Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3: Tăng trưởng quý I cao nhất trong 5 năm
Chiều 6-4, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết, sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, tập trung đánh giá tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 3 và quý I năm 2025; những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, hội nghị nhận định, trong quý I-2025, tình hình thế giới có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường. Đặc biệt, Hoa Kỳ đột ngột công bố chính sách thuế quan đối ứng rất cao, gây căng thẳng thương mại leo thang, có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.

Quang cảnh họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3.
Trong nước, các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tập trung sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương; rà soát, hoàn thiện các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến đến Đại hội XIV của Đảng; triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; chuẩn bị tổ chức kỷ niệm các ngày Lễ lớn.
Về quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp như: Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Hoa Kỳ; giải quyết các yêu cầu chính đáng của phía Hoa Kỳ trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Tại Phiên họp, Chính phủ thống nhất đánh giá: Trong bối cảnh tình hình nêu trên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình KTXH tháng sau tốt hơn tháng trước, quý I năm 2025 tốt hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực, với các kết quả nổi bật: Tăng trưởng quý I đạt 6,93%, mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay và vượt kịch bản tăng trưởng ban đầu. Cả 3 khu vực đều tăng trưởng tốt: Nông nghiệp tăng 3,74%; công nghiệp, xây dựng tăng 7,42%; dịch vụ tăng 7,70%.
Các địa phương đầu tàu tăng trưởng tốt: TP Hồ Chí Minh tăng 7,51%, Hà Nội tăng 7,35% và 9 địa phương tăng trưởng 2 con số (Bắc Giang, Hòa Bình, Nam Định, Đà Nẵng, Lai Châu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Nam). Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm: CPI bình quân quý I tăng 3,22%.
An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, Liên hợp quốc xếp hạng Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2025 tăng 8 bậc, xếp thứ 46, chỉ đứng sau Singapore trong khu vực Đông Nam Á. Công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh; độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cũng nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức: Bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến nhanh, phức tạp, đặc biệt là chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao; mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm từ 8% trở lên còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công ở hầu hết bộ, ngành, địa phương còn chưa đạt; cầu tiêu dùng tăng chậm; tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn.