Hợp nhất 3 Nhà hát Tuồng, Chèo, Cải lương Việt Nam: Mừng vui xen lẫn âu lo

Việc hợp nhất 3 Nhà hát Tuồng, Chèo và Cải lương Việt Nam là cơ hội để nghệ thuật truyền thống bước vào giai đoạn phát triển mới. Khi chủ động đổi mới, sáng tạo và tìm được 'ngôn ngữ' phù hợp với khán giả đương đại, nghệ thuật truyền thống có thể tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ.

Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 24/6/2025 ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam và Nhà hát Tuồng Việt Nam hợp nhất thành Nhà hát Sân khấu truyền thống Quốc gia Việt Nam, hoàn thành trước ngày 1/8/2025.

Trước công cuộc hợp nhất, lãnh đạo các nhà hát và nghệ sĩ của 3 Nhà hát Cải lương, Tuồng, Chèo Việt Nam đều đồng tình với chủ trương này.

Vở diễn "Tình mẹ" (Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam)

Vở diễn "Tình mẹ" (Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam)

NSND Lê Tuấn Cường – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đánh giá việc hợp nhất 3 Nhà hát Cải lương, Tuồng và Chèo Việt Nam là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tinh thần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

NSND Triệu Trung Kiên – Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam cho biết, việc hợp nhất, sắp xếp lại 3 Nhà hát tạo cơ hội để rà soát, sàng lọc, giữ lại những người thực sự có năng lực, nhiệt huyết, yêu nghề. “Lần hợp nhất này sẽ sàng lọc và giữ lại lực lượng tài năng nhất của ba loại hình nghệ thuật truyền thống. Từ đó, Chèo, Tuồng, Cải lương vừa quyết tâm bảo vệ những giá trị bất biến, đặc sắc của từng loại hình, vừa sẽ cùng nhau tạo nên giá trị mới, mạnh mẽ và cuốn hút hơn”, NSND Triệu Trung Kiên nói.

Một số nghệ sĩ lo lắng về tương lai của mỗi loại hình nghệ thuật sau khi hợp nhất 3 Nhà hát. NSƯT Lộc Huyền, Nhà hát Tuồng Việt Nam bày tỏ, các nghệ sĩ, lãnh đạo nhà hát đều phải nỗ lực tìm tòi, sáng tạo để tìm hướng đi cho Tuồng trong bối cảnh mới, bây giờ hợp nhất liệu sẽ như thế nào?

“Vấn đề lớn nhất đối với các nghệ sĩ là khi sắp xếp lại, một số diễn viên Tuồng có thể phải đổi nghề. Ban đầu tôi cũng mông lung nhưng giờ tôi nghĩ đó là điều tất yếu. Đây là cơ hội để đổi mới, để nghệ thuật sân khấu truyền thống phù hợp với hiện tại và định hình tương lai phát triển cho từng bộ môn”, NSƯT Lộc Huyền cho biết.

NSƯT Trần Quang Khải thuộc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ, lần sắp xếp này là cơ hội lớn để những nghệ sĩ Cải lương, Tuồng, Chèo của 3 nhà hát có điều kiện tập trung nguồn lực sáng tạo, tạo nên những tiết mục vừa phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ, phù hợp nhu cầu của công chúng, vừa đảm báo các giá trị của nghệ thuật truyền thống được bảo vệ và phát huy.

Hợp nhất 3 Nhà hát: Cơ hội lớn – Thách thức không nhỏ

Theo NSND Triệu Trung Kiên, việc hợp nhất 3 Nhà hát đương nhiên sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ, nhưng cũng chính là cơ hội lớn. “Một nhà hát mới, nơi quy tụ cả ba loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống gồm Chèo, Tuồng và Cải lương, sẽ là nơi lưu giữ ba “viên ngọc quý” của sân khấu truyền thống. Điều này cho thấy nội lực và tiềm năng của nhà hát mới là rất lớn. Nhà hát mới sẽ có trách nhiệm, nghĩa vụ và cả quyền lợi trong việc khẳng định giá trị, vị thế của nghệ thuật Sân khấu truyền thống trước đông đảo công chung”.

Trước lo ngại việc hợp nhất 3 Nhà hát có thể khiến Tuồng, Chèo, Cải lương mai một hoặc đi xuống, NSND Lê Tuấn Cường khẳng định, mỗi loại hình nghệ thuật sẽ không bị lu mờ bản sắc hay giảm chất lượng chuyên môn sau hợp nhất. “Nhà quản lý phải biết hài hòa, không thiên vị, tạo điều kiện để từng bộ môn phát triển theo đúng đặc trưng. Tuồng có lịch sử nghìn năm, cải lương cũng đã hơn một trăm năm, không thể nói chúng sẽ biến mất khi bị hợp nhất. Nếu làm tốt công tác quản lý, các loại hình nghệ thuật sẽ không những tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ”, ông chia sẻ.

Vở "Quan Âm Thị Kính" (Ảnh: Nhà hát Chèo Việt Nam)

Vở "Quan Âm Thị Kính" (Ảnh: Nhà hát Chèo Việt Nam)

NSND Triệu Trung Kiên nêu quan điểm: “Chúng tôi quyết tâm để việc hợp nhất 3 Nhà hát sẽ không làm thay đổi tiến trình phát triển của ba loại hình nghệ thuật. Nhà hát mới vẫn còn nguyên vẹn ba đoàn nghệ thuật với ba loại hình độc lập. Chúng tôi khẳng định các nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình Chèo, Tuồng, Cải lương sẽ không bị gián đoạn mà được tiếp nối sự vận hành, các mục tiêu tối cao trong cơ chế tổ chức mới”.

Với hơn 20 năm gắn bó với sân khấu cải lương, NSƯT Trần Quang Khải bày tỏ, anh và các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực cải lương vẫn sẽ nỗ lực hết mình trong thời gian tới để chứng minh rằng loại hình này có giá trị trong đời sống văn hóa, xã hội.

“Giai đoạn đầu sau khi hợp nhất sẽ có nhiều thay đổi và thách thức, tôi và các nghệ sĩ sẽ tiếp tục tập luyện chuyên môn tốt. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng ý thức trách nhiệm nghề nghiệp tốt hơn, để tạo nên những tác phẩm hay, được khán giả đón nhận, đồng thời khẳng định giá trị của bản thân, giá trị của môn nghệ thuật mình đang theo đuổi”, nam nghệ sĩ nói.

NSƯT Lộc Huyền cho rằng sau khi hợp nhất 3 Nhà hát, các nghệ sĩ đối mặt với thách thức khi không để mất đi giá trị truyền thống nhưng vẫn có thể sáng tạo trong mỗi loại hình nghệ thuật.

“Bên cạnh nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, cần có những chương trình kết hợp với những yếu tố mới. Đổi mới giúp nghệ thuật truyền thống trở nên phù hợp với bối cảnh đương đại. Chẳng hạn như là bài hát “Bắc Bling” đã kết hợp quan họ với rap và được khán giả trẻ hưởng ứng mạnh mẽ. Đây là minh chứng cho sự đúng đắn của đổi mới trong nghệ thuật truyền thống. Vở diễn “Cánh cửa khép hờ” lần đầu tiên đưa để tài giả tưởng vào sân khấu Cải lương. Vở chèo “Thị Màu xuyên không” cũng kết hợp giữa hiện đại và cái truyền thống hay chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai” làm mới bài “Trống cơm”… là những sự sáng tạo rất hay và mới mẻ, mang lại giá trị mới cho cả nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật đương đại”, NSƯT Lộc Huyền chia sẻ.

Tuồng – Chèo – Cải lương tìm hướng đi trong thời đại mới

Nói về hướng phát triển bộ môn chèo nói riêng và hai loại hình sân khấu còn lại nói chung trong thời gian tới, NSND Lê Tuấn Cường cho biết, cần chủ động tìm đến khán giả, không thể ngồi chờ khán giả tìm đến mình.

“Tôi luôn giữ quan điểm rõ ràng, Tuồng là Tuồng, Chèo là Chèo, Cải lương là Cải lương. Ba loại hình sân khấu này phải được phân biệt rõ ràng về bản sắc nhưng điều quan trọng là để ba thứ cùng phát triển. Để làm được điều đó, chúng ta cần chủ động tìm kiếm khán giả, tận dụng sức mạnh truyền thông và xu thế toàn cầu hóa để giới thiệu tinh hoa nghệ thuật dân tộc. Bây giờ là thời đại 4.0, chỉ cần một cú nhấp chuột là mọi người, từ trong nước đến quốc tế, có thể biết đến Chèo, Tuồng, Cải lương”.

Vở "Ngàn năm mây trắng" (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Vở "Ngàn năm mây trắng" (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

NSND Lê Tuấn Cường chia sẻ, hai đêm diễn vở chèo “Xúy Vân” vào cuối tháng 6 của Nhà hát Chèo Việt Nam vẫn nhận được sự ủng hộ từ khán giả khi bán hết vé, rạp kín khán giả.

“Tôi tin Cải lương, Tuồng hay Chèo hoàn toàn còn “đất sống”. Chỉ là chúng ta chưa tìm được đúng “món ăn” cho khán giả. Nếu cứ diễn vở dài lê thê, bi lụy, chắc chắn sẽ không thu hút khán giả nhưng nếu biết tiết chế, chọn lọc, như những trích đoạn ca ngợi quê hương, đất nước, vọng cổ 5-10 phút kết hợp tiết mục vui tươi, có thể tạo ra những chương trình kéo dài chỉ một tiếng nhưng vẫn hấp dẫn, đủ sức thu hút cả khách du lịch và khán giả đương đại”, NSND Lê Tuấn Cường nói.

NSƯT Trần Quang Khải nhìn nhận rằng, cần sáng tạo những tác phẩm mới nhưng vẫn giữ được hồn của nghệ thuật truyền thống: “Chúng tôi đang hướng tới những sản phẩm nghệ thuật có thời lượng không quá dài, kết hợp với những sáng tạo mới, kết hợp các loại hình, các ngôn ngữ nghệ thuật để tạo ra giá trị mới cho nghệ thuật cải lương, giúp khán giả dễ dàng đón nhận và yêu mến nhưng vẫn giữ được cái cái ‘xương sống’ của nghệ thuật truyền thống”.

Vở "Cánh cửa khép hờ" (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

Vở "Cánh cửa khép hờ" (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam)

NSND Triệu Trung Kiên cho rằng cần mang 3 loại hình sân khấu truyền thống đến gần hơn với giới trẻ. “Giai đoạn hiện tại, với yêu cầu đổi mới, chúng tôi đã thu được những tín hiệu khả quan đầu tiên. Chúng tôi thấy giới trẻ đã quan tâm đến Tuồng và đã có những tác phẩm nghệ thuật đương đại lấy Tuồng làm chất liệu sáng tạo. Chúng tôi cũng thấy sự quan tâm của các khán giả trẻ khi nghệ thuật Tuồng được trình diễn ở một không gian đặc biệt ngoài nhà hát. Các bạn trẻ biết dùng thế mạnh của mình để làm mới và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống. Sự vào cuộc của những người trẻ tài năng sẽ làm cho nghệ thuật truyền thống trở nên dễ xem hơn, phù hợp với đối tượng khán giả trẻ hơn, thích nghi với môi trường sống của xã hội đương đại hơn”, ông Triệu Trung Kiên cho hay.

Theo Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam, sự đổi mới của nghệ thuật truyền thống là điều đương nhiên và cần thiết. “Đổi mới, sáng tạo là nhiệm vụ tiên quyết để bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, bảo tồn một cách máy móc thì cũng không đạt mục đích, phải mạnh dạn đổi mới, cải cách vì suy cho cùng, muốn bảo tồn thì phải phát huy và phát huy cũng chính là để bảo tồn. 10 năm trở lại đây, cả Chèo, Tuồng và Cải lương đều đã liên tục tìm tòi phương hướng để đổi mới, sáng tạo đáng khích lệ”, NSND Triệu Trung Kiên Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam nhấn mạnh.

Thư Vũ-Mai Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/hop-nhat-3-nha-hat-tuong-cheo-cai-luong-viet-nam-mung-vui-xen-lan-au-lo-post1213193.vov