Hương chè kê
Hương chè kê ngày Tết thật quyến rũ, nó mê hoặc tôi ngay từ thuở nhỏ. Mùi thơm của kê, vị ngọt của đường cát, vị cay của gừng, vị nồng của vôi; tất cả cùng hòa quyện trong bát chè đặc sánh...
Tháng chạp vừa sang, cái lạnh của mùa đông không ngăn được niềm vui đón chào năm mới và cả những lo toan cho 3 ngày tết đến...
Cũng như bao người chủ gia đình, tôi đã chuẩn bị chu đáo đón Xuân; mọi thứ đều sẵn sàng, chỉ tiếc là chưa tìm được món ăn đậm hương vị đất quê: Món chè kê!
Hương chè kê ngày Tết thật quyến rũ, nó mê hoặc tôi ngay từ thuở nhỏ. Mùi thơm của kê, vị ngọt của đường cát, vị cay của gừng, vị nồng của vôi; tất cả cùng hòa quyện trong bát chè đặc sánh...
Ngày tôi còn nhỏ, cứ đến 23 chạp cúng ông Công lên trời là Bà nội tôi lại nấu chè kê. Nội chuẩn bị từ sớm: vài bò kê đãi sạch, chút vôi pha loãng gạt bỏ cặn rồi bắc lên bếp nấu. Nấu đến khi nồi kê bắt đầu sôi là dùng đũa cả quấy đều tay để kê không bị vón cục. Khi thấy nồi cháo kê sánh lại nghĩa là đã chín thì cắt bánh đường cát và vài lát gừng thái nhỏ bỏ vào. Nội tôi bảo: “Món chè kê mà không có gừng, thì không thể thơm ngon được. Thứ chè kê, phải bỏ đường phên vào mới có màu vàng nâu, trông thật hấp dẫn; nhìn đã muốn ăn mấy bát. Tuy nhiên, thời ấy đường phên (thứ đường làm từ mật mía, để nguyên màu vàng nâu đổ lên phên rồi đóng thành bánh) cũng khá khan hiếm, toàn phải “mua chui”ngoài chợ; nên ngoài bỏ đường vào còn thêm chút muối cho nồi cháo kê ngọt sắc. Sau này toàn dùng loại đường đã tinh luyện, bỏ vào chè kê làm cho màu sắc không gợi cảm như trước nữa. Nhìn bát chè kê được múc ra dần sánh đặc, thơm phức được đặt lên bàn thờ, tôi cứ mong cho hương chóng tàn. Năm nào cũng thế, cứ nhìn những bát chè kê nâu vàng đầy hấp dẫn là tôi lại không thể ngăn được nước miếng ứa ra..
Chè kê càng để lâu trong những ngày Tết càng ngon, hình như cái lạnh của mùa đông thấm dần vào từng hạt kê nhỏ; làm ta có cảm giác nuốt đến đâu, cái mát lạnh và vị ngọt trôi theo đến đó khiến cho tinh thần thêm sảng khoái.
Kể cũng lạ, từ những hạt kê nhỏ xíu, chỉ bằng cái đầu tăm, lại có thể sinh ra những cây kê to khỏe. Những thân kê cao tới hơn một mét vững chãi, hút lấy tinh khí của đất trời, trổ những bông to gấp 5, 6 lần bông lúa, trĩu hạt, đong đưa trong nắng chiều khiến ta vui mắt. Cứ đến tầm tháng 5 âm lịch, kê bắt đầu Hạt kê nhỏ như vậy, song khi nấu lên lại làm thành một món ăn thật khoái khẩu, ăn vào là nhớ mãi...Sau này, lớn lên; đang ở trong quân ngũ cứ mỗi khi Tết đến, tôi lại ao ước được nội nấu chè kê...
Giờ đây cuộc sống đã đủ đầy, các món cao lương mĩ vị làm cho người ta quên đi thú quê dân dã, ít ai còn nhớ tới bát chè kê từng được trân trọng đặt trên bàn thờ cúng ông bà ông vải trong những ngày đón xuân. Nội tôi cũng đã về cõi vĩnh hằng, Mẹ thảng hoặc mới nấu chè khi tôi nhắc; nhưng mùi hương chè kê như đã thấm vào máu thịt tôi và ngân lên da diết mỗi độ Xuân về... (23 chạp năm Quý Mùi)
* Hội VHNT NĐ, Hội VHNT Trường Sơn
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/huong-che-ke-a22082.html