Hợp tác xã Đa Phúc 'thắp sáng' kinh tế xanh và chuyển đổi số vùng ven đô
Từng là vùng ven đô mang dáng dấp thuần nông, xã Quốc Oai (trước đây là xã Sài Sơn, Hà Nội) hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới, định hình một nông thôn mới phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững.
Định hình bản sắc giữa làn sóng đô thị hóa
Cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 30 km, xã Quốc Oai (trước đây là Sài Sơn) từng được biết đến như một vùng quê bình dị, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông. Tuy nhiên trong gần một thập kỷ trở lại đây, diện mạo nơi đây đã thay đổi rõ nét nhờ vị trí nằm trong vùng quy hoạch Hòa Lạc - Quốc Oai - Xuân Mai và chính sách phát triển vùng ven đô của Thành phố.
Quốc Oai đã tận dụng tốt các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy hạ tầng, nâng cao chất lượng sống và từng bước định hình các mô hình kinh tế hiện đại. Năm 2015, xã chính thức đạt chuẩn nông thôn mới. Thời gian sau đó,, Quốc Oai tiếp tục duy trì quyết tâm đổi mới với các mục tiêu cao hơn.
Đến cuối năm 2023, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, với thu nhập bình quân đầu người đạt 71,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1 hộ, 100% tuyến đường trục xã được nhựa hóa, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch và có bảo hiểm y tế.

Đoàn viên thanh niên xã Quốc Oai vẽ tranh tường tạo cảnh quan sạch đẹp. Ảnh: Bích Liên
Đằng sau những con số ấy là một hành trình dài của nỗ lực chính quyền, sự đồng lòng của người dân và đặc biệt là sự góp sức âm thầm nhưng bền bỉ của các hợp tác xã, những “trụ cột” mới trong nền nông nghiệp hiện đại.
Một trong những mô hình tiêu biểu nhất chính là Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ Đa Phúc. Với hơn 600 thành viên, Hợp tác xã không chỉ tổ chức sản xuất nông nghiệp mà còn mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực thiết yếu như điện nông thôn, khuyến nông, vệ sinh môi trường và đặc biệt là chuyển đổi số.
Hợp tác xã được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện Luật Hợp tác xã 2012, đồng thời tiên phong tích hợp dịch vụ dân sinh với sản xuất kinh doanh. Sự hỗ trợ từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Hà Nội giúp Hợp tác xã tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi và công nghệ tiên tiến.
Ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất, Hợp tác xã còn đảm nhận nhiều dịch vụ công ích như lắp đặt 7 trạm điện, vận hành hệ thống 7.000 camera an ninh, quản lý dữ liệu tiêu dùng và đảm bảo an sinh cho lao động thông qua việc đóng bảo hiểm xã hội, y tế.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: “Chúng tôi xác định rõ, bên cạnh sản xuất, hợp tác xã còn là nơi chăm lo đời sống cho cộng đồng, từ điện sáng, nước sạch, bảo hiểm y tế đến cả môi trường sống. Tư duy phục vụ dân sinh thay vì chỉ tổ chức sản xuất đã giúp Hợp tác xã trở thành một mô hình đa năng, có chiều sâu phát triển và được người dân đồng thuận, tin tưởng. Đây cũng là nền tảng để Hợp tác xã khẳng định vai trò trung tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại Quốc Oai”.
Bứt phá nhờ chuyển đổi số
Trong bối cảnh nhiều hợp tác xã vùng nông thôn còn loay hoay với công tác quản trị, thì Hợp tác xã Đa Phúc đã chủ động đầu tư phần mềm quản lý điện năng, thiết lập hệ thống dữ liệu khách hàng và liên kết với ngân hàng để thực hiện thanh toán không tiền mặt.
“Khoảng 80% khách hàng hiện nay sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu, thanh toán tiền điện, phản ánh dịch vụ. Còn lại khách hàng chưa quen giao dịch số, chủ yếu là người cao tuổi. Người dân trong Hợp tác xã vẫn kiên trì đến tận nhà hướng dẫn, có khi nhờ con cháu hỗ trợ. Mục tiêu đến cuối năm nay sẽ đạt 97 - 98% người dân chuyển sang giao dịch điện tử”, ông Hưng cho biết.
Khác với mô hình hợp tác xã truyền thống chỉ tập trung vào sản xuất, Hợp tác xã Đa Phúc dành tới 40% quỹ đầu tư hằng năm cho công tác môi trường và hạ tầng dân sinh. Nguồn lực này được dùng để nạo vét mương thoát nước, xử lý rác thải, cải tạo hệ thống điện lưới, đảm bảo an toàn và mỹ quan khu dân cư.
Đặc biệt, Hợp tác xã đã chủ động nâng cấp dây điện từ 70mm lên 120mm, giải quyết tình trạng quá tải và “mạng nhện” dây viễn thông trước đây. Giai đoạn 2027 - 2030, Hợp tác xã dự kiến đầu tư gần 3 tỷ đồng để đưa dây điện đi ngầm tại khu vực chùa Thầy và hồ Long Trì, đây là những điểm trọng yếu trong chiến lược phát triển du lịch tâm linh và nông nghiệp sạch.
Hợp tác xã Đa Phúc cũng đang tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển bài bản theo từng giai đoạn 5 năm, với tầm nhìn kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp dịch vụ cộng đồng và xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, hướng đến sự phát triển bền vững.
Ban lãnh đạo Hợp tác xã không ngừng nâng cao năng lực quản trị thông qua việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình hợp tác xã tiên tiến tại Hà Nội và nhiều địa phương khác.
“Sự học không bao giờ dừng lại, nhất là với kinh tế tập thể, nơi cần sự sáng tạo và uy tín làm đầu. Chúng tôi luôn mong muốn được kết nối, chia sẻ và cùng phát triển với các hợp tác xã trên cả nước”, Giám đốc Nguyễn Văn Hưng chia sẻ.
Từ một hợp tác xã thuần nông, phục vụ sản xuất nhỏ lẻ, Hợp tác xã Đa Phúc giờ đây đã trở thành trung tâm dịch vụ tổng hợp hiện đại, gắn kết chặt chẽ giữa người dân, chính quyền, doanh nghiệp và công nghệ. Đây cũng là lý do Hợp tác xã được kỳ vọng trở thành hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phù hợp với tinh thần đổi mới của Luật Hợp tác xã và định hướng phát triển vùng ven đô Hà Nội.