Hợp tác công tư giải quyết bài toán 'khát' vốn ngàn tỷ
Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đang khá hạn hẹp, chính vì vậy, Hợp tác công tư (PPP) đang là giải pháp hiệu quả cho các dự án cần nguồn vốn đầu tư 'khủng'.
Vốn đầu tư từ ngân sách đang giảm
Tại buổi Hội thảo đầu tư cơ sở hạ tầng TPHCM mới đây, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM đã thông tin về tình hình sử dụng vốn ngân sách của thành phố, trong đó có báo cáo về tình hình huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng của thành phố từ hình thức Hợp tác công tư (PPP).
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, thành phố có 24 dự án đầu tư theo hình thức PPP đã hoàn tất với tổng nguồn vốn là gần 72.700 tỷ đồng. Hiện đang còn 136 dự án đang thực hiện với số vốn là hơn 282.500 tỷ đồng.
Ông Tuấn đánh giá, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến sẽ tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2011 – 2015 (từ gần 1,193 triệu tỷ đồng lên hơn 1,829 triệu tỷ đồng). Trong khi đó, tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội giảm từ 9,2% xuống còn 8,9%.
“Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thành phố chỉ đóng vai trò “vốn mồi” để phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thu hút đầu tư. Việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi đầu tư theo hình thức doanh nghiệp và Nhà nước cùng làm là một hiệu quả tất yếu”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Trần Anh Tuấn, hình thức hợp tác công tư là giải pháp hiệu quả giúp Nhà nước giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn, nhất là đối với các dự án đòi hỏi lượng vốn đầu tư lớn như xây dựng, phát triển hạ tầng.
Hình thức hợp tác này sẽ mang lại hiệu quả trong bối cảnh thâm hụt ngân sách Nhà nước có chiều hướng gia tăng. Mô hình PPP sẽ giúp Nhà nước tham khảo, học tập trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý của khu vực tư nhân.
Thu hút đầu tư PPP bằng cách nào?
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cũng đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm huy động nguồn lực PPP để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng của thành phố.
Theo ông Trần Anh Tuấn, cần phải hoàn thiện khung pháp lý về quản lý đầu tư theo hình thức PPP trên địa bàn thành phố, xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư. Huy động từ nguồn lực đất đai, nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước để tạo vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP.
Thành phố cũng cần xây dựng danh mục dự án mời gọi đầu tư theo hình thức PPP và đẩy mạnh đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao – thuê dịch vụ (BTL) hay hợp đồng xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao (BLT).
Ngoài ra, thành phố cũng cần triển khai một số dự án PPP tiên phong và đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ các nguồn phát triển từ nước ngoài (ODA) kết hợp PPP. Trong đó, Nhật Bản là một trong những quốc gia có nguồn vốn ODA “rót” vào Việt Nam nhiều nhất.
Ông Hidenori Hashimoto, đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam chia sẻ, đơn vị này đã và đang hỗ trợ vốn cho nhiều dự án tại Việt Nam.
Các ngành nghề mà JICA ưu tiên tài trợ cho doanh nghiệp gồm kinh doanh nông nghiệp, hạ tầng giao thông, điện và năng lượng…hoặc góp vốn vào các dự án làm hạn chế tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các quốc gia có nền kinh tế dễ bị “tổn thương”.
“Chúng tôi chú trọng vào các công ty có mục tiêu cao cả, phát triển bền vững và hướng đến việc bảo vệ môi trường, xã hội để hỗ trợ. Nếu các doanh nghiệp có mối liên hệ với đất nước Nhật Bản là một điểm cộng lớn”, ông Hidenori Hashimoto nói.
Theo ông Hidenori Hashimoto thì các khoản vay tiêu chuẩn mà JICA sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp dao động từ 10 – 150 triệu USD. Khoản vay từ JICA tối đa bằng với nhà đồng tài trợ lớn nhất hoặc bằng 70% tổng chi phí dự án. Thời hạn vay tới 20 năm hoặc kéo dài hơn nữa với mức lãi suất tương đương với mức lãi suất của liên ngân hàng Anh (Libor), kỳ hạn trả nợ là 6 tháng/lần.