Huế báo cáo Thủ tướng vụ hơn 1.400 cây rừng phòng hộ ven biển bị chặt hạ trái phép
Ngày 15/7, UBND TP Huế đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy liên quan đến vụ việc nghiêm trọng: Hơn 1.400 cây rừng ven biển thuộc địa bàn phường Phong Quảng (trước đây là xã Quảng Công) bị chặt hạ trái phép.
Theo báo cáo, diện tích rừng bị khai thác nằm tại các lô 152 và 161, khoảnh 1, tiểu khu 89, với tổng diện tích 3,1416 ha. Trong đó có 2,5843 ha thuộc rừng phòng hộ và 0,5573 ha là rừng sản xuất.
Tổng cộng 1.461 cây keo lưỡi liềm bị chặt, chủ yếu nằm trong diện tích rừng phòng hộ ven biển – một phần quan trọng trong hệ thống chắn gió, giữ cát, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện trường rừng phòng hộ ven biển bị cưa hạ ở Huế
Khu vực rừng bị chặt nằm trong Dự án trồng rừng phòng hộ vùng cát được triển khai từ năm 2008. Ban đầu, diện tích này do Ban Quản lý Dự án trồng rừng quản lý và giao cho nhóm hộ ông Lê Nguyễn Sĩ chăm sóc, bảo vệ. Giai đoạn 2012–2020, UBND huyện Quảng Điền tiếp tục giao khoán cho nhóm hộ trên. Từ tháng 10/2020, UBND xã Quảng Công (nay là phường Phong Quảng) trực tiếp quản lý diện tích rừng này.
Đáng chú ý, ngày 31/12/2024, UBND xã Quảng Công kiểm tra hiện trường để đánh giá thiệt hại rừng sau bão. Sau đó, ngày 18/2/2025, Ban Chấp hành Đảng ủy xã tổ chức họp mở rộng, thống nhất chủ trương thanh lý rừng bị gãy đổ theo đề xuất của UBND xã.
Một ngày sau, 19/2, UBND xã Quảng Công tiếp tục họp và thống nhất bán lại 8ha rừng trồng sản xuất tại thôn An Lộc cho ông Nguyễn Văn Quốc (trú tại TP Huế) với giá 85 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình khai thác thực tế chỉ diễn ra trên diện tích 3,1416 ha – trong đó phần lớn là rừng phòng hộ chứ không phải rừng sản xuất như được thống nhất.

Hơn 1.400 cây rừng phòng hộ ven biển bị chặt hạ trái phép
Hạt Kiểm lâm TP Huế phát hiện và đình chỉ hoạt động khai thác vào ngày 2/7 khi ông Nguyễn Văn Quốc đang thực hiện chặt hạ cây rừng tại khu vực nói trên. Qua làm việc, ông Nguyễn Đình Thông – Chủ tịch UBND xã Quảng Công thời điểm đó, hiện là Phó Chủ tịch UBND phường Phong Quảng – thừa nhận việc bán rừng dựa trên sự thống nhất nội bộ trong xã, nhưng việc khai thác lại lấn vào diện tích có chức năng là rừng phòng hộ.
Ông Nguyễn Văn Quốc khai rằng sau khi có thỏa thuận, ông đã thuê 6 lao động từ Quảng Trị vào khai thác rừng trong khoảng 12 ngày (từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/2025). Vị trí rừng được ông Lê Nguyễn An, cán bộ địa chính xã chỉ rõ và giám sát thường xuyên trong quá trình chặt hạ. Gỗ thu được (khoảng 10 xe) được vận chuyển bán cho Công ty Cổ phần năng lượng sinh học Huế với giá 900.000 đồng/tấn.
Toàn bộ số tiền mua rừng là 85 triệu đồng, ông Quốc chuyển khoản cho bà Cao Thị Thủy, thủ quỹ UBND xã Quảng Công vào ngày 19/4. Tuy nhiên, đến ngày 14/5, do chưa khai thác hết diện tích 8ha như cam kết, UBND xã Quảng Công yêu cầu hoàn tiền.
Sau đó, ông Quốc tiếp tục chuyển khoản 30 triệu đồng cho ông Nguyễn Đình Thông và đưa thêm 35 triệu đồng tiền mặt cho ông Lê Nguyên Oai, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Công ngay tại phòng làm việc.
Trước những dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng, UBND TP Huế đã chỉ đạo Công an thành phố điều tra, làm rõ và xử lý vi phạm theo quy định. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Môi trường được giao chủ trì phối hợp các đơn vị liên quan, tiếp tục củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đặc biệt là trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ.
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng buông lỏng quản lý tài nguyên rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ ven biển – “lá chắn xanh” sống còn trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm thực đang đe dọa nghiêm trọng khu vực duyên hải miền Trung.