HSBC nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam

HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN

Trong báo cáo mới công bố, Ngân hàng HSBC đánh giá kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm kinh tế với nhiều nốt thăng trầm.

Sau khởi đầu khó khăn trong quý I, bức tranh kinh tế trong nước đa phần đã tích cực hơn khi đà phục hồi dần vững chắc qua các tháng của năm, nhanh chóng đưa Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN.

Cụ thể, tăng trưởng được cải thiện và tăng lên lần lượt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi đã bắt đầu mở rộng ra các lĩnh vực khác không chỉ ở ngành điện tử tiêu dùng, mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn chưa quá tích cực bất chấp đã chứng kiến những cải thiện gia tăng.

Theo các thống kê, các tỉnh phía bắc bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi bão Yagi vào đầu tháng 9 với thiệt hại ước tính lên tới hơn 3 tỷ USD. Tuy nhiên, tác động chủ yếu tập trung vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản. Trong khi đó, sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi.

Sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi sau bão Yagi.

Sản xuất và thương mại vẫn kiên cường và tiếp tục dẫn đầu quá trình phục hồi sau bão Yagi.

Cụ thể hơn, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm nay tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng của chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả này cũng được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tính chung 11 tháng năm 2024 tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng khích lệ là sự phục hồi thương mại ban đầu tập trung vào điện tử đang cho thấy dấu hiệu mở rộng, với xuất khẩu hàng dệt may và giày dép tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý 3.

Về lĩnh vực vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI), Việt Nam tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài khi triển vọng cơ bản vẫn tích cực. Mặc dù tăng trưởng FDI mới đăng ký chậm lại trong quý III, các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng đã chứng kiến sự gia tăng đầu tư.

Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn đổ vào cho đến nay.

Không chỉ riêng sản xuất điện tử mà cả những lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng đã thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google dự định mở văn phòng tại Việt Nam vào tháng 4/2025 và NVIDIA mở trung tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở Việt Nam.

Ở phía ngược lại, kinh tế Việt Nam vẫn còn những nốt trầm đáng chú ý. Tiêu dùng bán lẻ trong nước đang phục hồi chậm hơn dự kiến ban đầu, với mức tăng trưởng doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn xu hướng trước đại dịch và sự phục hồi chưa mấy rõ rệt.

Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục hỗ trợ doanh số bán lẻ khi số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2024 tăng cao, đạt 1,7 triệu lượt người, đưa mức chung 11 tháng năm nay đạt hơn 15,8 triệu lượt khách, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường tiền tệ, các rủi ro như gián đoạn nguồn cung từ bão Yagi và xung đột địa chính trị vẫn hiện hữu, lạm phát thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ cho phép NHNN duy trì lập trường điều hành theo hướng hỗ trợ và tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiềm chế lạm phát.

Cặp tỉ giá USD - VND tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường.

Cặp tỉ giá USD - VND tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường.

Về tỉ giá, cặp tỉ giá USD - VND tiếp tục chứng kiến một năm với rất nhiều biến động khó lường. Cũng như nhiều loại tiền tệ khác trong khu vực, ngoại tệ của các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam đang đứng trước nhiều biến số khó lường trong thời gian gần đây do những nhiễu động trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ, các gói kích thích kinh tế của Trung Quốc và các căng thẳng địa chính trị khác.

Về lãi suất,trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm nay, NHNN đứng trước nhiệm vụ tương đối nặng nề khi điều hành chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng thông qua phấn đấu giảm lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Duy trì dự báo lạm phát 2025 ở mức 3%

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là 6,5-7%, phấn đấu 7-7,5%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%, phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện trong hoạt động kinh tế trong năm sau.

Trên thực tế, có cơ sở để đặt ra kỳ vọng này. Ngành sản xuất đã thoát khỏi khó khăn của năm ngoái một cách mạnh mẽ. Điều này đã hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ ở mức hai chữ số, với mức tăng trưởng lan tỏa ra đồng đều hơn ở các lĩnh vực như sản phẩm nông nghiệp.

Tiếp nối đà hồi phục mạnh trong quý III, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 lên 7% từ mức 6,5%, trong khi tiếp tục dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức 6,5%.

Về chỉ tiêu lạm phát, diễn biến giá cả đang chuyển biến thuận lợi hơn từ nửa sau của năm nay. Áp lực đối với một số sản phẩm nông nghiệp dự kiến sẽ giảm bớt khi thời tiết chuyển từ El Ninõ sang La Ninã mang lại điều kiện thu hoạch thuận lợi hơn.

 HSBC duy trì dự báo lạm phát 2025 ở mức 3%.

HSBC duy trì dự báo lạm phát 2025 ở mức 3%.

Cân nhắc tất cả những điều này, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,6% vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với mức trần mục tiêu 4,5% của NHNN Việt Nam. Đối với năm 2025, nhóm Nghiên cứu Ngân hàng HSBC duy trì dự báo lạm phát ở mức 3%.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hsbc-nang-du-bao-tang-truong-kinh-te-viet-nam-204241220121443563.htm