Hợp tác Hải quan trong ASEAN góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại
Nhân dịp Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, với vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN, Tổng cục Hải quan giới thiệu về cơ chế hợp tác hải quan ASEAN.
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, với vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025, Hải quan Việt Nam đăng cai từ ngày 4-6/6/2024 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
Hải quan Việt Nam mong muốn và hy vọng với sự đóng góp trong phạm vi, khả năng của mình, cùng các nước hướng đến một mục tiêu chung trong tiến trình hội nhập của Hải quan ASEAN, góp phần vào xây dựng một Cộng đồng Kinh tế ASEAN thịnh vượng, bền vững, hiện thực hóa tầm nhìn của ASEAN về “Một khu vực phát triển và thịnh vượng cho tất cả người dân”, “Một ASEAN-Một bản sắc-Một tầm nhìn”. Đây là lần thứ tư Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị ADGCM…
Hải quan ASEAN là một phần không thể thiếu trong việc thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), theo đó ASEAN là một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất với sự phát triển kinh tế công bằng và được tích hợp hoàn toàn vào nền kinh tế toàn cầu.
Khi các Lãnh đạo ASEAN thực hiện bước tiến lịch sử hướng tới hội nhập khu vực tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 9 ở Bali, Indonesia vào ngày 7 tháng 10 năm 2003, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN (ADGCM) đã được tái cấu trúc cơ cấu làm việc của mình để tăng cường các sắp xếp thể chế cho hội nhập và hiện đại hóa hải quan. Hội nghị ADGCM là cơ quan hoạch định chính sách hải quan trong ASEAN, theo đó ADGCM cung cấp hướng dẫn và chỉ đạo cho các cơ quan công tác hải quan. Hội nghị ADGCM có trách nhiệm báo cáo lên Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM)...
Đối với Việt Nam, khi tham gia Hiệp định Hải quan ASEAN, ngoài nghĩa vụ thực hiện đầy đủ các cam kết nêu trong Hiệp định, Việt Nam sẽ có quyền có quyền hưởng những lợi ích nhất định từ các bên ký kết đã phê duyệt Hiệp định như được nhận sự hỗ trợ hành chính tối đa (trong đó có trao đổi thông tin và tình báo) để nhằm ngăn chặn, điều tra và trấn áp các vi phạm liên quan đến hải quan; hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu, quá cảnh, chuyển tải qua lãnh thổ của các bên ký kết sẽ nhận được sự tạo thuận lợi nhiều nhất có thể nhờ việc áp dụng các cam kết cụ thể của Hiệp định như đơn giản hóa thủ tục hải quan và quy định kiểm soát hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, quyết định trước, công nhận lẫn nhau Chương trình Doanh nghiệp ưu tiên (AEO), quản lý biên giới phối hợp…
Tại hội nghị hàng năm, người đứng đầu các cơ quan Hải quan ASEAN cho ý kiến đối với những thành tựu và tiến bộ đạt được về việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan (SPCD) trong các giai đoạn khác nhau và thực hiện Cơ chế Một cửa ASEAN của các nhóm công tác và cơ quan sau: Ủy ban Điều phối Hải quan ASEAN; Nhóm Công tác về Thủ tục Hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại; Nhóm Công tác Thực thi và Tuân thủ Hải quan; Nhóm Công tác Nâng cao năng lực hải quan (CCBWG); và Ban Chỉ đạo Cơ chế Một cửa ASEAN (ASWSC).
Để tăng cường hợp tác hải quan với hải quan, các phiên tham vấn với các Đối tác Đối thoại của ASEAN, cụ thể: Hải quan Trung Quốc, Hải quan Nhật Bản, Hải quan Hàn Quốc, Hải quan Úc, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO), là một phần trong chương trình nghị sự của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN và Ủy ban Điều phối về Hải quan. Cũng theo cách tương tự, Hải quan ASEAN thừa nhận tầm quan trọng của quan hệ đối tác hải quan với doanh nghiệp trong khu vực và việc kết nối với khu vực tư nhân (Hội đồng Tư vấn và Kinh doanh ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, Hội đồng Kinh doanh Liên minh châu Âu (EU)-ASEAN và các cơ chế hợp tác khác) cũng được tổ chức trong khuôn khổ các Hội nghị của Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN và Ủy ban Điều phối về Hải quan.
Dưới đây là các hướng chiến lược Hải quan cho giai đoạn 2016-2025 được phản ánh trong tài liệu Hướng dẫn chung đối với các Hoạt động Hải quan tổng thể cho giai đoạn 10 năm (2016-2025) và được thiết lập phù hợp với các cam kết của ASEAN theo Hiệp định ASEAN về Hải quan (2012) và Kế hoạch Xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025, cụ thể:
Thứ nhất, tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Hải quan ASEAN để chống lại tội phạm xuyên quốc gia và buôn bán bất hợp pháp, ví dụ như thông qua việc chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và trao đổi thông tin, tuân thủ luật pháp và quy định trong nước.
Thứ hai, thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại bằng cách hợp lý hóa và đơn giản hóa các thủ tục tại biên giới, ví dụ như thông qua việc triển khai đầy đủ Cơ chế Một cửa ASEAN để tạo điều kiện trao đổi tài liệu xuyên biên giới cũng như thúc đẩy việc thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO);
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xác định trị giá và phân loại hải quan thông qua việc chia sẻ kiến thức và thực tiễn tốt nhất giữa các công chức hải quan ASEAN;
Thứ tư, thúc đẩy quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng doanh nghiệp;
Thứ năm, thúc đẩy kết nối ASEAN thông qua việc triển khai Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN (ACTS) dọc theo Hành lang Bắc-Nam và Đông-Tây;
Cuối cùng, thúc đẩy hiện đại hóa hải quan hiệu quả hơn bằng cách mở rộng xây dựng năng lực, chia sẻ kiến thức liên quan đến cấu trúc hải quan hiện đại để đáp ứng môi trường thương mại quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.