Hưng Yên: Năm 2030 đưa ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Theo định hướng đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hưng Yên sẽ đủ năng lực sản xuất và cung cấp linh kiện, phụ tùng cho một số ngành công nghiệp trong nước và từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu vào năm 2030.

Đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo, Hưng Yên định hướng đến năm 2025 sẽ sản xuất khuôn mẫu, dập, đúc, đồ gá, gia công chính xác, chi tiết máy các loại và linh kiện, thiết bị máy động lực, máy nông nghiệp đạt sản lượng 500-600 nghìn sản phẩm các loại; thép chế tạo đạt khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm các loại.

Dự kiến đến năm 2030, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí kim loại đạt 1.000-1.200 nghìn sản phẩm và thép chế tạo đạt 250-300 tấn sản phẩm các loại. Đối với lĩnh vực thiết bị điện, điện tử, tỉnh này định hướng đến năm 2025 sẽ sản xuất linh kiện điện tử, vi mạch điện tử đạt sản lượng 12-15 triệu sản phẩm các loại.

Công ty TNHH dụng cụ An Mi (Hưng Yên) sản xuất các sản phẩm cơ khí cung cấp cho công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Báo Nhân dân

Công ty TNHH dụng cụ An Mi (Hưng Yên) sản xuất các sản phẩm cơ khí cung cấp cho công nghiệp trong nước và xuất khẩu. Ảnh: Báo Nhân dân

Để thúc đẩy ngành công nghiệp cơ khí nói chung và công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí nói riêng, Hưng Yên đã xây dựng những chính sách về vay vốn, thuế để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cơ khí cũng như các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ cho ngành này. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu về các thông tin thị trường, giá, nhà sản xuất để cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hoạt động trong ngành cơ khí.

Tỉnh này thực hiện gia tăng các chương trình, biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế với mục tiêu thúc đẩy ngành cơ khí phát triển mạnh mẽ hơn, đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ đạo. Trong đó, tiếp tục tập trung hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các lĩnh vực cơ khí phục vụ các ngành cơ khí ô tô, xe máy, cơ khí xây dựng, thiết bị vật tư ngành điện. Đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để gia tăng cơ hội tiếp cận nhiều bạn hàng lớn và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm cơ khí của tỉnh.

Theo Sở Công Thương Hưng Yên, cơ cấu sản phẩm công nghiệp cơ khí của tỉnh ngày càng đa dạng như: Luyện cán thép (làm nguyên liệu), đúc thép, đúc hợp kim, sản xuất động cơ, đúc chi tiết máy công nghiệp... Trong đó, tập trung ở 3 phân ngành chính, gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô.

Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất linh kiện ngành cơ khí của tỉnh có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như khuôn mẫu các loại, linh kiện cơ khí, dây cáp điện, linh kiện nhựa, cao su kỹ thuật. Thêm vào đó, nhu cầu của thị trường công nghiệp hỗ trợ rất lớn nên nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để nâng cao năng lực sản xuất, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm chất lượng, phục vụ doanh nghiệp FDI, hướng vào xuất khẩu sản phẩm cơ khí.

Sở Công Thương Hưng Yên chia sẻ thêm, với việc Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các doanh nghiệp cơ khí công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước những cơ hội lớn, có ưu thế hơn khi có thể xuất khẩu tới các thị trường, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Hiện nay, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy, khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô, khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Trong một số lĩnh vực trọng yếu, các doanh nghiệp cơ khí của tỉnh có thể làm chủ được công nghệ, sản xuất chế tạo các loại thiết bị cơ khí phục vụ ngành khai khoáng, nhiệt điện, hóa chất, các thiết bị đồng bộ phục vụ chế tạo các nhà máy công nghiệp… Điển hình như: Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam, Công ty TNHH Cơ khí chính xác Ding Hong, Công ty CP Khuôn mẫu TOMOCO Việt Nam…

Trong đó, Công ty TNHH Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam (VAP) là chủ đầu tư Nhà máy Sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy Việt Nam với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD. Đây là một trong những mô hình hợp tác thành công đầu tiên giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy tại Việt Nam.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hung-yen-nam-2030-dua-nganh-cong-nghiep-ho-tro-tham-gia-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-94612.html