Họp Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Sáng 23/4, đồng chí Quản Minh Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Dự án (DA) đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) chủ trì cuộc họp đánh giá tiến độ, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Tham dự có các đồng chí: Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Trưởng BCĐ; thành viên BCĐ; tổ giúp việc BCĐ; một số đơn vị, địa phương liên quan; đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả.
DA đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 14.114 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia DA 9.800 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 5.720 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng. Thời gian hoàn vốn 22 năm 4 tháng.
Theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật của DA được doanh nghiệp DA (chủ đầu tư thực hiện) phê duyệt có khoảng 825,91 ha đất phải thu hồi. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để triển khai thi công đạt 95,02%, trong đó, địa phận tỉnh Cao Bằng bàn giao 354,74/367,5 ha, đạt 96,53%; địa phận tỉnh Lạng Sơn bàn giao 430,01/458,41 ha, đạt 93,80%. Các đơn vị đã hoàn thành công tác rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên tuyến đối với ranh giải phóng mặt bằng (GPMB) theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi (FS); hiện đang triển khai rà phá bom mìn bổ sung đối với ranh GPMB theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật.
Quá trình triển khai thi côngdi chuyển đường điện trên địa bàn 2 tỉnh, các đơn vị thực hiện di chuyển trước các vị trí ưu tiên theo đề xuất của doanh nghiệp DA; đối với đường dây trung, hạ thế đã cơ bản hoàn thành phần di chuyển theo hồ sơ FS; đối với đường dây cao thế, đang chờ cắt điện để chuyển lưới, việc chuyển lưới không ảnh hưởng đến tiến độ thi công DA. Tỉnh Cao Bằng hoàn thành chuyển mục đích sử dụng rừng đối với phần diện tích theo chủ trương được duyệt và phần diện tích điều chỉnh bổ sung theo ranh thiết kế kỹ thuật. Các mỏ vật liệu trên địa bàn 2 tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu. Các đơn vị thi công đang tận dụng tối đa vật liệu đá tại chỗ, từ công tác đào nền, đào hầm để sản xuất vật liệu xây dựng thông thường. Doanh nghiệp DA đã ký hợp đồng các gói thầu thi công EC01, EC02, EPC. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp DA, nhà thầu thi công huy động 1.125 thiết bị, máy móc và hơn 2.000 nhân sự triển khai thi công đồng loạt trên toàn tuyến. Tổng sản lượng thực hiện các gói thầu đến nay đạt trên 2.400 tỷ đồng, đạt 23,96% giá trị hợp đồng.
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: tiến độ thi công; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai; phương án xây dựng các trạm nghỉ dừng chân; một số nhiệm vụ trọng tâm để triển khai DA giai đoạn 2...

Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường kết luận cuộc họp.
Kết luận cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Quản Minh Cường ghi nhận sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; các nhiệm vụ triển khai DA đến nay đã đạt mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Đồng thời khẳng định: đây không chỉ là công trình trọng điểm quốc gia mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn lên, là cam kết của tỉnh với Chính phủ. Vì vậy, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị phải có quyết tâm cao, đề nghị các đơn vị, địa phương nỗ lực hết sức, nêu cao trách nhiệm, với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” đảm bảo các điều kiện cần thiết để doanh nghiệp DA triển khai thi công đúng tiến độ.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng cục bộ; rà soát, tham mưu phương án nâng công suất, bổ sung mỏ vật liệu phục vụ thi công. Sở Tài chính chủ động làm việc với các Bộ, ngành Trung ương sớm bổ sung phần vốn ngân sách còn thiếu cho DA (gần 2.000 tỷ đồng). Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục hướng dẫn, phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, bãi đổ thải, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công. Ban Quản lý DA các công trình giao thông tỉnh phát huy vai trò đầu mối, đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh. Doanh nghiệp DA khẩn trương hoàn thành huy động vốn theo đúng hợp đồng đã ký kết; nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ thiết kế kỹ thuật điều chỉnh để thực hiện những thủ tục theo quy định. Các nhà thầu thi công tăng cường thêm các mũi thi công; tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị hiện đại; tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, tận dụng tối đa thời tiết thuận lợi, ưu tiên thi công tại các điểm đường găng của DA…, đảm bảo mục tiêu thông tuyến kỹ thuật trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Các thành viên BCĐ tỉnh tiếp tục quan tâm, sâu sát DA; xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, hiệu quả với phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm).
Đối với giai đoạn 2, giao cho UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương chuẩn bị các thủ tục chỉ định thầu cho Tập đoàn Đèo Cả (theo phương thức PPP) để thực hiện khởi công đúng ngày 2/9. Các cơ quan chức năng chủ động tham mưu chuẩn bị vốn cho giai đoạn 2; phối hợp với các nhà thầu tìm kiếm các mỏ vật liệu, bãi đổ thải để sẵn sàng triển khai thi công ngay sau lễ khởi công.
Về tuyến kết nối cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Thành phố cần tuân thủ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chủ động làm việc với Bộ Tài chính tìm kiếm nguồn vốn tín dụng. Các tuyến kết nối cao tốc với Thành phố, cửa khẩu Tà Lùng đảm bảo tính đồng bộ, khai thác hiệu quả. Rà soát các nội dung công việc của giai đoạn 2, nếu có thể triển khai trong giai đoạn 1, tiến hành ngay để phát huy hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực. Quá trình triển khai DA, cần quan tâm đến đời sống của đồng bào dân tộc sinh sống nơi DA đi qua, nhanh chóng ổn định đời sống sau tái định cư và đảm bảo an sinh xã hội.