HTX Tú Châu đa dạng các sản phẩm nông nghiệp

Sau gần 3 năm thành lập và đi vào hoạt động, đến nay, HTX Tú Châu, xã Chiềng Khoang, huyện Quỳnh Nhai, đã khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, đặc hữu của vùng. Việc liên kết trong sản xuất của HTX không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

Thành viên HTX Tú Châu kiểm tra diện tích lúa.

Trong văn hóa ẩm thực của dân tộc Thái thì gạo nếp là thực phẩm không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày. Ở xã Chiềng Khoang, nhà nào cũng gieo cấy từ 1.000 -10.000 m² lúa nếp, trong đó, chủ yếu là giống lúa nếp tan của địa phương. Loại gạo này trước đây chỉ phục vụ sinh hoạt gia đình và làm quà biếu người thân. Nhưng với đặc điểm riêng biệt so với các loại gạo nếp khác, gạo nếp tan có hạt to, mẩy, tròn, có độ thơm dẻo đặc biệt đến nay đã trở thành hàng hóa. HTX vận động các hộ sản xuất theo tiêu hướng hữu cơ, đồng thời quảng bá, xây dựng thương hiệu gạo nếp tan đặc sản Chiềng Khoang ra thị trường.

Anh Lò Văn Thiết, thành viên HTX, chia sẻ: Việc duy trì diện tích lúa không chỉ đảm bảo lương thực, mà các thành viên chúng tôi có thêm thu nhập từ việc bán gạo, với giá 30 nghìn đồng/kg. Vào dịp lễ, tết, nhu cầu tăng cao thì giá có thể tăng lên 40-45 nghìn đồng/kg. Hiện nay, thị trường gạo nếp tan của HTX chủ yếu là ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Nhãn mác bao bì sản phẩm gạo nếp tan Chiềng Khoang.

Ngoài việc duy trì gần 50 ha lúa nếp tan, các thành viên HTX còn tích cực học hỏi, tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài huyện, như: Trồng cây ăn quả trên đất dốc, trồng xả Java... HTX đã trồng thử nghiệm trồng 1.000 m² sả Java, sau 3 tháng, cây sả cho thu hoạch lá vụ đầu tiên. Nhận thấy hiệu quả, cuối năm 2020, HTX vận động các thành viên chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng sả Java. Đến nay, HTX có gần 10 ha sả Java, tập trung trồng ở các bản vùng cao của xã Chiềng Khoang. Theo chia sẻ của các thành viên HTX thì sả Java là loại cây ưa nắng nóng, phát triển tốt trên đất dốc dễ chăm sóc; chi phí sản xuất thấp, chỉ khoảng 10 triệu đồng/ha. Cây sả cho thu hoạch khoảng 5-7 năm mới phải trồng lại; sản lượng trung bình 6 tấn lá/ha/năm; trừ chi phí cho thu lại khoảng 40 triệu đồng/ha/năm.

Anh Lò Văn Trung, bản Phiêng Lỷ, thông tin: Tôi thấy mô hình trồng sả Java của HTX Tú Châu cho hiệu quả kinh tế cao. Đầu năm 2021, tôi quyết định chuyển đổi 6.000m² đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng sả; khi trồng, tôi được HTX Tú Châu hỗ trợ 100% giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm, nên tôi rất yên tâm. Năm vừa rồi, trừ hết chi phí gia đình thu lãi gần 20 triệu đồng.

Khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có ở địa phương, HTX còn sản xuất một số loại tinh dầu khác, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Thời điểm này, HTX đang thực hiện sản xuất 7 loại tinh dầu: Sả Java, hương nhu, sả chanh, hoa ngũ sắc, ngải cứu, tinh dầu long não và tinh dầu quả màng tang. Các sản phẩm tinh dầu đều có tem nhãn với đầy đủ thông tin cần thiết cho khách hàng. Hiện nay, giá bán tinh dầu thô của HTX giao động từ 350-500 nghìn đồng/lít; loại đóng chai có giá 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/lít. Các sản phẩn tinh dầu của HTX có đầu ra ổn định, chủ yếu cung cấp cho một số thị trường trong và ngoài tỉnh, như: Hà Nội, Hải Phòng, Yên Bái.

Thành viên HTX chiết xuất tinh dầu xả Java.

Thành viên HTX chiết xuất tinh dầu xả Java.

Anh Lò Văn Học, Giám đốc HTX, cho biết: Thật vui mừng, trong 4 sản phẩm của huyện Quỳnh Nhai tham gia sản phẩm OCOP năm 2022 cấp tỉnh, thì HTX Tú Châu chúng tôi có 2 sản phẩm được lựa chọn là gạo nếp tan và tinh dầu sả Java. Thời điểm này, HTX đã hoàn thiện hồ sơ thủ tục trình cấp có thẩm quyền thẩm định, công nhận. Đây là một cơ hội để HTX giới thiệu, quảng bá sản phẩm của địa phương tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

Tinh dầu sả Java của HTX được lựa chọn tham gia sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, anh Học cho biết thêm: Ngoài duy trì diện tích lúa nếp tan, HTX đang tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân trong xã tham gia trồng sả Java, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ cho việc chế biến. Đồng thời, liên kết với một số hộ dân ở các xã Cà Nàng, Mường Chiên, Chiềng Khay, Mường Giôn... trồng dược liệu dưới tán rừng.

Với định hướng cụ thể trong sản xuất, kinh doanh của HTX Tú Châu đã và đang khai thác tốt lợi thế vùng trong xây dựng và phát triển, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/htx-tu-chau-da-dang-cac-san-pham-nong-nghiep-53554