Hướng dẫn học an toàn trên các nền tảng trực tuyến

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phát hành phiên bản 1 cẩm nang 'Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến' nhằm giúp giáo viên, học sinh và phụ huynh tự trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản để nhận biết nguy cơ mất an toàn thông tin trên không gian mạng cũng như trong quá trình dạy, học trực tuyến. Bản mềm được Cục An toàn thông tin đăng tải trên Cổng không gian mạng quốc gia tại địa chỉ https://khonggianmang.vn.

Cách vô hiệu hóa tính năng đăng nhập tự động

Cẩm nang gồm có 3 chương, trong đó, chương I - Nguy cơ mất an toàn thông tin chung; chương II - Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị dạy, học trực tuyến; chương III - Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm.

Ở chương II- Hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin cho thiết bị dạy, học trực tuyến, cẩm nang hướng dẫn người dùng máy tính cài đặt hệ điều hành Windows, MacOS; dùng điện thoại cài đặt hệ điều hành Android, iOS với những lưu ý cần thiết về cài đặt, sử dụng an toàn trên thiết bị, tắt các tính năng không cần thiết cũng như sử dụng các tính năng hữu ích...

Với chương III - Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, cẩm nang hướng dẫn cụ thể với từng đối tượng sử dụng là giáo viên và cha mẹ, học sinh; đồng thời hướng dẫn cụ thể cách sử dụng các ứng dụng học trực tuyến Zoom, Microsoft Teams, Google Meet, Trans, Zavi, Jitsi...

Cách thiết lập xác thực 2 bước cho tài khoản Google.

Trong đó, với phụ huynh và học sinh, nhóm soạn thảo khuyến nghị để học trực tuyến an toàn, chỉ tải và cài đặt phần mềm từ địa chỉ tin cậy, thông qua kho ứng dụng hoặc trang chủ của nhà phát triển.

Khi học sinh sử dụng chung máy tính để học tập, cha mẹ nên là người tạo riêng tài khoản cho từng bạn và chỉ cài đặt phần mềm cần thiết, không cho phép cài đặt, sử dụng các phần mềm khác. Cha mẹ cũng như học sinh không chia sẻ thông tin về lớp học trên các kênh thông tin công khai. Khi tham gia, cần đặt theo tên của học sinh, hoặc đặt theo hướng dẫn của giáo viên. Đồng thời, không mở đường dẫn và tập tin lạ xuất hiện trên lớp học mà không phải do giáo viên chia sẻ.

Bên cạnh đó, cha mẹ và học sinh cần dành thời gian để kiểm tra, cập nhật ứng dụng đang sử dụng để học trực tuyến khi có phiên bản mới. Với trường hợp sử dụng trình duyệt web trên máy tính hoặc điện thoại để tham gia lớp học, cần lưu ý cập nhật phiên bản mới.

Hướng dẫn giáo viên cách tắt tiếng học sinh trong quá trình học trực tuyến.

Trước đó, tại Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 3-9-2021 về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông là ban hành hướng dẫn sử dụng an toàn phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến... Để triển khai nội dung này, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng, hoàn thiện cẩm nang "Hướng dẫn sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy và học trực tuyến".

Địa chỉ tin cậy để tải phần mềm

Đầu tháng 11-2021, Cục An toàn thông tin đã có văn bản đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc hỗ trợ phổ biến cẩm nang đến các cơ sở giáo dục có sử dụng hình thức đào tạo trực tuyến trên địa bàn. Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin đã chỉ đạo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) chủ động, phối hợp tổ chức các buổi tập huấn trực tuyến về những nội dung kỹ thuật trong tài liệu hướng dẫn khi có yêu cầu.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/oto-xemay/1016943/huong-dan-hoc-an-toan-tren-cac-nen-tang-truc-tuyen