Việt Nam thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới

Lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu bền vững cũng đang được coi là nền tảng quan trọng để tiêu dùng nội địa và sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng.

Có thể nói rằng, thời gian qua, một trong những tinh thần xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội là sự kiên định trong các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và tầm nhìn từ sớm từ xa trong mọi quyết sách.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ.

Quý I trong 5 năm vừa qua từ năm 2020, sự bứt phá lên gần 7% trong quý đầu năm nay đã phản ánh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng tốc vững chắc sau những giai đoạn khó khăn. Đáng chú ý, mức tăng trưởng này đã vượt qua kịch bản mục tiêu được đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ nhưng chưa đạt mục tiêu nghị quyết vì những biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường của tình hình thế giới đã tác động không nhỏ đến các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước.

Quý I, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt trên 202 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu 3,16 tỷ USD. Kết quả này cũng đã được phản ánh tương tự với Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của Việt Nam vào tháng 3 đạt 50,5 điểm. Vượt ngưỡng 50 nghĩa là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng trưởng trở lại.

Còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ. Lạm phát được kiểm soát dựa trên nền tảng tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm.

Tiêu dùng - sản xuất - đầu tư giúp kinh tế bứt phá

Lạm phát được kiểm soát, xuất khẩu bền vững cũng đang được coi là nền tảng quan trọng để tiêu dùng nội địa và sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng. Qua đó đóng góp để kinh tế quý I của Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Kết quả tích cực này giúp Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực. Nhiều tổ chức quốc tế thời điểm này cũng đã cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất trong ASEAN năm nay.

3 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lượng khách đến Việt Nam cao nhất từ trước đến nay tính trong một quý. Du lịch phục hồi đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 9,9% so với cùng kỳ. Tiêu dùng nội địa tăng, nghĩa là cầu tăng lên đóng vai trò trụ cột quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Thị trường trong nước và xuất khẩu đều có mức tăng trưởng tốt đã tạo đà để sản xuất công nghiệp trong quý I tiếp tục khởi sắc, tăng 7,8% so với cùng kỳ, cũng là mức tăng cao nhất của quý I trong 5 năm qua, đặc biệt là sản xuất chế biến chế tạo vẫn chiếm vị trí quan trọng nhất. Để khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều chính sách giảm giãn thuế, tiền thuê đất.

Ông Mạc Quốc Anh - Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp nêu ý kiến: "Các doanh nghiệp đã giảm được chi phí cố định, bởi trong các chi phí cố định, chi phí được giảm thuế, các doanh nghiệp đã tái đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh".

Với trụ cột đầu tư ghi nhận tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,3%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng 34,7% so với cùng kỳ. Dòng vốn đầu tư quốc tế vẫn tin tưởng vào Việt Nam. Nguồn lực được tăng cường là cơ sở để tăng trưởng dài hạn.

Ông Abel Lim - Giám đốc tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Ngân hàng UOB nêu nhận định: "Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp rất quyết liệt, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Điều này đã khiến các doanh nghiệp ngày càng gắn bó với Việt Nam".

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm là nền tảng để đạt mức tăng trưởng tích cực trong quý I. Đây là kết quả của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực cũng như trên thế giới.

Bước sang quý II, xuất khẩu được nhận định sẽ chịu tác động trực tiếp từ các rào cản thuế quan và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Bước sang quý II, xuất khẩu được nhận định sẽ chịu tác động trực tiếp từ các rào cản thuế quan và nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Tăng trưởng 8%: Áp lực lớn - quyết tâm cao

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, có tới 45,8% số doanh nghiệp được hỏi đánh giá xu hướng kinh doanh của quý II sẽ tốt hơn so với quý I.

Cũng phải thẳng thắn rằng bước sang quý II, kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với những biến động về chính sách thương mại, thuế quan trên toàn cầu. Do vậy, sức ép là không hề nhỏ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng, cần điều chỉnh linh hoạt và phù hợp để khai thác dư địa cho tăng trưởng.

Trước những biến động thương mại quốc tế, doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng. Đây cũng là cách nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chuẩn bị cho các quý tiếp theo.

Bước sang quý II, xuất khẩu được nhận định sẽ chịu tác động trực tiếp từ các rào cản thuế quan và nhu cầu toàn cầu suy yếu. Nhưng ngược lại, Việt Nam vẫn còn các trụ đỡ khác với nhiều dư địa phát triển, trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Nhấn mạnh vai trò then chốt của vốn đầu tư công trong tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô và tạo việc làm, Thủ tướng yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương phải xác định rõ đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong năm 2025.

Bà Yun Liu - Chuyên gia phụ trách thị trường ASEAN, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng HSBC chia sẻ: "Việt Nam vẫn có những trụ cột tự cường nội tại. Tiêu dùng nội địa vẫn còn dư địa để phục hồi và thực tế chưa quay lại hoàn toàn mức trước đại dịch. Một trụ cột nữa là đầu tư công. Chính phủ đang đặt nhiều nỗ lực vào việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Nếu cải thiện được khâu giải ngân, đây sẽ là một điểm tựa quan trọng cho nền kinh tế trong năm nay".

Trong bối cảnh mới, những cải cách thể chế của Việt Nam như cam kết cắt giảm ít nhất 30% các điều kiện kinh doanh bất lợi đang thúc đẩy môi trường kinh tế năng động và mạnh mẽ hơn. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng sự thay đổi mạnh mẽ, những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, phát huy vai trò tiên phong của khu vực kinh tế tư nhân từ Đề án Phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị sắp tới.

Các tổ chức quốc tế cũng nhận định, áp lực tỷ giá và lạm phát sẽ gia tăng trước rủi ro thương mại toàn cầu. Đây cũng là điều cần bám sát để có đối sách phù hợp.

Ông Bill Winters - Tổng Giám đốc Điều hành Ngân hàng Standard Chartered nêu ý kiến: "Phản ứng ban đầu của thị trường đối với biến động thương mại thường là đồng USD sẽ mạnh lên, dẫn đến nguy cơ gia tăng áp lực tỷ giá. Việt Nam cần có những biện pháp linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ. Khi theo dõi biến động vừa rồi, chúng tôi đã thấy Chính phủ làm rất tốt vấn đề này nên thời gian tới cũng sẽ rất chủ động".

Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm thích ứng với các biến động kinh tế thế giới. Điều này đặt ra áp lực lớn đối với nền kinh tế, nhưng cũng mở ra cơ hội để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy sức mạnh nội tại, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% như đã đề ra.

Mục tiêu tổng quát của chúng ta không thay đổi về ổn định và phát triển. Không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Thực tế đã chứng minh chúng ta đã vượt qua những khó khăn, vướng mắc và cú sốc từ bên ngoài như đã làm những năm vừa qua trong bối cảnh đại dịch Covid 119, xung đột ở nhiều nơi trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng, thiên tai, bão lũ. Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải bản lĩnh, nỗ lực, phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, giá trị cốt lõi của người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Theo vtv.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202504/viet-nam-thuoc-nhom-tang-truong-kinh-te-cao-nhat-the-gioi-dea05cc/