HTX vươn mình trong kỷ nguyên số
Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử trung bình 25%/năm, thuộc top đầu ở khu vực ASEAN. Nếu các HTX, doanh nghiệp không nắm bắt cơ hội phát triển thương mại điện tử ở từng thời điểm thì sẽ khó vươn mình trong kỷ nguyên số.
Sản phẩm bưởi Múc của HTX Thái Niên (Lào Cai) hiện đã có mặt trên trang web buoimuc.ocoplaocai.vn. Đến nay, sản phẩm đã được nhiều người biết đến và tiêu thụ khá thuận lợi, không có tình trạng bị tư thương ép giá.
Chuyển sang tiếp cận khách hàng trực tiếp
Còn tại HTX Nông lâm nghiệp Thế Tuấn (Lào Cai), 70-80% doanh thu bán các sản phẩm chế biến từ dược liệu là nhờ vào thương mại điện tử.
Có thể nhận thấy, khi bán hàng hóa qua kênh thương mại điện tử đã giúp các HTX tăng cường độ phủ sản phẩm mà hình thức bán hàng truyền thống chưa đạt được. Thương mại điện tử vừa giúp HTX kinh doanh, vừa tiếp cận được với khách hàng mua online, từ đó các HX có được tệp khách hàng, tiếp cận được xu hướng của thị trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng dù thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ nhưng không ít HTX chưa tận dụng được cơ hội để đưa mô hình kinh tế tập thể phát triển cũng như đưa các nông đặc sản vươn tầm, mở rộng đầu ra.
Thực tế tại các địa phương cho thấy rõ điều này. Nhiều HTX đưa nông sản lên các kênh thương mại điện tử nhưng một số trang web, kênh thương mại điện tử của tỉnh thành, địa phương lập ra hoạt động chưa đúng với chức năng của một sàn giao dịch điện tử chuyên nghiệp.
Người bán chỉ đăng tải thông tin sản phẩm, không có sự tương tác, giao dịch bán hàng do chưa có sự liên kết với đơn vị vận chuyển, ngân hàng trong giao dịch thanh toán. Điều này khiến chính HTX cũng không xác định được rõ chi phí giao hàng, thời gian giao hàng.
Đáng lưu ý, để bán hàng trên kênh thương mại điện tử, chi phí quản lý bán hàng không hề thấp, nhất là với những HTX phải đầu tư những phần mềm quản lý, đổi mới nhân sự, công nghệ, máy móc, tìm cách nâng cao chất lượng sản phẩm...
Trong khi hàng hóa của các HTX hiện nay có tính đặc thù, nhưng phần lớn là do quy mô sản xuất còn nhỏ nên HTX không đủ nguồn lực để theo kịp với các tiến bộ công nghệ. Và điều này cũng khiến HTX ngần ngại khi tham gia bán hàng online.
Tuy nhiên, xét trên bình diện tích cực, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho rằng, ở từng giai đoạn sẽ có những nhóm HTX, doanh nghiệp khác nhau tận dụng được cơ hội khác nhau từ thương mại điện tử. Mỗi làn sóng thương mại điện tử sẽ có cơ hội khác nhau cho doanh nghiệp, HTX.
Trước đây, nhiều HTX, doanh nghiệp đã tiếp cận được với thị trường xuất khẩu thông qua mạng xã hội. Thời điểm đó, kinh doanh theo hình thức B2B là phổ biến hơn. Nhiều HTX, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa số lượng lớn thông qua nhà phân phối để xuất khẩu.
Nhưng thời điểm này, nhiều HTX, doanh nghiệp lại quan tâm tới hình thức B2C, bởi cơ hội tiếp cận khách hàng trực tiếp đối với HTX, doanh nghiệp hiện nay dễ hơn thông qua nền tảng xã hội. Đó cũng là lý do nhiều HTX, doanh nghiệp đang tập trung vào hình thức kinh doanh này.
Cần "chỉ dấu" cho hàng Việt bán trên kênh online
Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm Giám đốc Điều hành kênh thương mại điện tử E2E cho biết, trong 3 tháng đầu áp dụng bán hàng online, doanh nghiệp cũng rất thất vọng, lo lắng và chông chênh vì không biết có thu được thành quả từ thương mại điện tử hay không. Nhưng đến nay, phần lớn nguồn thu của doanh nghiệp là từ thương mại điện tử, đã chứng minh đây là hướng đi thành công.
Theo bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc HTX Thịnh Phong (Lào Cai), thương mại điện tử không chỉ giúp những quả dứa Lào Cai được sơ chế, đóng gói và chuyển đi khắp mọi nơi trên cả nước, mà còn quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại cho nông sản địa phương. Điều này giúp HTX giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm, tăng doanh thu và lợi nhuận.
Từ thực tiễn của Tập đoàn KIDO và HTX Thịnh Phong, giới chuyên gia cho rằng các HTX cần phải có lộ trình rõ ràng mới có thể bứt phá và thu được hiệu quả từ thương mại điện tử.
HTX cũng cần mạnh dạn đổi mới, bởi khi làm thương mại điện tử sẽ có những điểm khác biệt so với cách làm truyền thống nên có thể gây thất vọng trong thời gian đầu. Nhưng nếu biết thử và biết tìm ra cái sai sẽ đồng nghĩa với việc HTX sẽ tìm ra hướng đi phù hợp cho kênh bán hàng online.
Đặc biệt, khi xác định bán hàng bằng thương mại điện tử có nghĩa là sẽ liên quan đến công nghệ rất nhiều, nên HTX cần quan tâm đầu tư, cải thiện điều này.
Ông Trần Quốc Bảo cho biết, trước đây, hàng Việt thuận lợi trong tham gia các gian hàng hội chợ, xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước là nhờ mặt hàng đó được dán logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”. Nhưng với các mặt hàng bán trên kênh thương mại điện tử hiện nay đang gặp khó khăn do chưa có “chỉ dấu” nhận biết như vậy.
Hiện mới có hàng hóa được chứng nhận OCOP, nhưng đây là chứng nhận cho riêng mặt hàng nông đặc sản địa phương, nên vẫn cần một chỉ dấu rộng rãi hơn với tất cả các mặt hàng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, HTX trong bán hàng online.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/htx-vuon-minh-trong-ky-nguyen-so-1103788.html