HoREA kiến nghị tiếp tục thực hiện các biện pháp 'tháo gỡ' cho thị trường bất động sản
Bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ trong thời gian qua, HoREA nhận thấy vẫn còn một số biện pháp được đề ra nhưng chưa được thực hiện đầy đủ.
Theo Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), trong năm năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực để tháo gỡ vướng mắc cho thị trường bất động sản. Nhờ đó, dù vẫn khó khăn nhưng thì trường đã đi qua “vùng đáy” và đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển vững vàng hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi.
Tuy nhiên, HoREA nhận thấy vẫn còn một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 chưa được thực hiện đầy đủ và đưa ra các kiến nghị nhằm sớm tháo gỡ các vướng mắc còn tồn tại trong thời gian tới.
Đầu tiên đó là vướng mắc về công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để cấp “sổ hồng” cho khách hàng và để chủ đầu tư dưạ́n hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và khách hàng. Để tiếp tục tháo gỡ vấn đề này, HoREA đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất.
Tiếp đó, để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, trong đó có thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại và để áp dụng chung trong phạm vi cả nước, HoREA đã đề nghị sửa đổi điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
HoREA cũng kiến nghị gia hạn khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 thay vì hết hiệu lực ngày 31/12/2023 để từng bước hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Ngoài ra, HoREA kiến nghị với Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng đề nghị không khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết” để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.
Để tạo điều kiện tiếp cận tín dụng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN và các Thông tư, văn bản quy định có liên quan theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23/11/2023 theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các quy định không phù hợp.
Cuối cùng, HoREA kiến nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội xem xét gia hạn Nghị quyết số 42/2017/NQ-QH14 thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản.