Việt Nam cần làm gì để phát triển logistics xanh?
Logistics, vận tải là lĩnh vực phát thải lớn, đặc biệt ngành vận tải biển đang sử dụng và tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu, nên áp lực xanh hóa rất rõ ràng. Phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Logistics xanh giảm phát thải
Ngày 11/7, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam VLA tổ chức "Diễn đàn logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025".
Tại diễn đàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là tất yếu, xu thế chung không thể đảo ngược trên toàn cầu hiện nay.

Diễn đàn logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025.
Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hóa” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội.
“Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành liên quan trong bản chiến lược này.
“Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.
Logistics, vận tải là lĩnh vực phát thải lớn, đặc biệt ngành vận tải biển đang sử dụng và tiêu thụ lượng lớn nhiên liệu, nên áp lực xanh hóa rất rõ ràng.
Theo yêu cầu của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), nhiên liệu sử dụng phải góp phần giảm phát thải carbon, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để hiện thực mục tiêu này, cơ quan quản lý và các doanh nghiệp phải chung tay. Ban đầu khuyến nghị, sau đến bắt buộc các doanh nghiệp giảm tỷ lệ phát thải, nhất là các doanh nghiệp lớn như các hãng tàu. Tiếp đến, đưa ra lộ trình chuyển đổi, đầu tư công nghệ và nguồn năng lượng phù hợp.
Để thúc đẩy nhanh logistics xanh, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Nhà nước thực hiện vai trò kiến tạo đưa ra định hướng, những chỉ đạo quan trọng.
Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải, đặt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh.
Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025 đến năm 2035. Trong đó, nhấn mạnh phát triển bền vững, xanh hóa kho bãi, vận tải, giao nhận…
Cục Hàng hải và Đường thủy (Bộ Xây dựng) đã có phương án xây dựng, báo cáo Thường trực Chính phủ cũng như khuyến nghị doanh nghiệp chuyển đổi nhiên liệu phù hợp, đổi mới nâng cấp đội tàu.
Ông Phạm Tấn Công cho biết, đặt mục tiêu rõ ràng về giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam đang xây dựng nền tảng chính sách vững chắc, thúc đẩy vận tải đa phương thức, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch hơn và công nghệ số.
Để chuyển đổi năng lượng xanh, ông Hải nhấn mạnh: Các phương tiện vận chuyển phải sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thủy, đường sắt có năng lượng vận tải lớn. Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa quy trình thông qua việc vận tải quy mô lớn hơn, giảm chạy rỗng, xây dựng kho, cảng thông minh.
Phát triển hạ tầng cảng biển, kết nối xuyên biên giới
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch VLA, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Chủ tịch Macstar Group cho biết: Là cửa ngõ thông quan ở khu vực phía Bắc, Hải Phòng là một trong ít cảng duy trì được hàng hóa thông quan tăng trưởng trên 10%.
Thời gian tới, với việc đầu tư hạ tầng cảng biển, Hải Phòng có cơ hội đón nhận những tuyến tàu chạy trực tiếp đi đến các thị trường Bắc Âu, Địa Trung Hải.

Sử dụng nhiên liệu sạch góp phần giảm phát thải carbon, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải.
Theo ông Dũng, bên cạnh cơ hội, doanh nghiệp logistics đối mặt với một số thách thức như vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn 98-99%, trong khi vận tải đường biển ở khu vực phía Bắc có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
Nhận thức được vấn đề này, tại Macstar Group, từ năm 2023 đã lập nhóm vận tải đường thủy nội địa, vận tải ven biển và chạy thử nghiệm kết nối Hải Phòng - Ninh Bình bằng tàu thủy nội địa. Sau đó, đã đầu tư lắp đặt tàu thủy có trọng lượng lớn tiên phong qua "kênh đào Panama Việt Nam" tiết kiệm được một nửa thời gian, sức chở lớn hơn.
"Chúng tôi đang phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư tàu lớn hơn, sức chở tốt hơn, tiết giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp và giảm phát thải carbon. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu mới thân thiện với môi trường hơn như pin sạc từ năng lượng mặt trời, hydogen xanh...
Để việc nghiên cứu đạt hiệu quả ứng dụng cao, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại nhiên liệu mới, hướng dẫn cho phép các doanh nghiệp tiên phong áp dụng công nghệ, máy móc phù hợp với các loại nhiên liệu mới, thân thiện với môi trường", ông Dũng thông tin.
Ông Yap Kwong Weng, CEO Vietnam SuperPort, cho rằng điều cốt lõi hiện nay là cần thúc đẩy mô hình logistics tích hợp đa phương thức, song song với việc xây dựng hành lang chính sách và tài chính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi chuyển đổi một cách thực chất.
Vietnam SuperPort đang triển khai một mô hình mới tại Việt Nam, tích hợp nhà ga hàng hóa hàng không, kho ngoại quan, kho thường và các giải pháp giao thông kết nối xuyên biên giới. Theo ông Yap, đây là mô hình chưa phổ biến trong khu vực nhưng có tiềm năng tạo ra "lợi thế cơ cấu" cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế.
"Chúng tôi không đi theo hướng khu công nghiệp đại trà, mà tập trung vào tối ưu hóa tài sản hiện hữu để tăng hiệu suất vận hành.
Ví dụ, nếu khách hàng cần vận chuyển hàng bằng đường hàng không, hàng hóa có thể được đưa trực tiếp từ kho đến máy bay nếu quy định cho phép", ông Yap Kwong Weng chia sẻ.
Ngoài ra, hệ thống cũng hướng tới kết nối xuyên quốc gia, với các tuyến vận tải chạy từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng, tạo ra lợi thế chiến lược trong mạng lưới khu vực.