Hướng dẫn địa phương chuyển tiếp công việc khi sáp nhập tỉnh, xã và bỏ cấp huyện

Chính phủ yêu cầu xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền trong tháng 4 để hướng dẫn các địa phương chuyển tiếp công việc khi sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện.

Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3. (Ảnh: VGP)

Chuẩn bị trình nghị quyết về sáp nhập tỉnh, xã

Tại nghị quyết, Chính phủ quán triệt các bộ, cơ quan, địa phương tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả của bộ máy Nhà nước sau khi sắp xếp.

Bên cạnh đó, chú trọng phân định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương khi chuyển từ mô hình chính quyền địa phương 3 cấp thành 2 cấp, gắn với đẩy mạnh phân cấp từ Trung ương cho chính quyền địa phương.

"Các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền trong tháng 4 để hướng dẫn các địa phương chuyển tiếp công việc, bảo đảm không để gián đoạn công tác quản lý ngành, lĩnh vực ở địa phương khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã", nghị quyết nêu.

Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện tờ trình, đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp bảo đảm đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, thực tiễn để trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua.

Bộ Nội vụ cần trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã; trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã theo đúng tiến độ, yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương.

Bộ Tư pháp có nhiệm vụ tổ chức thẩm định sớm các dự án luật, nghị quyết sẽ trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Cơ quan này cũng được yêu cầu tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền và trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua, giải quyết dứt điểm tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết trong tháng 4.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với thuế quan Mỹ

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Chính phủ đề cập là ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chủ động, linh hoạt, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương bám sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực, đánh giá đầy đủ tác động đối với kinh tế - xã hội nước ta để xây dựng kịch bản ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, không để bị động, bất ngờ.

"Khẩn trương triển khai các giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; tăng cường trao đổi thông tin, cùng đề xuất phương hướng hợp tác hiệu quả, thực chất thời gian tới phù hợp với các nỗ lực, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ và vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp hai nước", theo nghị quyết.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá chính xác tác động từ chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam. Từ đó, Bộ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4 phương án hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Mỹ.

Chính phủ cũng giao Bộ Tài Chính khẩn trương trình cấp có thẩm quyền dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng từ ngày 1/7/2025 đến ngày 31/12/2026 và Nghị định quy định chi tiết một số điều của Nghị quyết số 107/2023 của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu...

Ngân hàng Nhà nước được giao tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.

Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh cho vay ngắn hạn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do chính sách thuế quan của Mỹ; nghiên cứu xây dựng gói tín dụng ưu đãi cho người dưới 35 tuổi mua nhà, gói tín dụng ưu đãi khoảng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, công nghệ số vay dài hạn, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/huong-dan-dia-phuong-chuyen-tiep-cong-viec-khi-sap-nhap-tinh-xa-va-bo-cap-huyen-ar937050.html