HTX tận dụng tiềm năng xuất khẩu Việt Nam - Mông Cổ

Xuất khẩu nông sản Việt Nam-Mông Cổ có nhiều tiềm năng nhưng cần hóa giải những khó khăn về vận chuyển, thủ tục hành chính nhằm tạo cơ hội cho HTX, doanh nghiệp nâng tầm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Mông Cổ đã tăng gấp 2-3 lần, từ 41,4 triệu USD vào năm 2017 lên 85 triệu USD vào năm 2022 và đạt tới 132 triệu USD vào năm 2023.

7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD. Việt Nam và Mông Cổ cũng đặt mục tiêu sớm đưa kim ngạch thương mại song phương lên 200 triệu USD.

Logistics chưa thuận lợi

Là một trong những mô hình kinh tế tập thể có mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu, HTX chè Phìn Hồ (Hà Giang) đã có sản phẩm OCOP 5 sao, trong khi văn hóa của người Mông Cổ có những nét tương đồng với người Việt khi cũng ưa thích uống trà. Do đó, việc xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu được sang Mông Cổ không những nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm của HTX mà còn lan tỏa đặc sản chè shan tuyết Việt Nam.

Có thể khẳng định, tiềm năng, nhu cầu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Mông Cổ còn rất lớn. Bởi từ trước đến nay, Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu các loại nông sản, thực phẩm như gạo, cà phê, rau quả sang Mông Cổ và nhập khẩu chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, da, găng tay…

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại đã đặt ra và đa dạng các nguồn hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước, việc tháo gỡ những khó khăn trong quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa là hết sức cần thiết.

Thông tin từ Diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam-Mông Cổ cho thấy, mặt hàng trái cây là thế mạnh của Việt Nam, trong khi thịt gia súc là thế mạnh của Mông Cổ.

Thông tin từ Diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam-Mông Cổ cho thấy, mặt hàng trái cây là thế mạnh của Việt Nam, trong khi thịt gia súc là thế mạnh của Mông Cổ.

Tại Diễn đàn xúc tiến nông sản Việt Nam-Mông Cổ diễn ra ngày 20/11, Ts Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, khó khăn trong khâu vận chuyển đang gây trở ngại cho quá trình xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Mông Cổ

Xuất khẩu hiện có chi phí cao và thời gian dài do Mông Cổ xa và nằm sâu trong lục địa. Nếu trung chuyển qua Trung Quốc, thời gian vận chuyển sẽ mất 10-14 ngày, còn nếu trung chuyển qua cảng Vladivostok của Nga, thời gian vận chuyển sẽ lên đến 2 tháng.

Trong khi hàng hóa của Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa của Trung Quốc, Nga và một số nước khác có lợi thế lớn hơn về chi phí và thời gian vận chuyển. Hiện, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất vào Mông Cổ với tỷ trọng lên đến 81% (năm 2023).

Hay Việt Nam dù đã xuất khẩu sang Mông Cổ 244 tấn vỏ trái cây họ cam, quýt, 27 tấn trái cây khô nhưng thị trường vỏ trái cây của Mông Cổ hiện do Hàn Quốc nắm giữ khi chiếm đến 90% và Chile chiếm khoảng 10% còn lại, tạo thách thức lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường.

Hiện nay đã có đường bay thẳng từ Việt Nam sang Mông Cổ và thực hiện miễn visa hai chiều nhằm khuyến khích xuất khẩu và du lịch. Nhưng đường bay mới bắt đầu đi vào khai thác từ năm 2023 và mới chỉ có ở TPHCM nên vẫn chưa thể tối ưu khâu vận chuyển.

Ngoài khó khăn về logistics, một trong những vấn đề đáng lưu ý, theo bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà, là xuất khẩu hàng hóa, nhất là xuất khẩu gia cầm vẫn còn gặp rào cản kỹ thuật hồ sơ pháp lý và thủ tục xuất khẩu khiến sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam yếu thế trên thị trường thế giới.

“Dù thủ tục xuất nhập khẩu hiện đã được tháo gỡ nhưng vẫn chưa thực sự đơn giản hóa, làm mất nhiều thời gian trong quá trình xuất khẩu của doanh nghiệp”, bà Hà nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất muốn xuất khẩu nhưng nguồn vốn vay từ các ngân hàng thường có lãi suất cao, nên doanh nghiệp nhiều khi không dám vay vì làm không có lợi nhuận đáng kể.

Tìm cách giảm chi phí vận chuyển

Đất nước Mông Cổ có đến 9 tháng thời tiết băng tuyết, diện tích canh tác rau màu chỉ chiếm 1% (tương đương 1,3 triệu ha) nên nhu cầu về nông sản, đặc biệt là rau củ quả rất lớn. Trong khi đây là thế mạnh của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu 9 tháng năm 2024 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo đến hết năm 2024 có thể đạt 7 tỷ USD.

Ông Doãn Khánh Tâm, Phó Vụ trưởng, Phó Chánh Văn phòng, Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mông Cổ, cho biết tiềm năng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Mông Cổ còn rất rộng.

Quả vải là nông sản đặc trưng của Việt Nam nhưng vẫn còn lạ đối với người Mông Cổ.

Quả vải là nông sản đặc trưng của Việt Nam nhưng vẫn còn lạ đối với người Mông Cổ.

Hiện, số tiền mua 1 kg rau ở Mông Cổ tương đương với tiền mua khoảng 3 kg thịt cừu, bò, dê. Giá bán một nải chuối trong chuỗi siêu thị ở Mông Cổ lên tới 500-600 nghìn đồng, trong khi tại Việt Nam chỉ khoảng 40.000 đến hơn 100.000 đồng tùy từng thời điểm. Tương tự, giá xoài tại Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn nếu chỉ dao động 40.000-100.000 đồng/kg thì tại Mông Cổ có thể gấp từ 3-5 lần nhưng cũng rất hiếm khi mua được vì không sẵn.

Còn về ngành hàng thịt tại Việt Nam, người dân cả nước tiêu thụ khoảng 8 triệu tấn thịt vào năm 2023. Trong đó, sản lượng thịt dê, cừu mới chỉ đạt 55.000 tấn (chiếm 0,7% tổng sản lượng thịt), không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong khi chăn nuôi gia súc, đại gia súc là thế mạnh sản xuất của Mông Cổ với 64,7 triệu con vào năm 2023 và tăng lên 74 triệu con vào năm 2024 (chiếm 83% sản phẩm nông nghiệp).

Do đó, để thúc đẩy vấn đề xuất khẩu sang Mông Cổ và ngược lại, ông Doãn Khánh Tâm cho rằng cần nhanh chóng giải quyết vấn đề logistics giữa hai nước. Bởi khi chi phí vận chuyển cao sẽ kéo giảm doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp, HTX và làm giảm hiệu quả xuất khẩu.

Có một điều thuận lợi hiện nay là Mông Cổ đang rất sẵn sàng hợp tác để tháo gỡ những khó khăn về vận tải giữa hai nước. Phía Mông Cổ cũng có thiện chí và hoan nghênh Việt Nam gia nhập Hiệp định vận tải đường sắt 3 bên Mông Cổ-Nga-Trung Quốc đã ký từ năm 2016.

Còn về phía Nhà nước Việt Nam cũng đang nghiên cứu và nhanh chóng thúc đẩy điều này đi liền với khai thông các tuyến đường, nhất là đường sắt từ Việt Nam đi Trung Quốc. Khi vận tải giữa Việt Nam và Trung Quốc được thúc đẩy thì việc xuất khẩu từ Việt Nam sang Mông Cổ cũng được tháo gỡ và tương lai xuất nhập khẩu giữa Việt Nam-Mông Cổ sẽ mở rộng hơn.

Ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại du lịch Ohdear Việt Nam, kiến nghị Chính phủ hai nước cần đàm phán có sự hỗ trợ chi phí đường bay thẳng giữa Việt Nam-Mông Cổ.

Hiện, giá vé máy bay Việt Nam-Mông Cổ khoảng 800- 1.000 USD, cao hơn nhiều so với tình hình giá cả chung. “Nếu giảm giá xuống sẽ thúc đẩy giao thương và du lịch giữa hai nước hơn”, ông An nói.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-tan-dung-tiem-nang-xuat-khau-viet-nam-mong-co-1103737.html