Huế triển khai nhiều sáng kiến quốc tế hóa văn hóa Việt Nam

HNN.VN - Khẳng định này được UVTV Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình đưa ra tại hội thảo toàn quốc về đề án 'Quốc tế hóa văn hóa Việt Nam và Việt Nam hóa văn hóa quốc tế'.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo

Hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hiều 22/5 tại Hà Nội với sự tham gia của lãnh đạo bộ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Các đại biểu ở Huế tham dự thông qua hình thức trực tuyến tại điểm cầu UBND thành phố, do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình chủ trì.

Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 8 di sản đã được UNESCO vinh danh. Cùng với đó, Cố đô Huế cũng là nơi có các di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá và hàng trăm lễ hội, hàng chục làng nghề truyền thống, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng… đã hình thành nên nét văn hóa riêng có.

Từ ngày 1/1/2025, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương, định hướng xây dựng và phát triển Huế là thành phố di sản văn hóa đầu tiên của Việt Nam. Vì vậy, bên cạnh việc bảo tồn giá trị đặc sắc theo phương thức truyền thống, Huế đã từng bước thí điểm, khai thác, phát huy theo sự vận động của thời đại với tinh thần “Huế luôn luôn mới”, “Huế vươn mình cùng kỷ nguyên mới của dân tộc”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Huế Nguyễn Thanh Bình, địa phương luôn ý thức sâu sắc giá trị văn hóa truyền thống là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, mà còn là nguồn lực vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Từ thực tiễn quản lý, TP. Huế cho rằng, việc quốc tế hóa văn hóa Việt Nam nói chung, Văn hóa Huế nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn trong công cuộc quảng bá và khai thác phát huy giá trị dân tộc.

Quảng bá giá trị văn hóa Huế ở Ý. Ảnh: Trần Thiện

Quảng bá giá trị văn hóa Huế ở Ý. Ảnh: Trần Thiện

Trong đó, đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính định hướng. Có thể kể đến như khai thác, phát huy triệt để các kênh truyền thông trong nước và quốc tế, mạng xã hội; tập trung khai thác các giá trị di sản văn hóa đặc sắc của Huế, mang tính “duy biệt” về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên xứ Huế; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các danh hiệu đã được vinh danh như Huế - Thành phố Văn hóa ASEAN, Thành phố Festival của Việt Nam, Thành phố Du lịch Sạch ASEAN, thành phố xanh quốc gia... cũng như tiếp tục ứng cử các danh hiệu mới như Thành phố sáng tạo UNESCO; tập trung lan tỏa giá trị nhân văn cao đẹp thuộc hệ giá trị văn hóa Huế, con người Huế đến với bè bạn quốc tế không chỉ thông qua các cuộc đón tiếp lễ tân, đối ngoại truyền thống của lãnh đạo chính quyền địa phương mà còn triển khai rộng rãi đến từng cơ sở, người dân, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ.

Ngoài ra, tập trung mở rộng các mối quan hệ đối tác, tiến tới và làm sâu sắc mối quan hệ thông qua ký kết và thực hiện các thỏa thuận quốc tế nói chung, trong đó có lĩnh vực văn hóa di sản nói riêng. Làm phong phú các hoạt động giao lưu, trao đổi hợp tác song phương, đa phương về văn hóa nghệ thuật với các nước láng giềng, các nước trong khu vực ASEAN và quốc tế qua nhiều hình thức khác nhau. Đăng cai tổ chức, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế, Năm Du lịch quốc gia tại Huế cũng như tại một số địa phương trong cả nước, hay thậm chí tại nước ngoài. Triển khai các hoạt động Festival Huế theo đề án Festival bốn mùa, trong đó điểm nhấn là Năm Du lịch quốc gia, Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2025…

N. MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/thong-tin-van-hoa/hue-trien-khai-nhieu-sang-kien-quoc-te-hoa-van-hoa-viet-nam-153881.html