Hợp tác kinh tế là trụ cột chính của quan hệ Việt - Nhật
Sau 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Nhật Bản đang trong giai đoạn tốt đẹp và mật thiết nhất trong lịch sử, đơm hoa kết trái, đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước luôn coi nhau là đối tác tin cậy, gắn bó chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, du lịch, hợp tác nguồn nhân lực... Trong đó, hợp tác kinh tế là điểm sáng với rất nhiều thành tựu nổi bật. Nhật Bản hiện là nhà cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam (khoảng 30 tỷ USD), là nhà đầu tư thứ 3 và thương mại thứ 4 của Việt Nam.
Trong các nhà tài trợ song phương cho Việt Nam từ 1995 đến nay, Nhật Bản là nước cung cấp vốn vay bằng đồng Yên cho Việt Nam lớn nhất, tổng giá trị vay tính đến hết năm tài khóa 2020 là 2.812,8 tỷ Yên (tương đương 27,5 tỷ USD), chiếm hơn 26% tổng vốn ký kết vay nước ngoài của Chính phủ). Hết năm 2023, triển vọng giá trị vốn vay bằng đồng Yên có thể lần đầu vượt 100 tỷ Yên từ năm tài khóa 2017, tập trung vào giao thông, năng lượng, cơ sở hạ tầng đô thị - là 3 lĩnh vực đột phá trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Bên cạnh đó, vốn ODA của Nhật Bản còn hỗ trợ cho Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực; xây dựng thể chế, chính sách pháp luật. Khi Covid-19 bùng nổ, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên viện trợ vaccine cho Việt Nam.
Về đầu tư FDI, Nhật Bản đứng thứ 3/143 các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, FDI của Nhật Bản vào Việt Nam lũy kế tính đến 20/9/2023, đạt 71,3 tỷ USD với 5198 dự án còn hiệu lực,. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 2,9 tỷ USD, tăng 50 % so với cùng kỳ 2022.
Một trong những doanh nghiệp đặt chân đến Việt Nam từ rất sớm là Acecook. Năm 1993, họ mang đến hai lời hứa: phát triển ngành hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm mang văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Sau những doanh nghiệp đầu tiên tới Việt Nam như Acecook, năm 2008, vốn Nhật mới được tăng tốc đổ vào Việt Nam. Tháng 12/2008, Việt - Nhật ký Hiệp định Đối tác kinh tế song phương (VJEPA), cũng là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó, hai nước dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với với Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã tăng cường mở rộng sản xuất tại Việt Nam, tin tưởng vào triển vọng cải thiện lợi nhuận và rót vốn đầu tư. Theo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hiện có khoảng hơn 2.000 công ty Nhật Bản tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, một nửa trong số đó hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, tạo ra một lượng lớn việc làm tại địa phương và thu hút nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Trước nhu cầu cơ sở hạ tầng và thị trường tiêu dùng sôi động của Việt Nam, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng quan tâm đến việc đầu tư vào các lĩnh vực như: Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển năng lượng tái tạo… Đây cũng là những ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là điểm đến phát triển kinh doanh hứa hẹn nhất trong ASEAN đối với các công ty Nhật Bản. Hơn 60% công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong hai năm tới.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Do hàng hóa có tính chất bổ trợ, không cạnh tranh trực tiếp, Nhật Bản được xem là thị trường xuất khẩu tiềm năng. Việt Nam chủ yếu xuất sang thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện, dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép.
Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 10, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 37 tỷ USD. Với kết quả này, Nhật Bản tiếp tục duy trì là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 19,223 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6,6% kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hết tháng 10/2023, có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, dẫn đầu là dệt may với hơn 3,3 tỷ USD, tăng nhẹ khoảng 18 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 2,42 tỷ USD là nhóm hàng đứng thứ hai, đây là nhóm hàng chủ lực có tăng trưởng cao gần 18%. Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ ba với kim ngạch 2,27 tỷ USD giảm khoảng 30 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiều ngược lại, nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 17,743 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng chiếm 6,6% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất với 5,92 tỷ USD, giảm hơn 100 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Trên cơ sở những thành tựu nổi bật của quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực trong 50 năm qua, trong đó trụ cột chính là hợp tác kinh tế, cùng với tiềm năng hợp tác rộng mở và sự tin tưởng vững chắc vào tương lai tốt đẹp của quan hệ hai nước, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida đã nhất trí ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên “Đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” tại cuộc hội đàm vào ngày 27/11/2023. Qua đó khẳng định mong muốn của hai nước cùng thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực lên tầm cao mới và mở rộng sang những lĩnh vực hợp tác mới. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra chương mới trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới./.