Hợp tác quốc tế hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị bền vững từ nông, lâm nghiệp
Giai đoạn 2021-2026, tỉnh Sơn La là một trong 7 tỉnh cả nước được Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ triển khai Dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam (VFBC). Dự án đã hỗ trợ xây dựng các chuỗi giá trị bền vững từ nông, lâm nghiệp; xây dựng mới và mở rộng quan hệ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa DN, HTX với các hộ dân, từng bước nâng cao thu nhập, sinh kế cho người dân và góp phần quản lý tài nguyên rừng, giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững.
giới thiệu tại Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án VFBC với doanh nghiệp, HTX của tỉnh.
Hiện nay, Dự án VFBC đã ký thỏa thuận hợp tác với HTX nông nghiệp Nà Ngà, HTX hoa quả Quyết Tâm xây dựng 2 mô hình giá trị cây ăn quả bền vững; thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Tre Sơn La xây dựng mô hình chuỗi giá trị mây, tre, lá thủ công mỹ nghệ. Đây là những doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất theo định hướng an toàn, bảo vệ môi trường, cần hỗ trợ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động địa phương, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu trong năm nay, Dự án sẽ phối hợp với các HTX, doanh nghiệp triển khai tổ chức tập huấn cho gần 800 lượt người; tăng cường năng lực cho 7 tổ chức HTX, tổ hợp tác; 540 người được hưởng lợi từ các hoạt động sinh kế, chuỗi giá trị và trồng rừng…
HTX Nông nghiệp Nà Ngà, xã Chiềng Hặc, huyện Yên Châu, là một trong những HTX đã thỏa thuận hợp tác tham gia Dự án VFBC. Năm 2018, HTX Nông nghiệp Nà Ngà thành lập và chính thức đi vào hoạt động, với 8 thành viên, sản xuất 40 ha cây ăn quả trên đất đốc, trong đó 17 ha đã được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP. HTX hiện đang liên kết với 7 hộ dân địa phương, tư vấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bao tiêu, thu mua sản phẩm cho các hộ.
Bà Quàng Thị Lả, Giám đốc HTX, cho biết: Với mục tiêu xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa HTX với 60 hộ dân địa phương, xây dựng vùng sản xuất an toàn 120 ha theo tiêu chuẩn VietGAP và đẩy mạnh chế biến, đa dạng các sản phẩm. HTX đang phối hợp với Ban quản lý Dự án VFBC triển khai tổ chức tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả, bảo quản quả tươi sau thu hái; tập huấn thực hiện kỹ thuật ủ phân hữu cơ, thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ. Đồng thời, chuyển giao công nghệ chế biến, kết nối thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và hỗ trợ một số máy móc thiết yếu phục vụ sản xuất, bao bì, nhãn mác sản phẩm. Hiện, HTX đã đầu tư xây dựng nhà sấy năng lượng mặt trời rộng 64 m2. HTX đang nghiên cứu, phát triển các sản phẩm hoa quả sấy, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và đăng ký sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.
Phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, Công ty cổ phần Tập đoàn Tre Sơn La, tổ 1, phường Chiềng Lề, Thành phố hiện có nhiều sản phẩm tre đa dạng, phong phú, như: Ống hút tre, cốc tre, bộ dao thìa dĩa tre… Trong đó, sản phẩm ống hút tre Gia Phát đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Công ty đang liên kết, thu mua nguyên liệu của hàng nghìn hộ dân có rừng trên địa bàn tỉnh, tạo sinh kế, thu nhập từ khai thác tre rừng tự nhiên. Đồng thời, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động địa phương làm việc tại các xưởng sản xuất tre, với thu nhập từ 6 triệu đồng/tháng trở lên.
Ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty, chia sẻ: Đến tháng 6/2023, mục tiêu của Công ty sẽ hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất các sản phẩm tre xuất khẩu tại Khu công nghiệp Mai Sơn, công suất dự kiến 9.000 tấn bột giấy/năm. Phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng sản xuất, Công ty dự kiến liên kết với khoảng 6.000 hộ dân của các huyện: Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Yên Châu và Vân Hồ thực hiện trồng mới 12.000 ha tre. Hiện nay, Công ty đang phối hợp với Dự án VFBC xây dựng kế hoạch, trong tháng 8/2022, sẽ tổ chức tập huấn về sản xuất, chế biến măng, hướng dẫn kỹ thuật đan lát thủ công từ mây tre đan cho gần 300 hộ dân, thành viên HTX huyện Mai Sơn.
Chứng kiến Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án VFBC với doanh nghiệp, HTX của tỉnh, đồng chí Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đánh giá: Hoạt động của Dự án phù hợp với chủ trương định hướng phát triển ngành nông lâm nghiệp bền vững của tỉnh, giúp địa phương chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải thấp và tăng trưởng xanh thông qua việc hỗ trợ nâng cấp các chuỗi giá trị cây ăn quả và lâm sản ngoài gỗ gắn với quản lý rừng bền vững. Sở NN&PTNT sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các bên triển khai Dự án hiệu quả, thành công.
Việc triển khai Dự án VFBC đã hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX xây dựng các chuỗi giá trị nông, lâm nghiệp bền vững, bảo vệ rừng, giảm phát thải nhà kính. Đồng thời, nâng cao thu nhập, ổn định sinh kế cho người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, bền vững.