Hồng không hạt giúp người dân Ba Bể vươn lên giàu có

Nhiều năm qua, nghề trồng hồng không hạt đã trở thành 'cần câu cơm' vững chắc, giúp người dân huyện Ba Bể (Bắc Kạn) nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và mở ra những hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng, nhất là khi người dân biết liên kết sản xuất thông qua mô hình HTX.

Cây hồng không hạt đã gắn bó với người dân Ba Bể từ bao đời nay. Với đặc tính dễ trồng, ít sâu bệnh, lại cho năng suất ổn định và giá trị kinh tế cao, cây hồng dần trở thành một trong những cây trồng chủ lực của huyện.

"Vàng ròng" trên đất Ba Bể

Khác với các loại hồng khác, hồng không hạt Ba Bể có vỏ mỏng, màu vàng cam đẹp mắt, thịt quả giòn ngọt, thơm dịu và đặc biệt là không có hạt. Chính đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn riêng cho sản phẩm, được thị trường ưa chuộng.

Hiện nay, toàn huyện có hàng trăm ha hồng không hạt, tập trung chủ yếu ở các xã như Yến Dương, Chu Hương, Địa Linh... Nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần.

Gia đình ông Hoàng Văn Lực ở xã Yến Dương là một trong những hộ tiên phong và thành công với mô hình trồng hồng không hạt. Trước đây, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn do thu nhập bấp bênh từ cây lúa. Từ khi chuyển sang trồng hồng không hạt trên diện tích hơn 1 ha, kinh tế gia đình ông đã thay đổi rõ rệt.

Người dân phân loại hồng trước khi cung ứng cho HTX.

Người dân phân loại hồng trước khi cung ứng cho HTX.

“Cây hồng không hạt này như là lộc trời cho gia đình tôi. Mỗi vụ thu hoạch, tôi bán được cả trăm triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống và đầu tư cho con cái ăn học”, ông Lực chia sẻ.

Để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho sản phẩm hồng không hạt, huyện Ba Bể đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh để hỗ trợ người dân xây dựng và phát triển các HTX và tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất và tiêu thụ loại nông sản này. Các HTX, THT đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hồng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Liên kết để tăng giá trị

HTX Hoàng Huynh (xã Khang Ninh) là một điển hình thành công trong việc liên kết sản xuất và tiêu thụ hồng không hạt. Với sự tham gia của hàng chục hộ nông dân, HTX đã xây dựng được quy trình sản xuất bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật và máy móc hiện đại vào chế biến hồng sấy, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Nhờ đó, sản phẩm hồng sấy không hạt của HTX không chỉ được bán tại các chợ truyền thống mà còn được đưa vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng... với giá bán ổn định và cao hơn.

Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị giúp HTX kiểm soát được chất lượng sản phẩm từ khâu trồng đến khâu tiêu thụ. Các thành viên HTX cũng chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm hồng không hạt Ba Bể đến người tiêu dùng trên cả nước.

Còn tại HTX Đồng Lợi (xã Quảng Khê), ngoài hỗ trợ người dân trồng hồng không hạt theo quy trình, HTX còn đẩy mạnh ươm cây giống để thành viên, người dân chủ động mở rộng diện tích.

Hồng không hạt giúp người dân nâng cao thu nhập.

Hồng không hạt giúp người dân nâng cao thu nhập.

HTX cũng đã có máy sấy lạnh để phục vụ chế biến, giúp nâng cao giá trị cho loại nông sản này. Không dừng lại ở đó, HTX còn sản xuất rượu vang hồng, sấy khô hồng để ngâm rượu. Việc đa dạng hóa sản phẩm không chỉ giúp giảm áp lực tiêu thụ khi đến chính vụ thu hoạch mà còn nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo tính toán của các HTX, với quy trình chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi ha hồng không hạt có thể cho thu hoạch từ 8 - 10 tấn quả. Sau khi trừ chi phí đầu tư (giống, phân bón, chăm sóc,...), người dân, thành viên HTX có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi ha/vụ. Cá biệt, nhiều hộ gia đình với diện tích trồng lớn và kinh nghiệm canh tác tốt có thể đạt thu nhập 250 - 300 triệu đồng/vụ hoặc thậm chí cao hơn.

Nghề trồng hồng không hạt tạo ra nhiều công việc thời vụ và thường xuyên cho người dân địa phương, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến sơ chế, đóng gói và vận chuyển.

Đặc biệt, các HTX và THT phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực này cũng góp phần tạo thêm việc làm ổn định và tăng thu nhập cho các thành viên. Sự phát triển của nghề trồng hồng không hạt thông qua mô hình kinh tế tập thể còn tạo điều kiện cho các ngành nghề phụ trợ phát triển như cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, dịch vụ vận tải, chế biến các sản phẩm từ hồng (mứt hồng, hồng sấy,...), du lịch sinh thái vườn hồng,...

Hỗ trợ truyền thông, mở rộng thị trường

Hồng không hạt đang được ví là “cây vàng” trên đất Ba Bể, mang lại giá trị kinh tế to lớn cho người dân và góp phần vào sự phát triển chung của huyện. Đặc biệt, hoạt động sản xuất và chế biến loại đặc sản này đang đóng góp vào tỷ lệ giảm nghèo chung của toàn huyện. Năm 2024, Ba Bể giảm được 2,12% hộ nghèo (giảm từ 24,22% xuống còn 22,10%).

Hiện nay, nhận thấy vai trò quan trọng của truyền thông trong việc quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường, chính quyền huyện Ba Bể đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX, THT và người dân trong việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm hồng không hạt.

Huyện đã phối hợp với các cơ quan báo chí, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh trong việc hỗ trợ người dân, HTX tuyên truyền, quảng bá về đặc sản hồng không hạt Ba Bể, về quy trình trồng, chăm sóc và giá trị kinh tế mà cây hồng mang lại cho người dân. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ nông sản cũng được huyện và Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh tích cực thực hiện để hỗ trợ người dân, HTX giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng.

Đặc biệt, huyện Ba Bể đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng trực tuyến vào hoạt động quảng bá sản phẩm. Nhiều HTX, THT đã được hỗ trợ xây dựng website, fanpage trên mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm, tương tác với khách hàng và bán hàng trực tuyến.

Điển hình như HTX Hoàng Huynh đã xây dựng được fanpage, thường xuyên cập nhật hình ảnh vườn hồng, quy trình thu hoạch, đóng gói và các thông tin về sản phẩm. Nhờ đó, HTX đã tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng ở các tỉnh thành khác, tăng doanh số bán hàng và nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Dự kiến trong thời gian tới, một số HTX trồng hồng trên địa bàn huyện Ba Bể sẽ đưa những sản phẩm đã chế biến và hồng tươi lên Chợ trực tuyến vcamart.vn của Liên minh HTX Việt Nam (không thu phí) để mở rộng đầu ra.

Đồng thời, huyện Ba Bể tiếp tục định hướng phát triển nghề trồng hồng không hạt theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ. Huyện cũng khuyến khích người dân, HTX áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ hồng để gia tăng giá trị gia tăng.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/hong-khong-hat-giup-nguoi-dan-ba-be-vuon-len-giau-co-1106523.html