Hùng Vương tứ hiếu Bài cuối: Lang Liêu
Trong thời đại Hùng Vương, nước Văn Lang là thời kỳ có lịch sử lâu nhất, quốc vận hưng thịnh nhất. Triều Hùng Văn Lang kéo dài hơn 800 năm (8 thế kỷ), từ khi vua Hùng đánh thắng giặc Ân (khoảng thế kỷ XI trước Công nguyên) cho tới khi chuyển sang nước Âu Lạc của An Dương Vương (thế kỷ III, năm 258 trước Công nguyên).
Tại vì sao triều Hùng nước Văn Lang lại có thể tồn tại thịnh trị đến hơn 800 năm? Dựa vào điều gì? Đó chính là "Hiếu" và "Đễ", như đã được lưu truyền về Lang Liêu, vị vua khai triều nước Văn Lang trong Truyện Bánh chưng.
Hiếu với trời đất
Truyện Bánh chưng kể, hoàng tử Lang Liêu nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: "Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý".
Vị thần nhân đã giúp Lang Liêu dùng gạo làm lễ vật kính tế trời đất không ai khác là Hậu Tắc, người được gọi là Nông sư. Tắc nghĩa là lúa tẻ, tức là lúa nước. Cũng như sự tích Đế Thuấn đi cày ở Lịch Sơn Tuyên Quang, chuyện Hậu Tắc trồng lúa nước cho thấy đây chắc chắn là một nhân vật lịch sử thời kỳ Hùng Vương Thánh tổ dựng "xã tắc" họ Hùng ở vùng đất tổ Phong Châu.
Sách Việt điện u linh cho biết "Đế Quân tên là Hậu Tắc, là thủy tổ nhà Chu dạy dân trồng trăm thứ lúa. Phàm là dựng nước lập đô đều lập xã tắc đàn xuân thu làm lễ tế". Các triều đại Lý, Trần, Lê nước ta đều tôn thờ ông Hậu Tắc là "Thiên tổ địa chủ xã tắc đế quân", một vị thần quan trọng trong đại điển lễ tế quốc gia hàng năm ở đàn Xã tắc và lễ Tịch điền. Dấu vết tục thờ Hậu Tắc tới nay vẫn còn ở vùng Vụ Bản, Nam Định, là ruộng tịch điền thời Lý Trần.
Lang Liêu dùng gạo ngon làm bánh chưng bánh dày với hình trời tròn đất vuông kính dâng lên tiên tổ Thiên Địa, tức là kính nhớ đến vị Thiên tổ Địa chủ Hậu Tắc. Dâng bánh chưng vào ngày Tết là cách để gợi lại ký ức nguồn cội, để nhắc nhớ công ơn tổ tiên của người Việt đã sáng tạo ra đồ ăn thức uống, nuôi sống con dân đất Việt. Chính sự hiếu với nguồn cội, tổ tiên ấy đã làm nên một vị vua Lang Liêu nối ngôi chính thống, đứng đầu trong các anh em Bách Việt.
Truyện Bánh chưng kể: "Công tử thứ 9 là Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày… Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Lấy tên là bánh Lang Liêu và gọi là Tiết Liêu".
Đình Hương Trầm ở phường Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ, nơi có cánh đồng nếp thơm xưa, tương truyền là nơi ở của Lang Liêu (phủ Lang Liêu). Đây cũng là nơi Lang Liêu đã gặp được thần nhân mách bảo và sáng chế ra bánh chưng bánh dày. Trước đây ở phường Dữu Lâu từng có miếu thờ Lang Liêu, nay đã bị thời gian phá hủy. Bài vị của Lang Liêu được đưa về đình làng Dữu Lâu để thờ phụng cùng với tam vị Tản Viên Sơn Thánh.
Con số 9 là số chỉ phương Tây trong Hà thư. Hoàng tử thứ 9 Lang Liêu nghĩa là thủ lĩnh của người Liêu Lão ở khu vực phía Tây đất nước. Lang Liêu chế ra bánh chưng vuông tượng trưng cho Đất, bánh dày tròn tượng trưng cho Trời, bao hàm đạo Âm Dương. Tức là Lang Liêu là người đã chế tác ra Kinh Dịch, một cuốn kinh chứa đựng những kiến thức triết học, bao trùm thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt thời cổ đại. Kinh Dịch là cuốn Thiên thư, là ánh sáng soi đường cho người Việt trong suốt lịch sử nước Văn Lang hơn 800 năm thịnh vượng.
Đễ - thân tình với anh em
Truyện Bánh chưng mở đầu: Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: "Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho".
Truyện Bánh chưng không đơn giản lại mở đầu bằng cách nhắc tới thời điểm phá xong giặc Ân. Bởi khi thắng giặc lớn cũng là lúc bắt đầu một triều đại mới. Chính vì thế vua Hùng mới cần tìm một người kế vị mới lên làm minh quân. Triều đại mới này là Văn Lang, bởi trước đó đang là thời của nước Xích Quỷ hay Việt Thường từ Lạc Long Quân.
Theo Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả, dòng 50 người con theo mẹ lên núi đã tôn Hùng Quốc Vương lên làm vua, lập nước Văn Lang đóng đô Phong Châu. Người khởi dựng Văn Lang do đó chính là Lang Liêu. Cũng vì thế, món đồ tế trời đất của Lang Liêu có ý nghĩa rất lớn, bởi đó là nghi lễ dùng mở ra một thời đại mới. Từ đó cho nên bánh chưng bánh dày mới dùng làm đồ tế lễ cho ngày Tết ("Tiết liệu" tức là đồ ăn ngày Tết), là khi mở đầu một năm mới, bắt đầu một chu kỳ sinh trưởng mới của Đất Trời.
Truyện Bánh chưng ghi: "Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi hai anh em đều chia nhau giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở".
Còn Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể là khi người con trưởng của Âu Cơ là Hùng Quốc Vương lên ngôi, "Vua cha bèn dựng hầu lập bình phong, chia nước làm 15 bộ, xác định cương giới, các đầu núi góc biển, cử ra trăm quan trấn thủ, gìn giữ các phương… Vua mới phân quan lại, định các xứ, cai quản vạn dân. Khi đó lệnh cho anh em trăm trai có tài thần báu trời, cai quản rõ ràng các nơi. Trăm nơi núi sông một mối, xe sách quy mô chế độ đồng nhất, bốn biển một nhà, xưng thần phụ thuộc".
Lang Liêu sau khi thắng giặc Ân đã lên ngôi thiên tử, phân phong cho các anh em và công thần ở các nơi đầu non góc biển làm các chư hầu, gọi là phiên trấn, phên dậu bình phong. Đây chính là nói đến sự khởi đầu của chế độ phong kiến (phong tước và kiến địa) trong sử Việt.
Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả kể tiếp: "Bấy giờ vua truy ơn các bậc thánh trước, bèn thực hiện việc chia đất phân cõi, lập các bộ Sơn tinh Thủy tinh, định làm trăm vương, đổi làm trăm họ, đặt ra chức vụ trăm quan, phong tên cho trăm thần, phân chia đầu núi góc biển, hùng cứ mỗi phương. 50 tên tộc trấn ở các đầu núi, cửa khe non ngàn, cùng gọi là quan lang, phiên thần, thổ tù phụ đạo. 50 tên tộc trấn ở các góc biển, vực suối cửa sông, cùng là các thần linh trên nước, tiện để bảo hộ dân sinh, giúp phù tông xã. Dựng hầu lập bình phong, chia nước thành 15 bộ. Đất đai 15 bộ này được xác định cương giới, định người trưởng quân gọi là Bô (bố), cha gọi là Trá (cha), con trai gọi là Côn (con).
Nam nữ đều xem theo dòng cha mà xưng. Hậu thế đổi thành quan lang, phiên thần, thổ tù, phụ đạo. Cháu chắt của các công thần khai quốc được cha truyền con nối, vạn đời nối giữ Nam Bang. Còn các nhánh tông phái của các bộ chủ Hùng Vương đời đời trị nước, truyền mãi nước Nam."
Thời kỳ này cũng được Hùng Vương Thánh Tổ Ngọc phả gọi là thời Trị bình kiến phu, tức là trị quốc bình thiên hạ, kiến lập các nước chư hầu, tương đương với khái niệm "phong kiến" sau này. Chính sự "đễ" - tình đoàn kết giữa những người con cùng bọc đồng bào là sợi dây kết nối giữa các nước chư hầu của nước Văn Lang. Trăm anh em, trăm nước chư hầu, đều phục tùng người kế vị chính thức là Lang Liêu, dựng nên một thiên hạ họ Hùng rộng lớn bền vững.
Câu đối ở đình Bảo Đà cũng ở phường Dữu Lâu, Việt Trì, Phú Thọ:
Sổ thiên niên vương tá thủy chung, phụ tử quân thần khai chửng điểm
Thập ngũ bộ thiên phân thảo dã, sơn hà nhật nguyệt cộng trường tồn.
Tạm dịch:
Mấy ngàn năm giúp đế trước sau, cha con vua tôi mở nơi cứu giúp
Mười lăm bộ trời chia đồng nội, núi sông ngày tháng cùng nhau mãi còn.
Truyện Bánh chưng kể: "Về sau, anh em tranh giành nhau làm trưởng, mỗi người dựng "mộc sách" (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phường bắt đầu có từ đây vậy".
Nước Văn Lang liệt quốc cũng bởi mất đi sự hiếu đễ, mất đi lễ nghĩa căn bản, dẫn đến sự tranh giành, phân tách giữa các chư hầu, chiến loạn liên miên, thiên hạ không lúc nào được ngơi.
Sách Luận ngữ dẫn lời Khổng Tử nói: "Này các đệ tử, đầu tiên là hiếu, sau là đễ, cẩn thận mà đáng tin, yêu chúng dân cùng người thân..." Hiếu đễ là cái gốc của con người, của gia đình, là nền tảng làm nên quốc gia và thiên hạ thịnh vượng.
Thay cho lời kết, xin ghi lại câu chuyện hiếu đễ của Lang Liêu với bài thơ Hiếu với trời đất:
Tôi nghe kể chuyện nước Văn Lang
Lang Liêu dâng cha chẳng bạc vàng
Mà tấm lòng thành gói trời đất
Vuông tròn đúc đủ tình thế gian.
Âm dương một đạo để ngàn đời
Rọi sáng đường đi cả tộc người
Bánh chưng bánh dày vui ngày Tết
Tưởng nhớ Lang xưa với Sách trời.