HTX sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, nông dân 'được mùa, trúng giá' đón Tết to

Những ngày cận Tết Giáp Thìn, nông dân tại nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu long đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, niềm vui trên những cánh đồng mẫu lớn đang được nhân lên vì 'được mùa, trúng giá'.

Vụ Đông Xuân năm nay, nhà ông Trần Văn Tuân ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng làm hơn 1,5 ha lúa. Nhờ mưa thuận gió hòa, ứng dụng hiệu quả khoa học – kỹ thuật mới, ông Tuân và các thành viên Tổ hợp tác lúa gạo Phú Long có một mùa vụ bội thu, thương lái đến tận ruộng thu mua, giá cao.

Hiệu quả của cánh đồng lớn

“Với giá gần 9.000 đồng/kg, tôi thu về trên 100 triệu đồng. Trừ chi phí, tôi cũng kiếm được khoảng 60-70 triệu đồng. Không riêng gì tôi, bà con trồng lúa năm nay đều mừng lắm, vì ai cũng trúng mùa, được giá nên không khí đón Tết cũng “sung” hơn mọi năm”, ông Tuân phấn khởi nói.

Vừa cân lúa, chốt tiền xong với thương lái, ông Hồ Tấn Hùng ở xã Tân Hưng, huyện Long Phú, hồ hởi cho hay, chưa bao giờ 1 ha trồng lúa lại bán được nhiều tiền như vụ này. Do thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa đạt gần 8 tấn/ha, giá bình quân 8.600 đồng/kg.

“Trừ hết các chi phí, tôi còn lời gần 50 triệu đồng/ha, đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà tôi thu về được từ trước đến nay”, ông Hùng chia sẻ.

Vào HTX, phát triển cánh đồng lớn giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp.

Vào HTX, phát triển cánh đồng lớn giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ là hiện tượng nhất thời, những năm qua, hoạt động sản xuất lúa ở Long Phú có những bước tiến vượt bậc nhờ chủ động tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, thúc đẩy vai trò cầu nối liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị.

Một trong những điểm sáng trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Long Phú là mô hình cánh đồng lớn giúp nông dân ứng dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa..., từ đó giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận.

Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc HTX Hưng Lợi, xã Long Đức cho biết, để xây dựng cánh đồng lớn, HTX đã triển khai canh tác lúa thông minh từ nhiều vụ trước. Ngoài máy sạ cụm, HTX còn áp dụng các kỹ thuật chăm sóc lúa tiên tiến như giảm giống gieo sạ, giảm phân bón, tưới nước ướt - khô xen kẽ...

Canh tác khoa học giúp thành viên HTX giảm trên dưới 30% lượng phân bón, ruộng lúa thông thoáng, ít sâu bệnh hại, lúa đẻ nhánh to và nhiều. Cây lúa cứng cáp nên cũng dễ thu hoạch, ít bị hao hụt. Các hộ còn tiết kiệm 30 - 40% lượng nước bơm vào ruộng, nên chi phí, công sức cũng giảm theo.

Nhờ sản xuất hiệu quả, HTX Hưng Lợi đang thu hút hơn 500 hộ thành viên, canh tác trên cánh đồng liên kết sản xuất hơn 600 ha và 100% nông dân áp dụng kỹ thuật tưới ngập - khô xen kẽ. Trên cánh đồng rộng hàng trăm ha, các thành viên HTX đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ biện pháp canh tác thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.

Tăng giá trị sản xuất cho nông dân

Cùng với Long Phú ở Sóc Trăng, huyện Vĩnh Lợi ở tỉnh Bạc Liêu cũng đang là một trong những điểm sáng trong thúc đẩy xây dựng cánh đồng mẫu lớn, mang lại giá trị sản xuất cao cho nông dân, với những dấu ấn đậm nét từ các HTX, tổ hợp tác.

Ông Tô Thanh Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Lợi cho biết, với đặc điểm độc canh cây lúa, để giúp người dân làm giàu trên mảnh đất, thửa ruộng của mình, địa phương đã chủ động hỗ trợ, khuyến khích liên kết sản xuất, thành lập HTX, tổ hợp tác, nhân rộng các cánh đồng mẫu lớn.

HTX Đồng Tâm, xã Vĩnh Hưng A là một trong những đơn vị điểm trong sản xuất hiện đại ở Vĩnh Lợi. Nhờ hoạt động hiệu quả, đến nay, HTX phát triển được 152 thành viên, với diện tích 210 ha. Năng suất lúa trung bình đạt 6 - 7 tấn/ha.

Không chỉ đem lại giá trị về kinh tế, sản xuất trên cánh đồng lớn hiện đại giúp nông dân ứng phó biến đổi khí hậu.

Không chỉ đem lại giá trị về kinh tế, sản xuất trên cánh đồng lớn hiện đại giúp nông dân ứng phó biến đổi khí hậu.

Ông Phạm Văn Vịnh, thành viên HTX chia sẻ, nông dân bây giờ làm ruộng "khỏe" hơn nhiều, không còn vất vả như xưa. Vào HTX, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại, chi phí sản xuất giảm đến 40%, năng suất lúa lại tăng từ 30 - 40%.

Nhà ông Vịnh có 33 công đất trồng lúa, mỗi năm sản xuất 3 vụ, sản lượng đạt hàng chục tấn, nhưng hàng ngày, ông vẫn thong dong ngoài đồng, bởi hầu hết các khâu sạ lúa, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch... đều đã cơ giới hóa, máy móc làm thay việc của con người.

“Nhờ sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn, các khâu cải tạo đất, xuống giống, chăm sóc, triển khai máy móc… đều được thực hiện đồng bộ, dễ dàng hơn nên nhà nông đỡ vất vả, năng suất, hiệu quả trồng lúa cũng gia tăng đáng kể”, ông Vịnh nói.

Theo thống kê, toàn huyện Vĩnh Lợi hiện có 30 HTX, trong đó 10 HTX đã liên kết chuỗi sản xuất. Thời gian tới, huyện đặt mục tiêu thành lập được Liên hiệp HTX, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, vùng nguyên liệu từ 1.000 - 2.000 ha, tức là nhân rộng thành siêu cánh đồng mẫu lớn. Bởi từ đó mới góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng cao lợi nhuận.

Giải bài toán cánh đồng 'lớn nhưng chưa mạnh'

Có thể thấy, mô hình cánh đồng lớn đang ngày càng cho giá trị cao hơn. Đây cũng là một chủ trương mang tính chiến lược của ngành nông nghiệp Việt Nam trong một thập kỷ qua. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả như kỳ vọng vẫn cần có thêm những bước đột phá trong liên kết, xây dựng chuỗi giá trị.

Theo GS. Võ Tòng Xuân, cánh đồng lớn rõ ràng là mô hình đáp ứng xu thế hội nhập, thúc đẩy hiện đại hóa, nâng cao giá trị sản xuất. Việc nhiều cánh đồng “lớn nhưng chưa mạnh” là bởi thiếu liên kết với doanh nghiệp.

Nhiều nơi không làm tốt được do doanh nghiệp không có đầu ra ổn định nên họ không thể hợp đồng chắc chắn với nông dân. Vì không có doanh nghiệp cụ thể đặt hàng nên tuy đã được tập hợp lại thành một cánh đồng lớn nhưng cuối cùng nông dân vẫn phải “tự thân vận động”.

Ở chiều ngược lại, theo GS. Võ Tòng Xuân, bản thân các HTX, nông dân cũng cần thay đổi tư duy, sản xuất theo đúng quy trình, giữ chữ tín để cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho doanh nghiệp. Hợp tác với doanh nghiệp đồng nghĩa canh tác phải khoa học, loại bỏ hóa chất độc hại, đảm bảo an toàn sinh thái, sản phẩm chất lượng kém sẽ bị loại, chuỗi liên kết có nguy cơ bị phá vỡ.

Có thể thấy, để mô hình cánh đồng lớn phát huy hiệu quả thì cần đến sự phối hợp nhịp nhàng giữa HTX, doanh nghiệp, nông dân, chuyên gia và nhà quản lý.

Trong xu thế hội nhập, sức cạnh tranh ngày càng tăng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do, rõ ràng cánh đồng lớn chỉ là điều kiện cần. Để có thêm điều kiện đủ, các cánh đồng lớn cần phải mạnh với những chuỗi liên kết chặt chẽ giữa HTX, nông dân và doanh nghiệp, đồng thời cần sự đồng hành của cơ quan quản lý trong việc tạo cơ chế nhằm nâng sức cạnh tranh…

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/htx-san-xuat-tren-canh-dong-mau-lon-nong-dan-duoc-mua-trung-gia-don-tet-to-1098178.html