Hợp tác xã Tùng Dương giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn
Thời gian qua, Hợp tác xã Dịch vụ và Phát triển nông lâm nghiệp nông thôn Tùng Dương, xã Mỹ Hòa, huyện Tân Lạc (HTX Tùng Dương) triển khai hiệu quả mô hình 'Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp', góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Người dân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) nâng cao thu nhập từ mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Ông Đinh Long Dương, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX hiện có 30 thành viên, trong đó 25 thành viên trong hệ thống và 5 thành viên liên kết. HTX thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao hơn; chú trọng phát triển vùng nguyên liệu xuất khẩu, đặc biệt là vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Đồng thời, tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của HTX và các hộ dân tham gia hợp tác. HTX đã xây dựng mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” từ năm 2019.
Đến nay, HTX Tùng Dương đã xây dựng thành công 3 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với với các đối tác. Trong đó có "Chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối”. Nắm bắt nhu cầu thị trường, với sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc, vụ ngô 2019 - 2020, HTX đã ký kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối với Công ty T&T 159. Diện tích sản xuất thí điểm ở vụ ngô này là 16 ha tại xã Mỹ Hòa. Kết quả, tổng sản lượng đã đạt 560 tấn/vụ, tổng doanh thu đạt 672 triệu đồng; trung bình đạt 42 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả kinh tế tăng 1,5 lần so với trồng ngô truyền thống nhưng thời gia thu hoạch giảm 1/3. Sản phẩm của HTX đã được các công ty chăn nuôi và các trại bò trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận biết đến.
Từ sự thành công của mô hình, từ năm 2021 đến nay, HTX đã ký hợp đồng cung ứng tiêu thụ sản phẩm ngô sinh khối thường xuyên với Công ty T&T 159; Công ty Cổ phần Fai Group Lạc Thủy; Công ty Cổ phần Bò sữa Mộc Châu - Sơn La… Năm 2021 đã sản xuất, tiêu thụ trên 3.000 tấn, doanh thu đạt 3 tỷ đồng; năm 2022 sản xuất, tiêu thụ trên 4.500 tấn, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng và 6 tháng năm 2023 sản xuất, tiêu thụ trên 1.300 tấn, doanh thu đạt trên 1,2 tỷ đồng. Mô hình tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho các hộ tham gia vào chuỗi liên kết.
Đối với chuỗi liên kết sản xuất mía, năm 2022, HTX ký hợp đồng với Công ty TNHH Tiến Ngân và Công ty Cổ phần Nông nghiệp hữu cơ FUSA xuất khẩu 49 tấn mía trắng đã qua sơ chế sang thị trường EU. Năm 2023, HTX xây dựng vùng nguyên liệu với quy mô khoảng 20 ha. Được sự hỗ trợ của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ thông tin tỉnh, HTX xây dựng 2 vùng bảo tồn gen mía tím và mía trắng F1-34 bằng phương pháp nuôi cấy mô. Đến năm 2023 có 15 ha mía giống F1 cho vùng nguyên liệu 150 ha của huyện Tân Lạc.
Với những kết quả đã đạt được, năm 2020 HTX được Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh tặng giấy khen và đạt danh hiệu HTX điển hình tiên tiến cấp tỉnh. Năm 2021, HTX được tặng giấy khen của Sở NN&PTNT với thành tích xuất sắc trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trồng trọt. Đặc biệt, với việc triển khai thực hiện thành công mô hình "Chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, đặc biệt là chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối đã giúp hàng trăm hộ dân chuyển từ ngô lấy hạt sang ngô sinh khối đem lại doanh thu 3 - 4 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt từ 2 - 3 tỷ đồng. Mô hình của HTX đã góp phần bảo tồn gen mía tím, mía trắng F1-34 và cung cấp giống chất lượng cao cho vùng mía nguyên liệu xuất khẩu của huyện Tân Lạc nói riêng và tỉnh nói chung. Từ đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng/tháng cho hàng trăm lao động, trong đó lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm 30%. Hiện nay, chuỗi cung ứng liên kết sản xuất và tiêu thụ ngô sinh khối đã lan tỏa ra các huyện Cao Phong 100 ha, Lạc Sơn 40 ha, Yên Thủy 28 ha, Kim Bôi 10 ha,.. góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh.