Vovinam - Việt Võ Đạo: Hành trình về nguồn và lan tỏa võ học Việt
Tại TP.HCM từ ngày 6 đến ngày 8-7, có hơn 200 võ sư, HLV và môn sinh đến từ nhiều quốc gia đã cùng nhau bước vào một hành trình đặc biệt: Khóa đặc huấn quốc tế Vovinam - Việt Võ Đạo 2025 với chủ đề 'Về Nguồn'.
Các võ sư và môn sinh Vovinam - Việt Võ Đạo quốc tế của hơn 10 quốc gia trên thế giới đã tham gia khóa đào tạo kỹ thuật đặc biệt trong những ngày trở về đất tổ, một hành trình tâm linh mà nơi mỗi bước chân là sự tri ân, mỗi bài tập là sự gạn lọc và phục sinh tinh thần võ đạo.
Lời dạy của tiền nhân vang trong từng bước chân về nguồn
Tại Tổ đường Vovinam, khi từng người lần lượt cúi đầu dâng hương tưởng niệm trước di ảnh Sáng tổ Nguyễn Lộc, Chưởng môn Lê Sáng, Võ sư Trần Huy Phong…, ánh mắt rưng rưng của các môn sinh quốc tế Vovinam - Việt Võ Đạo đã nói lên tất cả. Võ sư Võ Danh Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Võ thuật Thế giới (WoMAU), xúc động chia sẻ: “Võ đạo không chỉ là kỹ thuật chiến đấu. Nó là ký ức, là tâm thức văn hóa được truyền đời bằng sự trân trọng, bởi những con người khác biệt ngôn ngữ nhưng đồng điệu tâm hồn”.

Võ sư Võ Danh Hải cùng các cộng sự chung tay giữ gìn biểu tượng bản sắc Vovinam - Việt Võ Đạo.
Lần đầu tiên, người ta chứng kiến cảnh tượng hàng trăm con người từ Pháp, Đức, Algeria, Bồ Đào Nha… cùng chắp tay hướng về cội nguồn Việt, trong sự đồng điệu đầy cảm động. Trong khoảnh khắc ấy, lời dạy của Sáng tổ Nguyễn Lộc như vọng về: “Mang võ đạo Việt Nam lan tỏa khắp năm châu”. Lời nhắn nhủ của tiền nhân không còn là lý tưởng xa vời, mà đang trở thành một hiện thực sống động, hữu hình và đầy cảm hứng.
3 ngày không dài, nhưng với hơn 200 võ sư, HLV, môn sinh từ nhiều quốc gia thì đó chính là 3 ngày đáng nhớ trong hành trình võ đạo ở khóa đặc huấn quốc tế Vovinam - Việt Võ Đạo 2025 với từng nhịp thở, ánh mắt rạng ngời của những con người khác màu da, khác ngôn ngữ nhưng chung một niềm tin.
Võ sư Võ Danh Hải tâm sự: “Khi đứng nhìn các đồng môn quốc tế trong buổi tập luyện cùng võ sư Trần Nguyên Đạo, tôi nhớ về những năm tháng mà Vovinam còn chưa được quốc tế hóa chưa được công nhận ở SEA Games, ASIAN Indoor Games; Nhớ ánh mắt đầy quyết tâm của cố PGS Hoàng Vĩnh Giang, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu tại Thái Lan năm 2006 khi giới thiệu Vovinam trước Hội đồng Thể thao Đông Nam Á.

Các võ sư, HLV, môn sinh quốc tế trong hành trình về với nguồn cội.
Tôi không bao giờ quên những tháng ngày vận động không mệt mỏi khắp năm châu của nhiều thế hệ võ sư, HLV, môn sinh để rồi sau đó, Vovinam được đưa vào hệ thống thi đấu quốc tế như một biểu tượng bản sắc võ Việt.
Giờ đây, khi nhìn những võ sư trẻ quốc tế miệt mài luyện tập, cùng thảo luận về điều trị chấn thương, về triết lý võ đạo, tôi tin rằng tương lai của Vovinam – Việt Võ Đạo không chỉ còn ở Việt Nam mà của thế giới, nhưng vẫn giữ trọn cái hồn Việt".
Võ đạo giữa đời thường
Điểm đặc biệt của khóa huấn luyện năm nay không nằm ở số lượng người tham dự, chính mà ở chất lượng chuyên môn kết hợp với chiều sâu văn hóa. Các võ sư và HLV đã cùng nhau trải nghiệm các nội dung chuyên sâu như Song luyện, Tự vệ thực chiến, Đòn chân nâng cao, kết hợp với các buổi thảo luận chuyên đề về chấn thương trong tập luyện võ thuật, triết lý Cương – Nhu, và phương pháp truyền đạt võ đạo trong giáo dục hiện đại.

Võ sư Trần Nguyên Đạo luôn nhắc nhở các hậu bối về tinh thần cao thượng và triết lý Vovinam – Việt Võ Đạo.
Võ sư Trần Nguyên Đạo – Chủ tịch Hội đồng Võ sư Thế giới – khẳng định: “Về Nguồn là sự khai mở tinh thần, là cách để chúng ta hiểu sâu sắc hơn về con người Việt Nam, về lối sống, văn hóa và triết lý mà từ đó Vovinam – Việt Võ Đạo đã sinh ra”. Ông nhấn mạnh rằng các triết lý như “Cách mạng tâm thân”, “Cương nhu phối triển”, “10 điều tâm niệm”, hay “nhân sinh quan và vũ trụ quan Vovinam” chính là tài sản chung của nhân loại nếu được lan tỏa đúng cách.
Và điều đặc biệt nhất của phái đoàn Vovinam – Việt Võ Đạo quốc tế nằm ở những trải nghiệm đời thường: ngủ trên giường gỗ thô sơ, cùng ăn cơm với các môn sinh Việt Nam, chia sẻ không gian tắm giặt, luyện tập, thảo luận như một đại gia đình. Những điều tưởng chừng nhỏ nhặt ấy lại chính là “cửa ngõ” đưa người học võ đến gần hơn với bản sắc văn hóa Việt – một nền văn hóa giàu lòng nhân ái, giản dị mà kiên cường.

Các môn sinh quốc tế trình diễn võ học Việt.
Võ sư Phạm Quang Long – người đóng vai trò chủ nhà đón tiếp đoàn quốc tế, chia sẻ đầy xúc động: “Chúng tôi không đón tiếp các bạn như khách, mà như những người thân lâu ngày trở về nhà. Bởi vì võ đạo – nếu không có tình, thì chỉ là vỏ rỗng của sức mạnh”.
Bên cạnh các hoạt động huấn luyện, đoàn cũng có buổi làm việc với Cục TDTT và Tổng cục Du lịch Việt Nam, mở ra hướng đi mới: kết hợp võ thuật truyền thống với du lịch văn hóa – giáo dục. Đây là bước tiến mang tính chiến lược, đưa Vovinam - Việt Võ Đạo trở thành nhịp cầu giao lưu nhân văn giữa Việt Nam và thế giới.
Mở cánh cửa toàn cầu hóa Vovinam – Việt Võ Đạo
Lễ tổng kết khóa huấn luyện tại Trường IVS khép lại bằng những tiết mục giàu bản sắc: Múa Lân – Sư – Rồng, màn trình diễn võ nhạc ấn tượng từ đội tuyển quyền Taekwondo Việt Nam, và các bài biểu diễn của võ sinh Vovinam đến từ CLB Bình Tân, Trường Sonata (Phú Mỹ Hưng), Viện SIV… Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, Việt Nam và thế giới, trẻ thơ và lão luyện,… tất cả hòa quyện như một đại lễ hội văn hóa võ đạo.

Viện trưởng Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam, võ sư Nguyễn Văn Hiệp mong mỏi sự lan tỏa sâu rộng hồn cốt võ Việt ra thế giới.
Tại lễ tổng kết, Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiệp – Viện trưởng Viện Khoa học Huấn luyện Võ thuật Việt Nam – đã nhấn mạnh: “Khóa đặc huấn 2025 không khép lại, mà chính là bước mở đầu cho chuỗi đặc huấn quốc tế hàng năm, hành trình xuyên Việt và vượt biên giới nhằm giữ gìn hồn cốt võ Việt giữa lòng thế giới”.
Sau TP.HCM, phái đoàn Vovinam - Việt Võ Đạo quốc tế tiếp tục hành trình “về nguồn” tại Hà Nội, Thạch Thất – quê hương Sáng tổ Nguyễn Lộc. Võ sư Trần Nguyên Đạo tâm tư: “Một nền văn hóa chỉ có giá trị thực sự khi nó được gìn giữ, truyền trao và tiếp nhận bởi nhiều dân tộc, như một phần tài sản chung của nhân loại. Võ đạo phải là linh hồn văn hóa Việt”.

Khóa đặc huấn 2025 là mốc son trong hành trình toàn cầu hóa Vovinam - Việt Võ Đạo.
Trong tinh thần đó, ông bày tỏ sự tin tưởng vào lớp võ sư trẻ đang trưởng thành trên toàn cầu – những người vừa kiên cường trong luyện tập, vừa nhân hậu trong ứng xử. Họ chính là lực lượng sẽ kế thừa và phát triển tinh thần Vovinam - Việt Võ Đạo theo đúng di nguyện của Sáng tổ.
Khóa đặc huấn 2025 khép lại nhưng sẽ mãi được ghi nhớ là một mốc son trong hành trình toàn cầu hóa võ học Việt, nơi võ đạo là sức mạnh, là nhân cách, là cầu nối văn hóa, là ánh sáng soi đường cho những thế hệ môn sinh tiếp theo.