Hợp tác công tư - đòn bẩy để phát triển công nghiệp văn hóa
Trong bối cảnh nguồn lực để phát triển văn hóa còn thấp; DN trong lĩnh vực văn hóa đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, việc áp dụng cơ chế đầu tư theo phương thức đối tác công tư là việc làm cần thiết để phát triển công nghiệp văn hóa.
Giảm bớt gánh nặng
Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến 2030. Trong Chiến lược này có nhiệm vụ quan trọng là cần xây dựng cơ chế ưu đãi, miễn giảm thuế, phí phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, phát triển các ngành CNVH.
Không dừng lại ở những nỗ lực trong thay đổi chính sách, tiệm cận với xu hướng phát triển của thế giới, ngành CNVH còn nhận được chủ trương xã hội hóa từ những năm 2008 theo Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa, trong đó có các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa.
Mặc dù vậy, trong thực tế, cơ chế và năng lực thực thi các chính sách vẫn chưa thực sự hiệu quả. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, các DN văn hóa và DN sáng tạo đang bắt đầu tự tổ chức, hình thành nên các mạng lưới. Nhưng nhìn chung các mạng lưới này còn mỏng và chưa gắn kết với cơ hội chính sách mang tính chiến lược như các chương trình giáo dục, chương trình hỗ trợ DN (thuế, thủ tục, vay vốn) hoặc quy hoạch xây dựng đô thị.
TS Trần Hậu Yên Thế - giảng viên Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, thực tế hiện nay các làng nghề vừa thiếu về nguồn nhân lực vừa thiếu về mặt bằng và vốn. Đơn cử, quỹ đất hiện nay không phải ở đâu cũng được như ở làng nghề Bát Tràng (Hà Nội), có khu đất riêng để phát triển. Đây là thách thức cần có sự đối thoại giữa DN và cơ quan quản lý Nhà nước.
Do vậy, một trong những giải pháp được nhiều chuyên gia kiến nghị, nếu được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngành văn hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển. Những gì dễ thấy nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành văn hóa như các sân vận động, trung tâm triển lãm văn hóa, nghệ thuật, nhà hát, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim, di tích... đang rất cần có nguồn lực xã hội trong việc xây dựng và vận hành.
Việc tháo gỡ những khó khăn về nguồn lực và cơ chế vận hành không chỉ giúp các thiết chế này thích nghi tốt hơn với nền kinh tế thị trường, trở thành những không gian sáng tạo, giảm bớt gánh nặng cho Nhà nước mà còn thu hút sự tham gia của người dân, lan tỏa ý nghĩa tích cực, tốt đẹp của các thiết chế văn hóa đến toàn xã hội.
Xu hướng chung trong bối cảnh mới
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động văn hóa luôn là một chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, khi nguồn lực Nhà nước có hạn.
Tư duy quản lý nói chung, quản lý văn hóa nói riêng có xu hướng là Nhà nước chủ yếu làm nhiệm vụ quản lý, tạo hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho DN và cá nhân thực hiện. Nhà nước đầu tư cho những hoạt động mang tính định hướng, vốn mồi, và những việc tư nhân không làm để bảo đảm sự vận hành ổn định của xã hội.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ… cũng đã áp dụng phương thức PPP. Cụ thể, tại Nhật Bản, nhiều dự án bảo tồn di sản văn hóa ở các chùa, đền thờ Thần đạo được tài trợ bởi các công ty lớn như Mitsubishi, Toyota hoặc Sumitomo, trong khi đó cơ quan Nhà nước như Cục Di sản Văn hóa quốc gia của Nhật Bản cung cấp hỗ trợ pháp lý, hướng dẫn kỹ thuật và giám sát quản lý dự án.
Còn ở Mỹ, các dự án bảo tồn di sản văn hóa thường nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp tư nhân thông qua các Quỹ bảo tồn di sản và tài trợ từ các tổ chức phi lợi nhuận như Ford Foundation hoặc The Getty Foundation… Cơ quan quản lý Nhà nước như Cơ quan Bảo tồn Môi trường Mỹ thường hỗ trợ pháp lý, cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và giám sát dự án.
Trở lại trong nước, sự kiện một nhà sưu tầm cổ vật của Việt Nam đưa được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của vua Bảo Đại về nước thông qua mua trực tiếp từ người bán ở nước ngoài, dưới sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước là một trường hợp hiếm hoi thể hiện sự hợp tác giữa Nhà nước với tư nhân trong lĩnh vực văn hóa. Trường hợp này khiến chúng ta phải suy nghĩ về việc hình thành một cơ chế hợp tác công tư có tính bền vững, minh bạch, thuận tiện để thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực văn hóa.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vừa diễn ra, dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) đã được bổ sung nhiều quy định mới nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có quy định về phương thức PPP.
Cụ thể, nội dung về hợp tác PPP được đưa vào Điều 100 của dự thảo Luật, quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan. Theo đó, khẳng định di sản văn hóa là lĩnh vực được đầu tư theo phương thức PPP (được bổ sung vào khoản 1, Điều 4 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư).
Bên cạnh đó, quy mô tổng mức đầu tư lĩnh vực di sản văn hóa không hạn chế theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhằm tạo sự linh hoạt, phù hợp với năng lực và nhu cầu của lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia mong muốn, bên cạnh lĩnh vực di sản văn hóa, hình thức PPP trong lĩnh vực văn hóa rất cần tiếp tục được nhân rộng.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hop-tac-cong-tu-don-bay-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa.html