Hứa hẹn nhiều đổi mới
Năm học mới hứa hẹn nhiều đổi mới với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen...
Sau lễ khai giảng diễn ra đồng loạt trên khắp cả nước, năm học 2023 - 2024 với chủ đề “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo” chính thức bắt đầu. Năm học mới hứa hẹn nhiều đổi mới với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Trong lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông, năm học 2023 - 2024 có thể coi là giai đoạn “bứt tốc” - như cách nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn - để chuẩn bị cán đích trong năm học tiếp theo, khi Chương trình GDPT 2018 “phủ” tất cả lớp ở 3 cấp học phổ thông.
Đây là năm học chương trình mới triển khai với lớp 4, lớp 8, lớp 11 với những yêu cầu - được người đứng đầu ngành Giáo dục một số lần nhấn mạnh - là đổi mới cần đi vào chiều sâu ở từng môn học, hoạt động giáo dục.
Đơn cử với môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT yêu cầu tăng cường khai thác, sử dụng nguồn sử liệu khác nhau để tái hiện, phục dựng lịch sử khoa học, khách quan, chân thực; đồng thời gắn với hoạt động thực hành, thực tiễn nhằm phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Dạy học các môn học/chuyên đề học tập lựa chọn ở THPT, Bộ GD&ĐT nâng lên một bước khi khuyến khích nhà trường tổ chức riêng các lớp học, linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của người học…
Với mầm non, năm học 2023 - 2024 cũng là một cột mốc khi triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới, dự kiến tại 120 trường học trong 40 huyện trên cả nước. Sau đó, hoạt động thí điểm mở rộng hơn trong năm học 2024 - 2025 ở tất cả cơ sở giáo dục mầm non của 40 huyện.
Trường chọn thí điểm đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội; có cả vùng thuận lợi, khó khăn, công lập và ngoài công lập…, Bộ GD&ĐT đã có hành trình từ đầu năm 2022 chuẩn bị cho việc này: Lên kế hoạch triển khai các hoạt động xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục mầm non mới; thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký, Ban biên soạn Chương trình; xây dựng dự thảo Chương trình; thử nghiệm một số nội dung mới; điều chỉnh dự thảo 1 và thẩm định dự thảo 2 Chương trình giáo dục mầm non mới để thực hiện thí điểm…
Giáo dục đại học trong năm học mới tiếp tục lộ trình tự chủ nhưng sẽ có động thái từ cơ quan quản lý để sớm tháo gỡ các khó khăn, mở đường cho tự chủ đại học phát triển mạnh mẽ; trước mắt là sớm điều chỉnh Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học và sửa Nghị định 99 hướng dẫn thi hành Luật này.
Năm học mới cũng hứa hẹn có những đổi mới về chính sách, đặc biệt liên quan đến đội ngũ. Trong đó có việc chuẩn bị, xây dựng Luật Nhà giáo, dự kiến hoàn thành và trình Quốc hội vào năm 2024; đề xuất nâng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non, tiểu học; đề nghị đưa giáo viên mầm non vào đối tượng làm công việc nặng nhọc, độc hại; điều chỉnh Nghị định 116 nhằm tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế đặt hàng của địa phương, hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm…
Những điểm mới của năm học hứa hẹn đem đến kết quả, thành tựu mới. Tất nhiên quá trình triển khai sẽ đối diện không ít khó khăn, thách thức. Thách thức khách quan khi điều kiện cho đổi mới còn chưa bảo đảm. Thách thức chủ quan là sự vượt lên chính mình trong nội bộ ngành để khẳng định chất lượng giáo dục và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin từ xã hội.
Ngành Giáo dục, các thầy cô giáo không thể đơn độc vượt qua khó khăn ấy. Như khẳng định trong Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2023 - 2024: “Giáo dục, rèn luyện các em là nhiệm vụ chung của nhà trường - gia đình và xã hội”. Theo đó, cùng với đam mê, tâm huyết, bản lĩnh của đội ngũ thầy cô giáo; đồng hành của các bậc phụ huynh; còn cần sự chăm lo bằng những quyết sách kịp thời và đúng đắn của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hua-hen-nhieu-doi-moi-post653190.html