Nghệ An: 3 di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh
Lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc ghi danh không chỉ khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc mà còn mở ra cơ hội phát huy di sản trong cộng đồng.
Hồn quê di sản
Ngày 8/7, thông tin từ Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An cho biết: Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký các quyết định công nhân di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu, nghệ thuật trống tế Yên Thành và chữ Thái ở tỉnh Nghệ An. Theo các quyết định này, lễ đón tiếng sấm của người Ơ Đu thuộc loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng; chữ Thái thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết. nghệ thuật trống tế Yên Thành thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
“Tết tiếng sấm” không chỉ đơn thuần là một nghi lễ, mà còn là sự cộng hưởng giữa tâm linh, tín ngưỡng và tri thức dân gian về thời tiết, mùa vụ, môi trường sống. Đó là sản phẩm kết tinh từ quá trình thích nghi của con người với thiên nhiên. Lễ hội này giúp người Ơ Đu phân biệt thời điểm canh tác, gắn bó đời sống sản xuất với tín ngưỡng cổ truyền, thứ đã trở thành nền tảng tinh thần cho cộng đồng nhỏ bé này tồn tại và gìn giữ bản sắc.

Trình diễn nghệ thuật trống tế Yên Thành.
Trong khi đó, nghệ thuật trống tế Yên Thành lại là minh chứng cho một loại hình biểu đạt văn hóa mang tính cộng đồng sâu sắc. Từ lâu, các dòng họ, làng xã ở vùng quê này đã truyền tai nhau những bài trống tế, mỗi bài là một tiết tấu riêng, phản ánh sự linh thiêng trong thờ phụng tổ tiên, trời đất. Đánh trống tế không chỉ là biểu hiện của đức tin, mà còn là dịp để cộng đồng quy tụ, để lớp trẻ học cách tiếp nối truyền thống. Việc bảo tồn nghệ thuật trống tế không chỉ cần duy trì các đội trống hiện có, mà còn cần đưa loại hình này vào các chương trình sinh hoạt cộng đồng, văn hóa trường học, truyền thông đại chúng…
Anh Lê Đình Quyết, quê ở Yên Thành, sinh ra và lớn lên cùng tiếng trống tế, hồi tưởng: “Từ nhỏ tôi đã quen với âm thanh rộn ràng của trống tế mỗi dịp lễ hội. Tiếng trống không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là sợi dây kết nối cộng đồng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân quê tôi. Giờ đây, khi nghệ thuật trống tế được ghi danh, tôi và bà con vô cùng tự hào. Đây là động lực để thế hệ trẻ giữ gìn và lan tỏa nét đẹp văn hóa truyền thống này”.
Gìn giữ nét chữ
Với người Thái, chữ viết là một phần thiêng liêng trong đời sống văn hóa. Không ít người Thái ở Nghệ An hiện nay vẫn trân trọng những cuốn sách cổ, những bản chữ viết tay, ghi chép gia phả, truyện dân gian, luật tục, bài thuốc… bằng hệ chữ Thái Lai Tay. Đó là kho tư liệu sống động về thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái xứ Nghệ qua nhiều thế kỷ. Thực tế, đã có thời điểm chữ Thái gần như “lui vào bóng tối” trước xu thế đô thị hóa và quá trình đồng hóa văn hóa. Tuy nhiên, nhiều địa phương ở Nghệ An đã mở các lớp học chữ Thái cho thế hệ trẻ, xây dựng tài liệu, số hóa tư liệu cổ và tổ chức cuộc thi tìm hiểu chữ Thái, tạo hiệu ứng xã hội tích cực.
Anh Lang Đình Tiệp, người dân tộc Thái (quê gốc huyện Quỳ Châu cũ) chia sẻ: “Tôi còn nhớ hồi nhỏ, bà nội thường kể cho tôi nghe những câu truyện cổ, ru tôi bằng lời những bài hát tiếng Thái viết tay trên giấy dó”. Lúc ấy chưa hiểu hết nghĩa, nhưng anh Tiệp cảm nhận được sự linh thiêng và gần gũi. Chữ viết không chỉ để ghi chép, mà còn là sợi dây nối quá khứ với hiện tại và tương lai, giúp người Thái biết cội nguồn của mình là ai, từ đâu đến và sẽ làm gì để tương lai mãi trường tồn.
Ông Hồ Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở VHTTDL Nghệ An cho biết: Đến nay, tỉnh Nghệ An đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức cộng đồng mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác bảo tồn di sản lâu dài và phát triển du lịch bền vững. Hiện Sở đang xây dựng đề án bảo tồn, phát huy các di sản đã được ghi danh để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đề án này sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời tạo điều kiện để cộng đồng và nghệ nhân có cơ hội giao lưu, học hỏi, quảng bá di sản đến với du khách trong nước và quốc tế.