Hợp tác giữa đại học Việt Nam - Bỉ 'chắp cánh' cho nghiên cứu và giáo dục

Các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đang trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của Đại học Lìege (ULìege), Bỉ. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, Việt Nam mở ra nhiều cơ hội hợp tác giáo dục và nghiên cứu chất lượng cao.

Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, hướng dẫn nhóm thực tập sinh đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội.

Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, hướng dẫn nhóm thực tập sinh đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội.

Đến thăm phòng thí nghiệm của Khoa Khoa học Ứng dụng, Đại học Lìege (ULìege), đoàn phóng viên TTXVN được chứng kiến quy trình sản xuất gạch ép từ vật liệu tái chế. Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, hướng dẫn nhóm thực tập sinh đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội thực hiện thí nghiệm biến "rác thải xây dựng" thành những viên gạch ép chất lượng cao. Những phế liệu tưởng chừng vô giá trị như vôi vữa, sỏi, đá, sắt vụn... qua bàn tay tài hoa của Giáo sư Courard và các học trò đã "lột xác" thành những viên gạch bền chắc, hứa hẹn ứng dụng rộng rãi trong xây dựng đường sá, đê kè.

Theo Giáo sư Courard, dự án tập trung vào nghiên cứu bê tông xanh từ vật liệu tái chế này là một giải pháp cấp thiết trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt. Kết quả thí nghiệm ban đầu cũng cho thấy những viên gạch này có khả năng chịu lực tốt, song cần tiếp tục nghiên cứu để đánh giá hiệu quả của chúng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới đặc thù của Việt Nam.

Hà Nội và các thành phố lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với bài toán xử lý chất thải xây dựng. Theo Bộ Xây dựng Việt Nam, chỉ 2% phế thải xây dựng được tái chế làm cốt liệu, trong khi mục tiêu hợp tác với ULìege là nâng tỷ lệ này lên 20% và xa hơn là 50%.

Nhóm sinh viên Đại học Xây dựng Hà Nội gồm Cao Minh Hải, Nguyễn Thành Luân và Nguyễn Hoàng Minh Anh, đang có 6 tháng thực tập tại ULìege theo chương trình hợp tác giữa hai trường. Các em đều bày tỏ biết ơn sâu sắc trước sự hướng dẫn tận tình của Giáo sư Courard, cũng như cơ hội được tiếp cận với những trang thiết bị hiện đại và môi trường nghiên cứu tối ưu. Những kiến thức và trải nghiệm thu được tại ULìege sẽ là hành trang quý giá, giúp các em vững bước trên con đường học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, giới thiệu gạch làm từ rác xây dựng.

Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, giới thiệu gạch làm từ rác xây dựng.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hợp tác giữa ULìege và các trường đại học Việt Nam đã bước sang năm thứ 15 đầy ý nghĩa, với những đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu của Việt Nam. Giáo sư Marie-Louise Schippo, phụ trách phân tích dữ liệu thực phẩm thuộc Khoa Thú y, đã gắn bó với hợp tác Bỉ - Việt ngay từ những ngày đầu. Bà cho biết từ năm 2008, bà đến Việt Nam hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) để tổ chức các khóa đào tạo về an toàn thực phẩm trong khuôn khổ hỗ trợ thể chế của Bỉ, đáp ứng nhu cầu thực tế của Việt Nam. Hợp tác không chỉ dừng lại ở các khóa bồi dưỡng mà còn tập trung vào việc đào tạo các nghiên cứu sinh tiến sĩ và thạc sĩ. Nhiều học viên sau khi tốt nghiệp đã trở thành chuyên gia đầu ngành, góp phần phát triển ngành công nghiệp thực phẩm và nghiên cứu tại Việt Nam.

Hợp tác giữa ULìege và Việt Nam trong lĩnh vực này tiếp tục được mở rộng sang Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST) và Đại học Cần Thơ. Các dự án đa phương đã tạo ra mạng lưới hợp tác rộng khắp, giúp lan tỏa giá trị của chương trình. Dù đạt được nhiều thành công, hợp tác cũng đối mặt với khó khăn, đặc biệt là các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, Giáo sư Schippo tin rằng với sự nỗ lực của cả hai bên, những thách thức này sẽ được khắc phục để tiếp tục mở rộng hợp tác trong tương lai.

Trong khi đó, hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và ULìege trong lĩnh vực y học cổ truyền đã đạt được những thành tựu đáng kể, mở ra cơ hội phát triển tiềm năng của ngành y học truyền thống Việt Nam. Giáo sư Marc Muller, phụ trách nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu liên ngành về khoa học y sinh (GIGA), ULìege, đã chia sẻ những đánh giá tích cực về mối quan hệ hợp tác này. Theo Giáo sư Muller, hợp tác bắt đầu với việc đào tạo tiến sĩ cho các cơ quan nghiên cứu Việt Nam, sau đó, mở rộng sang một dự án lớn hơn, tập trung vào y học cổ truyền ở miền Bắc Việt Nam. Dự án này đã thiết lập một nền tảng để kiểm tra tác dụng sinh học của cây thuốc, từ việc thu thập, chiết xuất đến thử nghiệm hoạt tính sinh học, xây dựng một nền tảng nghiên cứu hiện đại, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu chuyên sâu về y học cổ truyền.

Dự án kéo dài 5 năm đã đào tạo thành công 3 tiến sĩ, công bố khoảng 12 bài báo khoa học và thiết lập một nền tảng nghiên cứu hoạt động hiệu quả. Giai đoạn tiếp theo của dự án tập trung vào việc cải thiện chuỗi giá trị của cây thuốc, từ thu thập đến sản phẩm cuối cùng nhằm đảm bảo tính bền vững của việc khai thác cây thuốc. Giáo sư Muller đã bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc về tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia, đồng thời ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Ông nhấn mạnh sự nhiệt tình và năng động của các đồng nghiệp Việt Nam, tin tưởng rằng sự kết hợp giữa kiến thức y học cổ truyền Việt Nam và phương pháp nghiên cứu hiện đại, hai bên có thể đạt được những bước tiến quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, hướng dẫn nhóm thực tập sinh đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội.

Giáo sư Luc Courard, chuyên gia hàng đầu về vật liệu xây dựng phi kim loại, hướng dẫn nhóm thực tập sinh đến từ Đại học Xây dựng Hà Nội.

Với nhiều tiềm năng hợp tác, Đại học ULìege cũng bày tỏ mong muốn mở văn phòng đại diện tại Việt Nam. Ông Pierre Duysinx, Phó Hiệu trưởng ULìege, khẳng định Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong chiến lược hợp tác quốc tế của trường. Hiện nay, Việt Nam là một trong bốn trung tâm hợp tác lớn nhất của Đại học Lìege, với gần 700 sinh viên Việt Nam đã hoàn thành các chương trình sau đại học tại đây. Trong suốt 25 năm qua, trường đã xây dựng được những mối quan hệ khoa học và hợp tác bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển trong tương lai.

Đại học Lìege đã triển khai hơn 100 dự án nghiên cứu quy mô lớn cùng các trường đại học Việt Nam. Đáng chú ý, một số dự án đã được thương mại hóa thông qua các doanh nghiệp và công ty khởi nghiệp, không chỉ thúc đẩy nghiên cứu khoa học mà còn đóng góp trực tiếp vào nền kinh tế và công nghệ của cả hai quốc gia. Hiện tại, ULìege đang có hơn 20 đối tác với khoảng 30 tổ chức Việt Nam trên khắp cả nước, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu như y tế, môi trường, công nghệ, nông nghiệp bền vững, xây dựng bền vững, giao thông và logistics, cũng như giảng dạy tiếng Pháp.

Ông Pierre Duysinx nhấn mạnh mục tiêu của trường là tăng cường trao đổi giữa các giáo sư, sinh viên từ Bỉ và Việt Nam, đồng thời hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Ông cũng đánh giá cao sinh viên Việt Nam bởi sự năng động, nhiệt huyết và tinh thần học hỏi, trong khi sự tận tâm của các giáo sư và mối quan hệ bền chặt giữa hai bên chính là nền tảng để mở rộng hợp tác.

Theo ông Pierre Duysinx, việc thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp Đại học Lìege và các đối tác Việt Nam tăng cường phối hợp, giảm thiểu các thủ tục hành chính và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hợp tác. Điều này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên mà còn góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam.

Hợp tác giữa ULìege và các trường đại học Việt Nam là minh chứng cho mối quan hệ hiệu quả và bền vững giữa hai nước. Những thành quả đạt được không chỉ giúp nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo tại Việt Nam mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho cả hai bên trong tương lai.

Tin, ảnh: Hương Giang (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/hop-tac-giua-dai-hoc-viet-nam-bi-chap-canhcho-nghien-cuu-va-giao-duc-20250331095235846.htm