HTX khẳng định vai trò 'bà đỡ' trong sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện Thạch Thành

Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện Thạch Thành tổ chức kiện toàn, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, hoạt động có hiệu quả các dịch vụ cơ bản, dịch vụ mở rộng và phương án sản xuất, kinh doanh hàng năm.

Nông dân xã Ngọc Trạo chăm sóc cây ăn quả.

Nhiều HTX kinh doanh dịch vụ đã có những đóng góp, khẳng định vai trò “bà đỡ” trong sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập cho thành viên.

Những năm gần đây, một số HTX đã đăng ký mở rộng ngành nghề kinh doanh, đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận tải, xây dựng nhiều công trình phúc lợi, chế biến nông - lâm sản, đầu tư chuyển đổi mô hình kinh doanh chợ, như các HTX: Thạch Sơn, Thạch Quảng, Thành Tân, Thành Vân, Thành Long, HTX vận tải Thạch Thành. Gắn sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm mật mía, liên kết sản xuất giống cây trồng, như các HTX: Thạch Sơn, Thành Tiến; đầu tư máy móc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tại các HTX: Thành Tân, Thành Vinh, Thành Long..., từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực cung cấp các dịnh vụ. Nhiều HTX đã thực hiện khá tốt việc tìm kiếm hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho thành viên và nông dân.

Toàn huyện hiện có 28 HTX nông - lâm nghiệp; trong đó, phần lớn HTX đã và đang tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thành viên, huy động vốn, đầu tư phát triển ngành nghề kinh doanh, mua sắm thiết bị máy móc mở rộng dịch vụ cơ giới, phục vụ nhu cầu sản xuất của thành viên và nhân dân, như: Máy gặt đập liên hợp, máy làm đất, máy nâng và bốc mía, máy trồng mía, tưới mía; cải tạo nâng cấp lưới điện hạ áp, trạm bơm, duy tu bảo dưỡng, làm mới kênh mương nội đồng, nhằm từng bước áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển, mở rộng các khâu dịch vụ sản xuất rau an toàn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh môi trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng, vận tải. Thông qua các khâu dịch vụ, các HTX ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng dịch vụ của các thành viên; đồng thời, phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhân dân trên địa bàn, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Có 4 HTX thực hiện nội dung dịch vụ này với 8 tổ dịch vụ và có 101 lao động tham gia thực hiện dịch vụ này. Số hộ được hưởng dịch vụ là 1.476 hộ. Dịch vụ tiêu thụ sản phẩm chủ yếu tập trung vận tải mía nguyên liệu, vật liệu xây dựng, lúa, ngô... Nội dung dịch vụ gắn với việc thực hiện vận tải mía nguyên liệu trong hợp đồng của HTX với nhà máy chế biến đường mía Việt Nam - Đài Loan. Ngoài ra, HTX kinh doanh dịch vụ vận tải Thạch Thành hoạt động ổn định với trên 100 thành viên, lao động trực tiếp, đầu xe làm dịch vụ vận tải hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp, mía nguyên liệu trên địa bàn huyện. HTX đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển mía nguyên liệu hàng năm, hạn chế tối đa các biểu hiện tiêu cực nhiều năm khó khắc phục trong vận tải mía. Trên địa bàn huyện hiện có 3 HTX kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa, hành khách bằng xe ô tô được Sở Giao thông - Vận tải cấp phép hoạt động; trong đó, có 1 HTX chuyên vận tải mía nguyên liệu. Các HTX vận tải tiếp tục duy trì hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên và đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Trong quá trình phát triển, huyện Thạch Thành đã hỗ trợ các HTX thông qua việc triển khai các đề tài, dự án khoa học - công nghệ tại các xã, thị trấn, HTX nông nghiệp về sản xuất lúa có năng suất cao; du nhập, tuyển chọn các giống tốt ở một số loại cây trồng; ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, lai tạo giống chất lượng cao trong chăn nuôi; nhất là hỗ trợ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, du nhập nuôi thử nghiệm một số loại con nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, phối hợp với sở, ngành có liên quan của tỉnh, hỗ trợ và tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng, kinh phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại tại các hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa của tỉnh tổ chức; gắn quảng bá hình ảnh, nhãn hiệu hàng hóa với công tác xúc tiến thương mại để các HTX tham gia tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Đỗ Thị Phiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Thạch Thành, cho biết: Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên cơ sở bảo đảm các quy định của pháp luật. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng các khâu dịch vụ đáp ứng các nhu cầu sản xuất, đời sống của các thành viên, nhân dân trên địa bàn. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và với doanh nghiệp để tạo ra chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm hàng hóa cho các thành viên và nhân dân. Tiếp tục phát triển rộng rãi kinh tế tập thể với nhiều hình thức, quy mô, trình độ khác nhau trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn, nhất là ở những xã, thị trấn chưa có HTX. Đổi mới, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của những HTX hiện có trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc, giá trị của HTX. Phấn đấu thực hiện có hiệu quả các dịch vụ đầu vào, đầu ra phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên, của nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, từng bước mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Mở rộng các hình thức kinh doanh, liên kết giữa tổ hợp tác, HTX với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm; nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ cho thành viên và cộng đồng dân cư trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện.

Xuân Hùng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/htx-khang-dinh-vai-tro-ba-do-trong-san-xuat-kinh-doanh-tren-dia-ban-huyen-thach-thanh/101339.htm