Hợp tác xã Vanpa - Mô hình kinh tế tập thể hiệu quả ở miền núi
Được thành lập năm 2017 tại Thôn 5, xã Hải Phúc, hoạt động trong lĩnh vực trồng cây dược liệu và chưng cất tinh dầu, Hợp tác xã (HTX) Vanpa là mô hình kinh tế HTX đầu tiên của huyện Đakrông. Mặc dù thời gian hoạt động chưa dài, nhưng những kết quả đạt được của HTX Vanpa đã cho thấy đây là hướng đi phù hợp với điều kiện của vùng miền núi, góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Trao đổi với chúng tôi về ý tưởng thành lập HTX Vanpa, anh Đoàn Văn Linh, Giám đốc HTX Vanpa cho biết, trong quá trình sinh sống và làm việc tại huyện Đakrông, nhận thấy ở đây mặc dù khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn nhưng lại phù hợp cho các loại cây dược liệu phát triển với chất lượng cao, chiết xuất ra tinh dầu có hàm lượng tốt. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế này, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2017, anh đã đứng ra thành lập HTX Vanpa tại Thôn 5, xã Hải Phúc, huyện Đakrông với 24 thành viên, trong đó có 20 thành viên là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, hướng vào sản xuất, kinh doanh phát triển cây dược liệu có giá trị cao; sản xuất nguyên liệu và gia công chế biến tinh dầu nguyên chất, các sản phẩm từ tinh dầu phục vụ thị trường dược liệu trong và ngoài nước.
Ngay sau khi thành lập HTX Vanpa đã lựa chọn trồng thí điểm cây sả để chiết xuất tinh dầu. Trong đó, xã viên chịu trách nhiệm trồng, chăm sóc, bảo vệ và thu hoạch sả, còn Ban quản trị HTX điều hành các khâu san ủi mặt bằng, làm đất, cung cấp giống và phân bón vi sinh sản xuất cây sả hữu cơ thương phẩm trên diện tích 10 ha theo quy trình tiêu chuẩn của Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam. Lá sả tươi được HTX thu mua với giá 1.000 đồng/kg; bình quân 1 ha trồng sả mỗi năm thu hoạch cắt lá sả từ 4 - 5 lượt với sản lượng khoảng 40 - 50 tấn lá sả, cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/ha/năm.
Theo anh Linh, với chi phí ban đầu trồng 1 ha cây sả chỉ khoảng 35 triệu đồng, trong khi chu kỳ khai thác dài từ 3 - 7 năm tùy theo từng loại đất. Như vậy, ngay trong năm đầu tiên thu hoạch, sau khi trừ chi phí đầu tư người dân đã có lãi. Các năm sau không tốn chi phí kiến thiết cơ bản thì phần lãi ròng của nông dân càng nhiều hơn. “Do mô hình này bước đầu có hiệu quả kinh tế nên đã thu hút thêm nhiều hộ tham gia trồng dược liệu. Đến nay HTX đã liên kết tới 55 hộ trồng 4 loại cây chính là sả, hương nhu, gừng và nghệ với tổng diện tích gần 35 ha tại 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa. Ngoài ra còn có 5 hộ thuộc xã Gio Hòa, huyện Gio Linh cũng tham gia liên kết trồng 7 ha”, anh Linh cho hay.
Theo anh Linh, HTX Vanpa vẫn hay được người dân gọi là “HTX đồng bào” bởi Vanpa là tên viết tắt giữa 2 từ Vân Kiều và Pa Kô, 2 dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Tây Quảng Trị. Thông qua HTX Vanpa, anh có tham vọng tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô tham gia mô hình kinh tế tập thể, phát triển các tổ hợp tác trồng cây dược liệu vệ tinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây của tỉnh, cùng chia sẻ lợi ích kinh tế với HTX. Đặc biệt, với việc tham gia vào HTX, lần đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ hộ gia đình chuyển sang hình thức hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất với quy mô lớn. Anh Linh cho biết, qua nghiên cứu anh nhận thấy do thời tiết khắc nghiệt nên vùng nguyên liệu mặc dù năng suất, sản lượng không cao như các vùng khác nhưng cây dược liệu trồng tại đây cực kỳ đậm mùi, hương thơm nồng đậm khác biệt hơn; hàm lượng tinh dầu được chiết xuất từ vùng nguyên liệu này luôn đứng đầu so với các địa phương khác. Anh Linh dẫn chứng, ban đầu khi đưa vào trồng thí điểm cây sả để chiết xuất tinh dầu sả; khi đưa sản phẩm đi giới thiệu, hầu hết các đơn vị sản xuất dược liệu đều bất ngờ vì hương thơm đậm nồng của tinh dầu sả nguyên chất Quảng Trị, rất phù hợp để sản xuất dược liệu y học.
Hiện nay HTX Vanpa đang trồng 4 loại cây chính là sả, hương nhu, gừng và nghệ theo hướng HTX cung cấp miễn phí cây giống và hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch… cho người dân trong liên kết sản xuất; người dân dùng diện tích đất trồng của mình để làm đối ứng, tự chăm sóc bảo quản cây dược liệu rồi bán lại sản phẩm cho HTX. Để chủ động nguồn cây giống, HTX có vườn ươm cây giống đầu tiên trên địa bàn tỉnh và đang thử nghiệm thêm nhiều cây dược liệu khác để xem khả năng phù hợp với vùng. Các cây dược liệu thu mua được HTX Vanpa chưng cất tinh dầu bằng phương pháp truyền thống. Nguyên liệu được đưa vào nồi đun bằng củi than và điện rồi ngưng tụ tách tinh dầu nguyên chất qua hỗn hợp thành phẩm bay hơi.
Đến nay HTX đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm như tinh dầu sả chanh, tinh dầu hương nhu, tinh dầu nghệ, tinh dầu gừng, tinh dầu tràm… Mỗi loại sản phẩm đều mang mùi hương nồng đậm riêng của từng dược liệu và có các lợi ích cho chữa bệnh, tạo ra mùi thơm quyến rũ, xua đuổi côn trùng và thanh lọc cho không gian của gia đình. “Nguyên tắc phát triển của HTX Vanpa là tập trung phát triển vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, an toàn để cung cấp cho cơ sở chưng cất tinh dầu, điều này giúp chúng tôi làm chủ hoàn toàn chất lượng sản phẩm của mình. Nên tinh dầu Vanpa tự hào là loại tinh dầu uống được khi pha cùng nước ấm”, anh Linh khẳng định.
Ông Hồ Văn Thương ở tại Thôn 5, xã Hải Phúc cho biết, trước đây người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chủ yếu sống nhờ vào rừng và vài sào lúa rẫy, lúa nước. Đất đai có sẵn nhưng khô cằn nên không biết trồng gì, đành bỏ hoang. Từ ngày tham gia vào HTX Vanpa, ông và các xã viên được hướng dẫn trồng sả, trồng gừng, cách chưng cất tinh dầu…; sản phẩm làm ra được HTX thu mua nên người dân đã có thu nhập khá, cuộc sống được cải thiện. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Hải Phúc Hồ Xuân Hoàng đánh giá rất cao hiệu quả mang lại từ mô hình HTX kiểu mới mà HTX Vanpa mang lại cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã. Đặc biệt là khi tham gia vào HTX, các xã viên được tiếp cận với phương thức sản xuất thương mại quy mô lớn theo chuỗi giá trị, trong đó các xã viên đóng góp ngày công và được chia thu nhập.
Theo ông Hoàng, trước đây người dân trên địa bàn xã chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ theo quy mô hộ gia đình, tự cấp tự túc, không có liên kết, hợp tác làm ăn; sản phẩm nông sản làm ra giá cả bấp bênh, bị tư thương ép giá, hiệu quả thấp. Bây giờ HTX điều hành tất cả các công đoạn sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên. Đơn cử như với mô hình trồng sả nguyên liệu, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đạt từ 40 - 50 triệu đồng/ha nên ai cũng phấn khởi. Vì thế, khi nghe HTX có kế hoạch phát triển mở rộng vùng nguyên liệu thì đã có gần 100 hộ trên địa bàn xã đăng ký tham gia.
Theo anh Linh, mặc dù mới được thành lập với thời gian ngắn nhưng với vùng nguyên liệu thảo dược chủ động, được HTX Vanpa liên kết với đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trồng trọt, chăm sóc trải dài từ huyện Đakrông, Hướng Hóa, Gio Linh đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường thông qua các kênh bán lẻ cũng như đáp ứng được nhu cầu tinh dầu cho các đơn vị sản xuất dược phẩm lớn. Ngoài ra, HTX cũng đã gửi 5 mẫu tinh dầu nguyên chất sang Thụy Điển nhằm hướng tới thị trường châu Âu; các mẫu tinh dầu này đã được bạn hàng đánh giá rất cao vì có độ đậm đặc, mùi vị mạnh rất hợp với vùng khí hậu lạnh. Anh Linh tiết lộ, không chỉ sản xuất tinh dầu, hiện nay HTX Vanpa đã hoàn tất hồ sơ gữi Bộ Y tế để được cấp phép về sản xuất dược liệu; đăng ký các quy định về nhãn hiệu sản phẩm của tinh dầu Vanpa; đồng thời hướng đến là một trong những sản phẩm OCOP của huyện Đakrông.
Có thể nói, hướng đi của HTX Vanpa đã thổi luồng gió mới vào sản xuất nông nghiệp tại các địa phương vùng miền núi phía Tây của tỉnh. Đây cũng là mô hình kinh tế tập thể hiệu quả đầu tiên của huyện Đakrông, mở ra triển vọng tốt đẹp, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146066