Hợp tác hạ tầng giao thông Việt-Trung: Bài học và hướng đi mới

Dự án hạ tầng giao thông mới có sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc cần rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, tập trung vào hiệu quả, tránh dàn trải, đội vốn, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay đã tham dự Hội nghị hợp tác Việt Nam - Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông.

Nhiều doanh nghiệp nước này bày tỏ mong muốn đầu tư, triển khai các dự án kết nối giao thông chiến lược Việt - Trung.

Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh nhấn mạnh câu ngạn ngữ "muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường" để nói lên tầm quan trọng của phát triển hạ tầng giao thông.

Những năm qua Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại với các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt cao tốc, cảng biển và sân bay hàng đầu thế giới.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhu cầu vốn phát triển giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng, trải dài trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Đây là thách thức đối với Chính phủ Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia vào các dự án, khuyến khích liên doanh và hợp tác trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển hạ tầng giao thông chiến lược giữa hai nước, không chỉ để tăng cường giao thương mà còn để kết nối Việt Nam và Trung Quốc với khu vực và thế giới.

Thủ tướng cho rằng, kết quả hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giao thông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.

Hai bên chưa triển khai được các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược giao thông lớn, tiêu biểu; đồng thời chưa hoàn thành dứt điểm việc tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án hợp tác cũ. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc tham gia thi công, xây dựng các dự án hạ tầng giao thông chiến lược còn rất khiêm tốn, chưa có doanh nghiệp tham gia theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Cơ chế huy động nguồn lực khó khăn, chưa linh hoạt, hiệu quả, còn nhiều vướng mắc. Khung khổ hợp tác cụ thể giữa hai nước trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng chiến lược giao thông chưa được nghiên cứu đầy đủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc ngày 27/6. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc ngày 27/6. Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tăng cường hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn, công nghệ, và đào tạo nhân lực.

Với mục tiêu kết nối thông suốt các loại hình giao thông gắn với chuyển đổi số và phát triển xanh, Thủ tướng cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nhanh và bền vững các lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm.

Trong đó, phải có các chính sách khuyến khích về thuế, phí, lệ phí, hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng các dự án, đề án, và giải pháp cụ thể về tài chính, công nghệ, quản lý.

Rút kinh nghiệm từ các dự án giao thông trước đây giữa hai nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc điều chỉnh cách làm, đổi mới tư duy và sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện. Những dự án trước đây từng gặp phải tình trạng dàn trải, đội vốn, thiếu minh bạch và hiệu quả thấp.

Để khắc phục, cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt, rõ ràng về người, việc, tiến độ và sản phẩm. Đồng thời, cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn trong các kế hoạch và dự án sắp tới, chống tiêu cực và tham nhũng.

Định hướng hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tập trung vào việc triển khai các dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.

Trong đó, tuyến Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng được ưu tiên triển khai nhanh chóng.

Về đường sắt đô thị, tiếp nối thành công của tuyến Cát Linh - Hà Đông, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc sẽ thúc đẩy mở rộng các đường bay kết nối giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao, và có chính sách khuyến khích du lịch giữa hai nước. Đối với đường bộ, sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án đường bộ kết nối, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc và các cầu đường bộ biên giới.

Nhật Hạ

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hop-tac-ha-tang-giao-thong-viet-trung-bai-hoc-va-huong-di-moi-1719482160764.htm