HoREA: Nên quản, không nên cấm chung cư mini
Cho rằng, chung cư mini' là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội hiện nay, HoREA đề nghị 'nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini'.
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có kiến nghị một số giải pháp để bảo đảm chất lượng công trình xây dựng và an toàn PCCC cho “chung cư mini” gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ Xây dựng.
Không nên cấm chung cư mini
Bày tỏ sự đau buồn chia sẻ nỗi đau thương, mất mát, tổn thất không gì có thể bù đắp được đối với gia đình của 56 nạn nhân tử nạn và 37 người bị thương trong vụ cháy kinh hoàng, thảm khốc tại chung cư mini số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, HoREA cho rằng, vụ cháy này và một số vụ cháy trước đó, tiếp tục gióng lên “hồi chuông báo động” và đặt ra yêu cầu cấp bách xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật về nhà ở, về xây dựng, đầu tư, kinh doanh BĐS, PCCC…
Tán thành ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/9 “dứt khoát không luật hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở”, tuy nhiên, HoREA xin đề nghị chỉ dứt khoát không luật hóa nhà chung cư mini “biến tướng”, không hợp thức hóa các sai phạm của nhà chung cư mini “biến tướng” trong Luật Nhà ở.
HoREA đề nghị “nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini”, bởi lẽ “nhà chung cư mini” là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội hiện nay và trong nhiều thập niên sau này, do có giá cho thuê, giá bán vừa túi tiền, phù hợp với nhiều đối tượng trong xã hội là người thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị, công nhân, lao động, sinh viên, học sinh, người độc thân, người mới kết hôn, người nhập cư.
Dẫn số liệu khảo sát nhanh từ 15-21/9 lấy ý kiến của 12.000 người về câu hỏi “Theo bạn, có nên tồn tại chung cư mini nữa không?” do một cơ quan báo chí công bố kết quả ngày 22/9 có đến 57% trả lời “có” và có 43% trả lời “không”, HoREA cho rằng, cần “tỉnh táo, suy xét lý tính” trước kết quả khảo sát này. Bởi cuộc khảo sát được thực hiện ngay sau thảm kịch cháy “nhà chung cư mini” vào đêm 12/9 nên có thể bị yếu tố “cảm xúc” chi phối rất nhiều và cũng chưa rõ việc “lấy mẫu” khảo sát có tính đại diện và có lấy ý kiến đối tượng là người đang sinh sống trong “nhà chung cư mini” hoặc đang có ý định mua, thuê “nhà chung cư mini” hay không ?!
HoREA cho rằng, từ thực tế cả nước có hàng ngàn “nhà chung cư mini” với hàng chục ngàn người đang sinh sống và nhu cầu thuê, mua căn hộ “nhà chung cư mini” trong xã hội rất lớn “buộc” chúng ta phải rất tỉnh táo, sáng suốt lựa chọn giải pháp “nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini”. các nước trên thế giới đều cho phép nhưng phải quản lý thật chặt chẽ loại “nhà chung cư mini” này để bảo đảm an toàn PCCC và phát triển lành mạnh.
Thời điểm thuận lợi để xây dựng quy định pháp luật đầy đủ
Theo HoREA, hiện là thời điểm rất thuận lợi để xây dựng các quy định pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất để quản lý loại “nhà chung cư mini”, bởi lẽ Quốc hội Khóa 15 tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10-11/2023 dự kiến xem xét, thông qua nhiều luật, trong đó có Dự thảo Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS và một số luật liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.
HoREA đề nghị bổ sung quy định thật “chặt chẽ” đối với loại “nhà ở riêng lẻ” của cá nhân, hộ gia đình được phép xây dựng thành “nhà chung cư mini”, đồng thời với sửa đổi một số quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh BĐS, Luật PCCC... để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, để “nhà chung cư mini” phát triển an toàn, lành mạnh.
Trong đó, cần bổ sung quy định về đầu tư xây dựng “nhà chung cư mini” phải lập dự án; phải chấp hành và tuân thủ các quy định pháp luật về thẩm duyệt, nghiệm thu công trình “nhà chung cư mini”, bao gồm công trình PCCC.
Bổ sung quy định về kinh doanh cho thuê hoặc bán căn hộ “nhà chung cư mini” phải đăng ký kinh doanh BĐS theo quy định của pháp luật; bổ sung quy định về quản lý vận hành “nhà chung cư mini” tương tự như quản lý vận hành “nhà chung cư” và Bộ Xây dựng bổ sung “quy chuẩn kỹ thuật về nhà chung cư mini” vào “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư” thì sẽ quản lý chặt chẽ và phát triển loại “nhà chung cư mini” an toàn, lành mạnh.
HoREA chỉ ra tình trạng “nở rộ” loại “nhà chung cư mini” đi liền với các bất cập, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước đối với loại “nhà chung cư mini” trong nhiều năm qua đã dẫn đến tình trạng phát triển “vượt ngoài tầm kiểm soát” và có “lỗ hổng, sơ hở” cho giới “đầu nậu” kinh doanh trục lợi. Nguyên nhân chủ quan là do các quy định pháp luật hiện hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, thống nhất.
HoREA nhận thấy, “chung cư mini” không phải là “sản phẩm lỗi” của giai đoạn thị trường BĐS phát triển “nóng” trước đây như ý kiến của một số chuyên gia, mà “nhà chung cư mini” có căn hộ để cho thuê hoặc để bán là sản phẩm nhà ở rất cần thiết cho xã hội trong 13 năm qua, hiện nay và có thể trong nhiều thập niên sắp tới.
Bên cạnh đó, cho đến khi thực hiện được mục tiêu của Đảng đặt ra là đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao lúc đó nhu cầu “nhà chung cư mini” vẫn tồn tại. Ngay tại các nước công nghiệp phát triển hiện nay vẫn có loại “nhà chung cư mini”.
Do vậy, HoREA đề nghị Nhà nước “nên quản, không nên cấm nhà chung cư mini”, không nên vì “không quản được thì cấm”, mà nhiệm vụ cấp bách là cần phải xây dựng khuôn khổ pháp luật đồng bộ, thống nhất để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với loại “nhà chung cư mini” để phát triển an toàn, lành mạnh.
Mời độc giả xem thêm video Chàng shipper lao vào biển lửa cứu người vụ cháy chung cư mini