Huế ngày mưa

'Đường Huế sao dài quá, bóng người xa quá xa…'

Du khách dạo bộ qua cầu Trường Tiền

Du khách dạo bộ qua cầu Trường Tiền

Cứ vào cuối thu, mưa Huế bắt đầu, khung cảnh thành phố dần ảo mờ trong mưa, những con đường của Huế dài ra như lời trong bài hát của cố nhạc sĩ Quốc Dũng.

Tiếng mưa rơi đều trên những mái nhà, giọt thánh thót từ những hàng cây, hòa trong tiếng chuông mõ chùa chiền, nhà thờ. Người ta nói đến nước Anh mới có cảm nhận về đất nước sương mù, đến Ả Rập mới biết thế nào là khí hậu cảnh quan vùng sa mạc; đi Tây Tạng mới biết thế nào là núi tuyết, sông băng; đi Nga mới biết thế nào là mùa đông lạnh giá. Đến Huế ngày nắng đã đẹp nhưng đến Huế mùa mưa, tâm hồn nhạy cảm một tý sẽ có những chiêm nghiệm về mưa và cảnh vật Huế trong mưa.

Người nơi khác thường đến Huế vào mùa hè, mùa thu và họ chỉ thấy Huế đẹp trong hai mùa đó, góp cho những nhận định về Huế chỉ trong hai mùa. Chỉ hai mùa đó, Huế cũng không hơn hẳn các thành phố khác về cái mới, độ hoành tráng hay nhộn nhịp ngựa xe. Thậm chí, nếu không có di sản thì Huế không phải là địa chỉ cuốn hút khách du lịch. Huế có di sản Thế giới về cảnh quan thiên nhiên, về văn hóa – lịch sử, là trung tâm văn hóa Phật giáo với hàng trăm ngôi chùa, cũng là một trung tâm văn hóa công giáo với những nhà thờ lớn và có kiến trúc cực đẹp, là thành phố vườn với mật độ cây xanh bao phủ lớn đến mức còn được gọi là thành phố trong rừng nên là địa chỉ tìm đến của nhóm khách du lịch văn hóa, tâm linh.

Nói đến Huế du lịch để mua sắm thì không đúng lắm vì hàng hóa, sản vật Huế có đầy ở các siêu thị trên toàn quốc, tiệm may áo dài Huế do các thợ may Huế cắt may có khắp các thành phố lớn. Đến Huế để đi du lịch đúng nghĩa là lang thang vào Đại Nội, đi chậm dọc các con đường, dọc hai bên sông Hương, đến thăm các lăng tẩm hoàng gia thuở trước, ghé vài ngôi chùa lớn thuộc hàng Quốc tự như Bảo Quốc, Từ Đàm, Thiên Mụ hay cuối chiều vào trong thánh đường Dòng Chúa cứu thế để nghe tiếng chuông nhà thờ rền vọng không gian. Ẩm thực Huế đã được định danh trong cả nước, khu vực, châu lục và cả thế giới với những món ăn ngon nổi tiếng như các món ngự thiện hoàng gia xưa hay những món dân dã như bún bò, cơm hến, nem, tré đã sang đến cả Pari hay Cali (Hoa Kỳ). Đến Huế, đi chơi, đi du lịch ngoài nhìn ngắm, chiêm ngưỡng di sản, di tích, thỏa mãn tâm linh thì còn có việc hưởng thụ ẩm thực vùng miền.

Đến Huế vào mùa mưa để chìm vào cùng mưa rơi trên kinh đô Huế, ướt một tý trên những cung đường Huế rồi đến những quán ăn ngon xứ Huế để vừa thổi, vừa ăn. Món ăn Huế hay có mùi ruốc hoặc nước mắm, khá cay vị ớt, vị tiêu. Người Huế kỹ tính khi nấu ăn, âu cũng từ các công đoạn nấu nướng, phục vụ hoàng gia, quan quyền ngày trước mà định hình cách thức chế biến và sắp đặt. Kỹ lưỡng, chi tiết, bắt bông bẻ bài thì mệt, rườm rà nhưng ăn ngon, khác với ẩm thực vùng khác. Ăn xong, lại đi trong mưa khi to khi nhỏ, khi rả rích, khi rào rào tìm một quán cà phê có dấu xưa, có tiền cảnh, ngồi nhấp từng ngụm, nghe những bản nhạc xưa trữ tình nhung nhớ. Nhạc trong quán cà phê ở Huế chủ yếu các giai điệu xưa, âm thanh của bộ dây, bộ hơi, ít âm thanh bộ gõ hoặc nhạc trẻ, nhạc điện tử. Có người nói đó là bản tính của người Huế như vậy. Tôi thì cho rằng do dấu ấn của nhạc cung đình xưa trang nghiêm, kính cẩn, lựa chọn nên các dòng nhạc dân dã không được chuộng cho lắm. Từ đó, trong căn tính người Huế không có ồn ào, suồng sã trong nói năng, ứng xử và cả hưởng thụ âm nhạc.

Đi trên những con đường Huế khi mưa để cảm nhận Huế xưa dưới góc nhìn lâu đài, thành quách, lăng tẩm trải qua tác động của thời gian và không gian. Mùa nắng cháy da, oi nồng, ràn rạt gió Lào quạt thổi, mùa mưa trắng xóa những mái ngói lưu ly, cung điện đền đài, những mảng tường ướt nhại ẩm mốc, nước đọng bốn bề không kịp thoát. Thời gian trôi, đất trời chuyển vận bốn mùa, đá cũng mòn, hoàng triều phế bỏ, kinh kỳ một thuở nay thành cố đô. Con người một thuở áo dài, khăn đóng bài ngà, mũ cánh chuồn, hia thêu rồng phượng nay đồng phục công sở hay sơ mi, quần tây, giày da, tay xách hay lưng đeo laptop, thế sự đổi thay nên đến Huế để nghe, nhìn, hiểu về quá khứ chứ đừng ôm cái hũ quá khứ chạy vòng quanh và tuyên ngôn, lập ngôn về quá khứ quá nhiều.

Sau cơn mưa, Huế bừng sáng trên những con đường, trên những mái nhà, trên những gương mặt người đi qua. Những con đường Huế lúc ấy sạch đến lạ lùng. Tôi đã đi gần hết các thành phố trên đất nước này nhưng có thể nói, chưa có thành phố nào sạch như thành phố Huế. Các đường phố được quét dọn sạch sẽ, công viên, cây xanh được định kỳ cắt tỉa gọn gàng mặc dù diện tích trồng cây của Huế chắc là cao nhất nước.

Những con đường của Huế vì thế cũng tuyệt đẹp cả ban ngày và ban đêm. Đường Lê Lợi lúc nào cũng nồng nàn mùi long não, đường Lê Duẩn trồng toàn phượng đỏ hai bên, mùa xuân dịp tết từ cửa Quảng Đức đến cầu Dã Viên phía kinh thành bạt ngàn mai vàng nở rộ. Đường 23/8 – Đoàn Thị Điểm rợp bóng phượng và xà cừ, rồi đường Lê Huân, đường Đặng Thái Thân, hai phía tây và bắc của Đại Nội che bóng cây xanh. Con đường mới mở rộng là đường Kim Long, đường Nguyễn Phúc Chu cùng đường đi bộ ven sông uốn theo dòng sông Hương lên Thiên Mụ cũng là một cung đường đẹp và mang lại nhiều tiện ích cho Nhân dân, tôn thêm vẻ đẹp của sông Hương, di sản thiên nhiên thế giới...

Đến Huế, bạn hãy đi trên những con đường của Huế, nhất là những con đường Hoàng gia, nghe tiếng vọng của thời gian, của ngày xưa cũ, nhìn ngắm không gian Huế cả bốn mùa, ăn những món ăn Huế và tìm nghe lại những bản nhạc Huế xưa. Nếu bạn nghe tôi, bạn sẽ thấy Huế đẹp cả bốn mùa.

Chiều nay gió mùa đông bắc lại về, Huế lại mưa, mưa nhỏ thôi...

Bài: Lê Nam Hải - Ảnh: D. Trương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/hue-ngay-mua-135728.html