Houthi đánh bại 'hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới' của Mỹ - Israel
Ngày 4/5, một tên lửa đạn đạo tầm xa do lực lượng Houthi ở Yemen phóng đi đã bất ngờ vượt qua được hai trong số những hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất thế giới, THAAD của Mỹ và Arrow của Israel
Tên lửa này ngay sau đó rơi gần sân bay Ben Gurion, gây thương tích nhẹ cho 8 người và làm gián đoạn hoạt động của sân bay nhộn nhịp nhất Israel.

Hệ thống phòng thủ tầm cao Arrow của Israel. (Nguồn: X/OSINTdefender)
Đây là lần đầu tiên một tên lửa Houthi xuyên thủng được lớp phòng thủ nhiều tầng của Mỹ và Israel, trong bối cảnh lực lượng Houthi, gia tăng tấn công từ tháng 10/2023 với lý do ủng hộ người Palestine trong xung đột tại Dải Gaza.
Quân đội Israel (IDF) xác nhận đã nỗ lực đánh chặn nhưng không thành công, trong khi các báo cáo nội địa cho thấy cả 2 hệ thống THAAD và Arrow đều không phá hủy được mục tiêu. Nguyên nhân ban đầu được cho là do trục trặc kỹ thuật.
Còi báo động vang lên khắp miền trung Israel và hoạt động bay bị tạm dừng, làm dấy lên nghi vấn về hiệu quả thực tế của các hệ thống phòng không vốn được xem là tối tân nhất thế giới.
THAAD và Arrow: Những 'lá chắn thép' đã từng hiệu quả
Hệ thống THAAD, do Lockheed Martin phát triển và triển khai tại Israel từ tháng 10/2024, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo ở giai đoạn cuối với vận tốc vượt Mach 8. Hệ thống này gồm bệ phóng di động, radar AN/TPY-2 và bộ điều khiển hỏa lực, có khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách tới 2.000 km và phân biệt đầu đạn thật với mồi nhử.
Trong khi đó, hệ thống Arrow, được Israel phát triển với sự hỗ trợ của Mỹ, gồm 2 phiên bản: Arrow-2 chuyên đánh chặn trong khí quyển và Arrow-3 hoạt động ngoài khí quyển ở độ cao tới 150 km. Cả hai đều sử dụng radar Green Pine và được tích hợp vào mạng lưới phòng thủ đa tầng gồm David’s Sling và Iron Dome.
Cả THAAD lẫn Arrow đều từng đạt tỷ lệ đánh chặn rất cao. Kể từ khi được triển khai tại Israel, THAAD đã ngăn chặn ít nhất 7 tên lửa của Houthi. Arrow cũng từng thành công trong việc đánh chặn nhiều vụ tấn công, đặc biệt trong các đợt phóng tên lửa năm 2023 và 2024.
Lực lượng Houthi, hay còn gọi là Ansar Allah, kiểm soát phần lớn miền bắc Yemen. Các chuyên gia cho biết nhóm này đã sở hữu kho tên lửa cải tiến dựa trên mẫu Scud, với tầm bắn vượt 1.000 km, đủ sức vươn tới Israel từ lãnh thổ Yemen.
Trong vụ tấn công ngày 4/5, tên lửa Houthi nhắm vào cơ sở hạ tầng chiến lược của Israel, sân bay Ben Gurion. Người phát ngôn quân sự Houthi Yahya Saree, tuyên bố nhận trách nhiệm và cảnh báo các hãng hàng không tránh xa khu vực này.
Lý do thất bại: Lỗi kỹ thuật hay công nghệ mới?
Trang tin Ynet của Israel dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Israel, cho biết không có hệ thống nào đánh chặn thành công tên lửa.
Tờ The Times of Israel nói rằng tên lửa rơi trong phạm vi sân bay, gây ra 6 ca bị thương nhẹ. IDF cho biết đang điều tra nguyên nhân, bao gồm khả năng radar không phát hiện chính xác tên lửa hoặc phần mềm điều khiển gặp trục trặc.
Một giả thuyết khác là Houthi đã sử dụng loại tên lửa có đường bay không chuẩn hoặc áp dụng công nghệ "lướt nhảy" như loại Palestine-2, khiến tên lửa có thể điều chỉnh hướng bay giữa không trung và né tránh đánh chặn.
Dù phía Israel bác bỏ việc đây là tên lửa siêu thanh, các nguồn tin thân Houthi vẫn khẳng định có cải tiến đáng kể.
IDF khẳng định đã đánh chặn hàng chục tên lửa từ Houthi với tỷ lệ thành công trên 95%. Tuy nhiên, vụ việc ngày 4/5 là lần hiếm hoi hệ thống phòng không bị xuyên thủng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã triệu tập cuộc họp an ninh khẩn cấp để bàn thảo phản ứng, bao gồm khả năng không kích các mục tiêu Houthi tại Yemen. Một số quan chức Israel, trong đó có cựu Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, cũng công khai chỉ trích Iran là bên đứng sau.