà khoa bảng, các tác gia văn học của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu với các nhà văn, thơ, các chính khách vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Dù trải qua hàng trăm năm, qua thời gian sử dụng, ngôi nhà đã có một số hạng mục xuống cấp, gia đình đã tu bổ, sửa chữa nhưng vẫn đảm bảo nguyên trạng bao gồm các công trình: Vườn cây lưu niên, giếng nước, bể cạn, sân…
Ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ mít, với lối kiến trúc 3 gian 2 chái. Ngôi nhà đặc biệt thoáng mát vào mùa Hè, ấm áp vào mùa Đông. Không gian bên trong chia thành các gian nhà với chức năng thờ cúng, nghỉ ngơi và tiếp khách.
Khu vực nhà thờ được đặt ngay vị trí trung tâm với nhiều vật dụng có niên đại cả trăm năm. Hệ thống xà, cột, kèo được khắc chạm rất tinh xảo. Mỗi căn phòng, vật dụng được các nghệ nhân đúc tác nhiều ký tự, chữ viết ở những vị trí hết sức đặc biệt.

Lối kiến trúc đặc trưng của nhà cổ tại làng Trường Lưu.

Trải qua hàng trăm năm, các vật dụng chi tiết trong ngôi nhà vẫn được giữ nguyên.
Bền lòng gìn giữ nếp xưa
Gần ngôi nhà ông Nguyễn Huy Thản là ngôi nhà cụ Trần Thị Lan (con dâu dòng họ Nguyễn Huy). Ngôi nhà đang được vợ chồng ông Nguyễn Huy Hùng trông nom và sử dụng sinh hoạt. Sau nhiều thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà vẫn giữ được nguyên dáng vẻ từ khi xây dựng.
Trong tâm niệm của ông Hùng, mỗi ngôi nhà cổ không chỉ đẹp về đường nét kiến trúc, mà còn chứa đựng nhiều kỷ niệm tuổi thơ, giá trị văn hóa truyền thống. Đó không chỉ là nơi tiếp khách, thờ tổ tiên, nghỉ ngơi và sinh hoạt của gia đình, mà còn là biểu tượng của sự gắn kết các thành viên gia đình qua nhiều thế hệ. Gìn giữ những ngôi nhà cổ là nền tảng giáo dục văn hóa, lưu giữ bản sắc của dòng họ để trao truyền cho lớp con trẻ kế cận.
Bà Minh, vợ ông Hùng, cũng cho biết, không kể mưa hay nắng, sáng dậy, hai vợ chồng đều quét dọn sạch sẽ khuôn viên ngôi nhà cổ. Mọi vật dụng đều được đặt gọn gàng, tinh tươm. Việc bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà, ngoài giá trị để con cháu trong dòng họ biết được truyền thống tổ tiên, đây cũng là nơi đón các đoàn trong đó có học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về truyền thống, phong tục tập quán, lối sinh hoạt của các danh nhân xưa.

Một ngôi nhà cổ đã được trùng tu trước sự tàn phá của thời gian.


Vợ chồng ông Nguyễn Huy Hùng - người trông coi một số ngôi nhà cổ đang cố gắng giữ gìn và bảo tồn 'báu vật' dòng họ.
Hàng năm, những ngôi nhà cổ tại Trường Lưu đón hàng trăm lượt giáo viên, học sinh đến tham quan và tìm hiểu. Cô Nguyễn Thị Quý - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Kính (huyện Can Lộc) cho biết, nhà trường luôn chú trọng hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống địa phương.
“Những giá trị văn hóa tại Trường Lưu là niềm tự hào của mỗi người dân địa phương. Những giá trị đó cần được bồi đắp dần, lưu truyền trong thời gian dài cho thế hệ kế cận.
Hằng tháng, nhà trường đều tổ chức cho học sinh các khối lớp 4, 5 đến tham quan, tìm hiểu các di sản của địa phương và thăm, dọn dẹp tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Văn hóa làng Trường Lưu. Qua đó, bồi đắp cho các em lòng tự hào và cách ứng xử với các giá trị truyền thống của ông cha”, cô Quý thông tin.
UBND xã Kim Song Trường cũng đã đề xuất nguyện vọng, các cấp, ngành liên quan cần sớm thẩm định và công nhận di tích nhà cổ trên địa bàn, từ đó có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho việc tu bổ, tôn tạo để lưu giữ nét văn hóa cho muôn đời sau. Đây cũng là một điểm nhấn trong quần thể di tích văn hóa Trường Lưu sẽ được đưa vào khai thác trong các tour du lịch.
Ông Nguyễn Quốc Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Song Trường cho biết: “Để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống từ những ngôi nhà cổ, thời gian qua, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ với mong muốn họ phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực để gìn giữ, tôn tạo những hạng mục xuống cấp”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hon-que-viet-o-lang-di-san-post719488.html