Hungary và Slovakia đang giấu giếm điều gì đằng sau dòng dầu khí từ Nga?
Kế hoạch từ bỏ nhiên liệu Nga của EU không phải là rủi ro an ninh năng lượng đối với Hungary và Slovakia — nhưng có thể khiến hai quốc gia thân Kremlin này mất hàng trăm triệu euro lợi nhuận, theo một nghiên cứu mới.

Ảnh Politico
Phân tích này từ Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ và Trung tâm Nghiên cứu về Năng lượng và Không khí sạch (CREA) — hai tổ chức ủng hộ việc EU cắt đứt quan hệ năng lượng với Nga — cho thấy Hungary và Slovakia có nhiều lựa chọn thay thế cho dầu và khí đốt từ Nga, nhưng lại không tận dụng. Thay vào đó, hai nước này đã sử dụng các ngoại lệ trong lệnh trừng phạt để gia tăng sự phụ thuộc vào nhiên liệu Nga.
Điều đó đã mang lại hàng tỷ euro cho Kremlin. Kể từ xảy ra xung đột ở Ukraine, Moscow đã thu được khoản thuế 5,4 tỷ euro từ việc bán dầu cho Hungary và Slovakia, theo nghiên cứu.
“Hungary và Slovakia không cho thấy dấu hiệu thực sự nào về việc tách khỏi dầu thô Nga, mặc dù văn bản pháp lý của EU nêu rõ rằng mục tiêu của ngoại lệ này là để tạo điều kiện cho việc đó,” các nhà nghiên cứu kết luận. “Hungary đã tăng mức phụ thuộc vào dầu thô Nga từ 61% trước xung đột lên 86% vào năm 2024, còn Slovakia vẫn gần như phụ thuộc 100% vào nguồn cung từ Moscow.”
Đánh giá này xuất hiện vào thời điểm then chốt đối với cả hai quốc gia này, khi EU đang chuẩn bị đề xuất chấm dứt hoàn toàn mọi liên kết năng lượng với Nga. Hungary và Slovakia đã phản đối mạnh mẽ động thái đó, vì cho rằng nó sẽ làm tăng giá cho người tiêu dùng và đe dọa khả năng tiếp cận năng lượng của họ.
Hôm thứ Tư 14/5, hai nước đã đưa ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các đề xuất của EU, khi họ cho rằng những đề xuất này sẽ gây trở ngại hậu cần và khiến giá năng lượng cao hơn và biến động hơn. Không có quốc gia nào phản hồi yêu cầu bình luận cho ý kiến này.
Tuy nhiên, nghiên cứu khẳng định lập luận của hai nước không có cơ sở vững chắc. Cả hai quốc gia đều có thể nhập khẩu dầu không phải của Nga thông qua đường ống Adria từ Croatia. Ngoài ra, công ty năng lượng MOL của Hungary có khả năng lọc dầu từ các nguồn khác. Trong khi đó, nguồn cung khí đốt tự nhiên từ các nước như Mỹ và Qatar đang dồi dào trên thị trường Trung Âu.
“Việc Hungary và Slovakia tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt từ Nga không phải là kết quả của các rào cản kỹ thuật hay hạ tầng,” ông Martin Vladimirov, Giám đốc Chương trình Năng lượng và Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Dân chủ nhận định.
Hai quốc gia này vẫn có thể nhập khẩu dầu nhờ các ngoại lệ trong lệnh trừng phạt được EU thông qua vào năm 2022. Các ngoại lệ này nhằm tạo thời gian cho các quốc gia không giáp biển tìm kiếm nguồn cung năng lượng thay thế. Nhưng Budapest và Bratislava đã vận động hành lang để duy trì quyền tiếp cận nhiên liệu Nga, đồng thời thu về hàng trăm triệu euro thông qua các kẽ hở này.
Theo ông Luke Wickenden, nhà phân tích năng lượng tại CREA, người tiêu dùng trong khu vực không được hưởng lợi gì từ việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu Nga rẻ hơn.
“Giá xăng dầu tại cây xăng vẫn cao hơn mức trung bình EU từ 2-5% trong năm 2024,” ông nói. Trong khi đó, MOL của Hungary đã chứng kiến thu nhập tăng 34%. Và theo ông Wickenden, Chính phủ của Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã thu lợi lớn, chuyển hơn 500 triệu USD thuế bất ngờ từ dòng chảy dầu Nga, để bù đắp thâm hụt ngân sách trong nước.
Vấn đề này có khả năng trở nên căng thẳng trong vài tháng tới, sau khi Ủy ban châu Âu tuyên bố sẽ đề xuất luật cấm dần các hợp đồng khí đốt với Nga, và yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên lập kế hoạch chấm dứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, sẽ tổ chức các cuộc đàm phán song phương với hai nước này, để tìm cách tháo gỡ bất đồng, theo hai nhà ngoại giao EU được giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Tuy nhiên, Ủy viên Năng lượng EU Dan Jørgensen cho biết ông sẵn sàng thúc đẩy dự luật trên ngay cả khi có sự phản đối. Quan điểm của ông Jørgensen làm dấy lên suy đoán rằng Hungary và Slovakia có thể đe dọa chặn việc gia hạn trừng phạt Nga của EU, như một hành động trả đũa.
Thủ tướng Slovakia, ông Robert Fico, đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch của EU, gọi đó là “tự sát kinh tế”. Ông cho rằng việc cắt giảm hoàn toàn nguồn cung từ Nga sẽ làm tăng giá năng lượng và gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh của EU.
Ngoài ra, ông Fico đã chỉ ra rằng Slovakia có hợp đồng khí đốt dài hạn với Gazprom đến năm 2034 và việc chấm dứt hợp đồng này sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế quốc gia. Ông cũng bày tỏ sự không hài lòng với quyết định của Ukraine về việc ngừng trung chuyển dầu mỏ của công ty Lukoil qua lãnh thổ của mình, cho rằng điều này đe dọa nghiêm trọng đến nguồn cung năng lượng của Slovakia.
Về phía Hungary, goại trưởng Peter Szijjarto, đã tuyên bố rằng Hungary sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào của EU có thể cản trở việc vận chuyển khí đốt hoặc dầu mỏ từ Nga đến Hungary. Ông nhấn mạnh rằng nguồn cung năng lượng của Hungary không thể bị đe dọa.