Hợp thức hóa nguồn hàng để được hoàn thuế là vi phạm pháp luật
'Để công tác hoàn thuế được đẩy nhanh tiến độ, theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, cùng với sự chủ động của cơ quan thuế, doanh nghiệp cũng cần phải nói không với việc mua, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Việc hợp thức hóa nguồn hàng mua vào để hoàn thuế giá trị gia tăng là vi phạm pháp luật' - bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.
PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có chỉ đạo nóng yêu cầu cơ quan thuế đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho doanh nghiệp (DN), ngành Thuế đã thực hiện các chỉ đạo này như thế nào và kết quả ra sao, thưa bà?
Bà Lê Thị Duyên Hải: 7 tháng năm 2023, ngành Thuế đã ban hành 9.990 quyết định hoàn thuế, tương ứng số thuế đã hoàn là 71.825 tỷ đồng, trong đó, gần 80% thuộc nhóm hoàn thuế trước là nhóm được giải quyết hoàn trong vòng 6 ngày làm việc; còn lại hơn 20% thuộc nhóm kiểm tra trước hoàn thuế là nhóm được giải quyết hoàn trong vòng 40 ngày tính từ thời điểm người nộp thuế (NNT) nộp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng quy định cho cơ quan thuế.
Cập nhật đến thời điểm ngày 9/8/2023, số tiền thuế được hoàn đã tăng thêm 4.226 tỷ đồng và nâng tổng số tiền hoàn thuế lên 76.052 tỷ đồng, bằng 86% so với cùng kỳ.
PV: Thời gian qua, ngành Thuế đã rất nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế cho DN. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận không nhỏ DN lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Ngành Thuế đã có giải pháp gì để ngăn chặn triệt để tình trạng trên, thưa bà?
Bà Lê Thị Duyên Hải: Bên cạnh các DN nỗ lực không ngừng sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa dịch vụ đóng góp nhiều cho nền kinh tế - xã hội, luôn tuân thủ tốt pháp luật về thuế, thì có một bộ phận DN lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách đã thành lập DN không có hoạt động sản xuất kinh doanh mà với mục đích thực hiện hành vi mua bán và sử dụng hóa đơn khống để trục lợi tiền hoàn thuế.
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý, nhất là phát hiện sớm để phòng ngừa, ngành Thuế đã triển khai tổng thể nhiều giải pháp. Trong đó, giải pháp căn cơ là đã xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT), trí tuệ nhân tạo để phân tích, sàng lọc và đánh giá rủi ro tuân thủ thuế; rủi ro về sử dụng hóa đơn, hoàn thuế của NNT thông qua các dữ liệu từ quản lý thuế như: hồ sơ khai thuế của DN, các thông tin về tình trạng thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh, lịch sử tuân thủ của NNT, hóa đơn mua bán hàng hóa dịch vụ và các thông tin thu thập từ các cơ quan liên quan vào cơ sở dữ liệu của ngành.
Đặc biệt, gần đây ngành Thuế đã sử dụng cơ sở dữ liệu lớn hóa đơn điện tử (HĐĐT) qua phân tích các hoạt động mua bán hàng hóa của DN, chúng tôi đánh giá được rất nhanh toàn bộ các hóa đơn mua bán hàng hóa của DN hoàn thuế và các DN có liên quan theo chuỗi. Trên cơ sở đó, xác định tính tuân thủ và tin cậy của NNT trong sử dụng hóa đơn và kê khai nộp thuế để xác định DN đó có nằm trong diện rủi ro hay không.
Đồng thời, tới đây Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan thuế các cấp chấn chỉnh lại công tác xác minh hóa đơn theo hướng phân tích kỹ rủi ro trọng yếu. Trên cơ sở đó, xác định rõ các mối quan hệ mua bán của DN hoàn thuế và DN bán hàng để giải quyết hoàn thuế cho DN. Với các DN hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, qua phân tích chưa phát hiện dấu hiệu vi phạm, ngành Thuế sẽ hoàn thuế trước, sau đó tiếp tục giám sát và tiến hành thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để xử lý vi phạm, thu hồi hoàn thuế và tiền chậm nộp cho NSNN.
PV: Để công tác hoàn thuế được áp dụng thống nhất, tạo thuận lợi cho DN, mới đây Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 679/QĐ-TCT về quy trình hoàn thuế mới. Xin bà cho biết, quy trình hoàn thuế mới có ưu điểm gì khác so với quy trình cũ? Quy trình mới tạo thuận lợi cho DN ra sao?
Bà Lê Thị Duyên Hải: Quy trình hoàn thuế mới được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 80/2021/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Đồng thời, để phù hợp với yêu cầu quản lý thuế mới trong công cuộc chuyển đổi số, gắn công tác quản lý hoàn thuế với ứng dụng CNTT và dựa trên cơ sở dữ liệu quản lý thuế của ngành.
Quy trình hoàn thuế theo Quyết định 679 có 45 điểm mới so với quy trình hoàn thuế tại Quyết định 905 của Tổng cục Thuế. Trong đó, có 11 điểm mới bổ sung, sửa đổi nhằm đảm bảo theo đúng các quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế tương ứng với quy định tại Luật Quản lý thuế và Thông tư 80 so với trước đây, còn 34 điểm mới liên quan đến tổ chức thực hiện và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý hoàn thuế. Trong đó, một số điểm mới quan trọng như:
Thứ nhất, quy trình đã loại bỏ các quy định về trình tự, thủ tục và các biện pháp nghiệp vụ ra khỏi quy trình. Thứ hai, việc phân loại hồ sơ hoàn thuế sẽ được thực hiện tự động trên ứng dụng kể từ tháng 9/2023. Thứ ba, quy trình hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo từng trường hợp hoàn, hướng dẫn về kiểm tra hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện chấp nhận và phân loại hồ sơ hoàn thuế bằng ứng dụng CNTT hỗ trợ tự động đối chiếu. Thứ tư, quy trình hướng dẫn về việc xác định số thuế đủ điều kiện hoàn thuế trong trường hợp hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước Thứ năm, việc quyết định hoàn, chi hoàn thuế, trả kết quả giải quyết hoàn cho NNT được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức điện tử. Thứ sáu, quy trình có sự kết nối đồng bộ giữa các quy trình quản lý thuế khác có liên quan trên cơ sở ứng dụng quản lý rủi ro, ứng dụng thanh tra, kiểm tra, ứng dụng kiểm tra nội bộ trong công tác giải quyết hoàn thuế.
PV: Xin cảm ơn bà!
Chuẩn bị đủ hồ sơ sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế
“Thời gian qua, cơ quan thuế các cấp đã có nhiều nỗ lực và triển khai nhiều giải pháp, biện pháp vừa nhằm hoàn thuế kịp thời cho doanh nghiệp, đồng thời vừa phải đảm bảo quản lý chặt chẽ hoàn thuế, góp phần ngăn chặn gian lận về hoàn thuế, đặc biệt là hoàn thuế giá trị gia tăng. Để đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, doanh nghiệp hoàn thuế cần nắm rõ các quy định về thủ tục, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ gửi đến cơ quan thuế và sẵn sàng cung cấp thông tin khi cơ quan thuế có yêu cầu bằng văn bản, đảm bảo nhanh chóng, đầy đủ nhằm chứng minh số thuế đề nghị hoàn là đúng, trung thực, chính xác” - bà Lê Thị Duyên Hải - Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế).